Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 09/03/2015 - 13:05
(Thanh tra) - Nghề làm gốm xuất hiện tại vùng Đông Nam bộ trên dưới 200 năm trước. Trong vùng, bên cạnh hàng trăm cơ sở gốm sứ sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với các lò nung bằng củi, than đá thì còn có một nhà sản xuất gốm sứ cao cấp với công nghệ và máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại.
Nghề làm gốm ở phường Tân Vạn, TP Biên Hòa tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Ảnh: Bảo Trâm
Ký ức xưa
Theo lời kể của những các bậc cao niên ở làng gốm Tân Vạn (phường Tân Vạn, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), nghề làm gốm, lu xuất phát từ những thợ gốm người Hoa ở Biên Hòa. Nửa cuối thế kỷ XIX, nhiều lò gốm gia dụng ở Tân Vạn đã bắt đầu hình thành.
Những lò gốm cũ của người Hoa chuyên làm đồ gia dụng với những loại sản phẩm, như: Lu, hũ, chậu, ghè… bằng gốm sành. Nguyên liệu chủ yếu là đất sét đỏ pha cát, nung ở nhiệt độ cao tạo cho xương sành dày, chắc và cứng. Quá trình tạo ra sản phẩm gốm, lu còn mang tính thủ công cổ truyền, kỹ thuật chế tác chủ yếu bằng phương pháp dải cuộn và qua nhiều công đoạn. Đến đầu thế kỷ XX, nghề gốm đã phát triển khá mạnh ở vùng Biên Hòa, nhưng chủ yếu là sản phẩm gốm gia dụng, như: Nồi, lu, hũ, chậu, ghè, ấm, chén, đĩa… để sử dụng, chưa mang yếu tố trang trí mỹ thuật.
Các lò sản xuất gốm mỹ nghệ thịnh hành kể từ khi Trường Bá nghệ Biên Hòa được thành lập (năm 1903). Quy trình sản xuất, tạo mẫu, pha chế men màu, đặc biệt là khâu cải tạo nguyên liệu gốm… được nghiên cứu và thử nghiệm thành công. Năm 1923, các nghệ nhân Biên Hòa đã chế tạo thành công “gốm mỹ nghệ Biên Hòa”. Từ đó, nhiều sản phẩm gốm đa dạng được sản xuất dùng trong sinh hoạt, trang trí, thờ cúng…
Các làng nghề gốm sứ, lu, sành… ở các xã, phường: Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An có gần 100 xưởng gốm mỹ nghệ lớn, nhỏ. Gốm mỹ nghệ Biên Hòa chỉ trong 3/4 thế kỷ đã lan tỏa thành gốm Bình Dương, gốm TP Hồ Chí Minh, gốm Vĩnh Long và đi khắp nơi, góp phần tô điểm cho đời thêm đẹp.
Cũng tại vùng Đông Nam bộ, gốm Bình Dương cũng nức tiếng với khách hàng gần xa. Những năm gần đây, tình hình sản xuất gốm sứ ở Bình Dương đã có bước khởi sắc khi các cơ sở sản xuất gốm sứ và chính quyền địa phương cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo thống kê của Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, có khoảng 50 doanh nghiệp và cơ sở gốm sứ tại tỉnh này đã có hợp đồng khách hàng trong năm 2014. Hàng chục cơ sở sản xuất khác cũng đang làm ăn có lãi và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Thương hiệu đặc trưng
Có thể nói, trong làng gốm sứ Bình Dương, nếu các Công ty Cường Phát, Minh Long 1… rất nổi tiếng trong các sản phẩm sứ tinh xảo thì Công ty Phước Dũ Long lại được biết đến với dòng sản phẩm ngoài trời, sân vườn loại lớn. Với diện tích nhà xưởng lên đến 16ha, nếu cho thuê, mỗi tháng anh Vương Siêu Tín - Giám đốc Công ty Phước Dũ Long thu về 3 tỷ đồng mà không phải làm gì trong khi đó lợi nhuận của Công ty Phước Dũ Long hiện nay chưa đến 1 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, anh vẫn đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cao công nghệ, mở rộng quy trình sản xuất, kinh doanh. Đó là vì niềm đam mê, tình yêu với gốm, với nghề cha ông để lại.
“Tôi âm thầm học hỏi công nghệ, tích lũy vốn liếng cả gia đình đầu tư hơn 40 tỷ đồng vào dây chuyền xử lý đất. Nói không ai tin chứ tôi dồn gần hết lợi nhuận bao nhiêu năm làm gốm để đầu tư vào máy móc, công nghệ để hiện đại hóa sản phẩm. Tôi mong gốm của Bình Dương khẳng định mình trên thị trường quốc tế”, anh Vương Siêu Tín chia sẻ.
Doanh nhân Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, một nghệ nhân có niềm đam mê cháy bỏng với các sản phẩm gốm sứ cho biết, ông là thế hệ thứ 3 trong một gia đình có truyền thống làm đồ gốm sứ mỹ nghệ. Học hỏi những kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất đồ gốm sứ từ những người đi trước cùng với việc không ngừng tìm tòi, học hỏi những kỹ thuật tiên tiến nhất, ông đã cho ra lò những sản phẩm với chất lượng cao. Chính những nỗ lực trên đã tạo nên tên tuổi Minh Long 1 ngày nay. Đặc điểm nổi trội của dòng gốm sứ cao cấp này là ứng dụng công nghệ vẽ màu trên nhiệt độ cao 1.250ºC. Đây được coi là thành công duy nhất trên thế giới khi nhiều nhà sản xuất gốm sứ nổi tiếng trên thế giới hiện nay thường chỉ vẽ màu trên nhiệt độ 850ºC. Công nghệ này khiến cho những đường nét vẽ tay của nghệ nhân trên tác phẩm còn nguyên vẹn, sự dịch chuyển của màu sắc tạo cho sản phẩm có độ bóng, những hình ảnh chìm trong lớp men tạo ra chiều sâu của không gian 3 chiều trông rất sống động. Sản phẩm gốm sứ Minh Long 1 không chỉ mang tính mỹ thuật mà còn an toàn cho sức khoẻ người sử dụng và cho đến nay nó đã chinh phục được những du khách khó tính nhất đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu..
Hiện nay, khi hàng loạt các làng nghề truyền thống trong nước đang lao đao thì nghề gốm sứ ở Bình Dương vẫn đang có bước phát triển tốt. Đây là kết quả của sự tìm tòi, sáng tạo của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất gốm sứ tại địa phương này.
Bảo Trâm
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương