Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tuyên Quang chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Nam Dũng

Thứ năm, 17/08/2023 - 06:35

(Thanh tra)- Đó là khẳng định của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang trong đánh giá kết quả công tác chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian vừa qua.

Công an huyện Yên Sơn đang hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Ảnh: ND

Theo Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang, kết quả công bố ngày 12/7/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) năm 2022 của tỉnh có giá trị là 0,532 (tăng trưởng 0,2471 so với năm 2021), xếp hạng 48/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 10 bậc so với năm 2021).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã công bố kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số năm 2022 của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; phát động thi đua chuyển đổi số - Năm Dữ liệu số Tuyên Quang năm 2023 và ra mắt ứng dụng chính quyền số tỉnh Tuyên Quang (App Tuyên Quang ID).

Những kết quả này đã tạo nên nền tảng hạ tầng và môi trường để tỉnh Tuyên Quang từng bước thực hiện chuyển đổi số. Từ chính quyền tới người dân, doanh nghiệp đều tăng cường hoạt động trên môi trường mạng.

Nhờ đó, đến nay, chuyển đổi số không còn là khái niệm xa vời, người dân Tuyên Quang đã dần thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, sẵn sàng trải nghiệm công nghệ mới, thụ hưởng những giá trị từ chuyển đổi số.

Nhằm triển khai có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh, đến thời điểm hiện tại đã hỗ trợ cộng đồng dân cư triển khai ứng dụng công nghệ, trên 1.800 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập với 10.200 thành viên trong đó nòng cốt là thanh niên, đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, các nền tảng số như: Thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống. Giúp đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, từ đó tạo ra giá trị thiết thực thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống.

Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 1.311 vị trí lắp đặt trạm thu phát sóng di động (BTS) tăng 82 trạm so với năm 2022; tuyến truyền dẫn cáp quang kéo đến 1.693 thôn, tổ dân phố và có khoảng 80% dân số trên địa bàn tỉnh sử dụng điện thoại thông minh điều này đã tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc biệt là kinh doanh trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy toàn diện thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng hóa đơn điện tử.

Tháng 4/2023, tỉnh Tuyên Quang đã ra mắt ứng dụng chính quyền số (Tuyên Quang ID) nhằm nâng cao năng lực hoạt động, cung cấp dịch vụ nghiệp vụ của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với công dân, doanh nghiệp; thiết lập kênh tương tác đa chiều giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp một cách kịp thời, hiệu quả. Từ đó, tăng cường mối quan hệ, liên kết và thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tỉnh, thúc đẩy sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong công tác giám sát cũng như xây dựng và phát triển tỉnh Tuyên Quang và đẩy mạnh quá trình sử dụng dịch vụ công của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh khẳng định, Đảng và Nhà nước rất coi trọng về chuyển đổi số. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cũng đã xác định rõ là nhiệm vụ quan trọng, có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nhận thức của chính những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ông Nguyễn Văn Sơn đề nghị, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương cần phát huy vai trò và tinh thần trách nhiệm, rà soát lại các kế hoạch của UBND tỉnh để thấy được trách nhiệm của mình, từ đó triển khai các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách.

Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang lưu ý, khối lượng công việc của hai cơ quan chủ trì là Sở Thông tin và Truyền thông và Công an tỉnh trong thời gian tới là rất lớn, vì vậy lãnh đạo hai cơ quan cần quyết liệt trong chỉ đạo. Người đứng đầu cấp ủy các cấp, các ngành cần phải xác định rõ nhiệm vụ, nêu cao vai trò trách nhiệm, quan tâm sâu sát với công việc, phối hợp tốt để tham mưu cho UBND tỉnh có các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm