Theo dõi Báo Thanh tra trên
Đức Tuyền
Chủ nhật, 21/11/2021 - 15:25
(Thanh tra)- Cách trung tâm huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) không xa là thôn Đèo Trám, xã Tiến Bộ. Những năm trước, nhắc đến Đèo Trám, không chỉ cán bộ thôn, cán bộ xã mà tới cán bộ huyện cũng thấy buồn vì nơi đây có “rất nhiều không”. Không đường, không trường, không trạm, không chợ, không lớp học…
Khi rừng và ruộng được phát huy thế mạnh đã góp phần giúp dân Đèo Trám xóa nghèo nhanh chóng. Ảnh: Đức Tuyền
Những cái tối thiểu và cần có cho một cuộc sống người dân đã tạo ra áp lực, “đè” thôn Đèo Trám xuống cuối bảng trong sự phát triển. Nhưng bằng sự quan tâm, Đèo Trám đã khắc phục dần hiện trạng “nhiều không” của mình để dân có cơ hội đi lên.
“Lấy gần… vươn xa”
Từ trung tâm huyện Yên Sơn xuống xã Tiến Bộ, rồi từ xã này vào Đèo Trám là con đường gần 20km “đặc quánh” những tán rừng.
Xe hun hút lao qua các khoảnh rừng nhiều tầng rồi chợt “vỡ òa” ra trước mắt là một khoảng sáng đầy nắng, ấm áp bởi các căn nhà của người Nùng, nằm quấn quýt với nhau.
Xanh cây, xanh ruộng, lốc cốc tiếng mõ trâu, mõ bò; trước khung cảnh ấy không ai không bảo đang có sự no đủ đã tìm đến “gõ cửa” nơi đây.
Nhà Trưởng thôn Sèn Văn Nam tương đối ngăn nắp và vững chãi trong thôn. Với cái cười hết sức thân thiện cùng khách đường xa, đôi chân ông trưởng thôn người Nùng thoăn thoắt chạy ra chạy vào mà lo chuyện nước nôi.
Chén trà mạn dần xua đi cái lạnh miền núi, trước những gì ở Đèo Trám, ông Nam ngược lại những ngày đầu khó khăn của mình, gia đình cũng như bản làng ngày mới về đây “đánh gốc, bốc chà” mà mở đất.
Theo lời kể của ông Nam, thôn Đèo Trám bắt đầu được “khai sinh” từ năm 1982, do 13 gia đình đầu tiên ở vùng Kim Quan chuyển về. Ngày ấy, người Nùng về đây phát cây lập thôn với cơ sở vật chất chẳng có gì. Họ cứ tự mò mẫm, dựng nhà rồi tiện đâu thì san ruộng và kiếm đất làm nương.
Cuộc sống hầu như không có sự định hướng, chủ yếu sinh nhai theo kiểu hết sức tự nhiên nên hai chữ đói nghèo đã hiển hiện, bao vây xóm làng.
Cùng với đói nghèo, những cái căn bản cần có cho người dân như đường, trường, trạm và cái tối thiểu nhất là chợ để cho dân trao đổi hàng hóa cũng không có được.
Trong thời gian này, ngoài đói nghèo, hầu như một cuộc sống tự cung, tự cấp đã trở thành “văn minh” đưa người Đèo Trám vào vùng bế tắc mãi. Đói nghèo và tình trạng “nhiều không” đã trở thành điều xấu cho xã, cho huyện trong mỗi lần tổng kết, khi cái tên Đèo Trám được đưa ra. Để xóa đi một điểm “nghèo đầy tai tiếng” này, Đèo Trám đã được huyện, xã đưa vào danh sách xóa nghèo.
Do điều kiện không thuận lợi nên cán bộ huyện, cán bộ xã được điều xuống, ngày đêm “bóp trán, nheo mày” để tìm hướng phát triển cho Đèo Trám. Cán bộ chủ chốt của thôn được gọi lên, cùng cán bộ xã, huyện để tìm hướng cho Đèo Trám thoát nghèo. Mỗi người một ý, đều được ghi chép lại rồi sàng lọc.
Trong việc tìm hướng thoát nghèo cho Đèo Trám hôm nay, cái ghi nhận là việc hết sức công khai dân chủ ở đây.
Cán bộ xã, cán bộ huyện với chủ trương không áp đặt, tận dụng mọi suy nghĩ và ý kiến của cán bộ thôn - bộ phận được coi là gần dân, hiểu dân và hiểu đất hơn bao giờ hết đã được tổng kết thành kế sách.
Các ý kiến được tổng hợp, với phương châm ưu tiên ý kiến và đề xuất cấp cơ sở nên phương án “lấy gần, vươn xa” đã được triển khai.
“Lấy gần, vươn xa” ở đây nghĩa là trước mắt, cần tập trung vào những cây con truyền thống của dân để phát triển kinh tế. Khi dân no bụng, hết nghèo mới tiến đến việc áp dụng, triển khai các chương trình kinh tế khác cần nhiều kỹ thuật, nhiều vốn hơn.
Với phương châm này, trước tiên để dân no bụng, các diện tích ruộng nương được kê biên và đánh giá lại. Để phát huy thế mạnh ruộng, nước được dẫn về, ruộng bậc thang được mở.
Từ chỗ có vài khoảnh ruộng tủn mủn, sau một thời gian chú trọng, diện tích ruộng của Đèo Trám đã lên đến hơn 10ha.
Ruộng được dẫn nước, phân bón và các tiến bộ khoa học được triển khai, lúa giống mới được đưa vào đã nâng năng suất lên đến gần 3 tạ/sào. Với nơi khác, năng suất này chưa phải là điều để người ta chú ý, nhưng với người Nùng ở Đèo Trám thì đây đã là những kết quả mà người dân cảm thấy hết sức mãn nguyện. Vì bao đời nay, với việc cấy hái quảng canh, nếu được mùa, người dân Đèo Trám chỉ thu được khoảng 1,2 tạ đến 1,5 tạ/sào mà thôi.
Ruộng tăng năng suất, thu hoạch đều đặn trong mỗi năm đã tạo ra những tích lũy về lương thực, làm người Đèo Trám hết đói. Năng suất lúa và cây trồng tăng, kế hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm được đưa tiếp vào. Phương châm đa dạng hóa cây và con ở đây được triển khai hết sức thận trọng.
Với quan điểm “chậm nhưng phải chắc”, không ồ ạt, dân nâng nhận thức đến đâu thì đầu tư và triển khai đến đó, nên khi bước vào chăn nuôi, Đèo Trám đã có những kết quả ghi nhận ngay. Ngoài hàng chục máy cày bừa được dân đầu tư để giải phóng sức lao động thì 60 trâu bò cũng được chăn thả.
Hiện nay, trung bình mỗi nhà trong thôn đã nuôi 2 - 4 con lợn. Và lần đầu tiên ở đây, người dân đã biết làm chuồng lợn xa nhà, biết vệ sinh chuồng trại và tiêm vắc xin cho đàn lợn của mình. Dịch bệnh được hạn chế, người dân nuôi con gì thì có thu nhập ngay bằng con đó.
Từ 100% các hộ gia đình nghèo khó và thiếu đói, chỉ trong 5 năm định hướng phát triển, khích lệ dân làm kinh tế mà số hộ nghèo ở Đèo Trám giảm xuống chỉ còn 2 hộ.
Hết nghèo, cái chữ theo về!
Từ một thôn “nổi tiếng” về đói nghèo, đã không ít các hộ dân có tư tưởng bỏ đất mà đi, thì nay, với sự vươn nên của mình, Đèo Trám đang là nơi quần tụ của không ít các gia đình. Từ chỗ có 13 hộ gia đình nghèo túng buổi ban đầu, hiện Đèo Trám đã là nơi sinh sống của 43 hộ gia đình.
Theo Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ Sèn Văn Nam, ngoài việc vươn lên, xóa đói, giảm nghèo thì người dân Đèo Trám còn hết sức đoàn kết. Không những đoàn kết mà người dân ở đây còn đang vươn lên để thực hiện nếp sống mới.
Đơn giản như chuyện ma chay, cưới xin, trước đây vốn là một tập tục khá rườm rà và phức tạp của người Nùng. Sau một thời gian vận động, triển khai đời sống mới ở khu dân cư thì hầu hết người Nùng ở Đèo Trám đều hiểu ra, và ủng hộ. Những phức tạp của hai thủ tục ấy đã được người dân thực hiện đơn giản, nhanh gọn và không tốn kém.
Ngoài đường, trạm thì bằng các khoản đầu tư nên trường học cũng đã vào với Đèo Trám. Hiện tại, Đèo Trám đã có phân hiệu trường, đảm bảo cho các cháu theo học.
Các giáo viên ở đây cho biết, mới đầu vận động đưa trẻ đến trường ở Đèo Trám tưởng chừng rất khó khăn vì dân nghèo, đói quá. Nhưng cùng với việc xóa đói, giảm nghèo thì việc vận động trẻ đến trường cũng thuận lợi hơn.
Hiện hầu hết các trẻ trong độ tuổi của Đèo Trám đều được cha mẹ cho đến trường. Ý thức được tầm quan trọng của chữ nghĩa nên cha mẹ các em ở đây cũng quý cô giáo lắm. Ngoài việc bắc máng dẫn nước về cho cô giáo thì cha mẹ các em còn góp củi, góp rau để giúp các cô yên tâm đến trường.
Đưa tôi ra cánh rừng sở bạt ngàn, ông Sèn Văn Nam cho biết thêm: Ngoài ruộng, chăn nuôi thì dân chúng tôi đang triển khai một hướng phát triển kinh tế rất mới, lợi nhuận cao đó là trồng rừng.
Hiện phong trào này được nhân rộng. Nhiều hộ gia đình tích cực tham gia và đã đưa diện tích rừng trồng toàn thôn lên 150ha. Chả mấy lâu nữa, những cánh rừng này vào kỳ thu hoạch, sẽ có thêm những hộ khá và giàu xuất hiện ở đất này!
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương