Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoàng Nam
Thứ năm, 21/11/2024 - 16:03
(Thanh tra) - Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu của nhiều tờ báo tiếp tục sụt giảm mạnh, từ đó kéo theo thu nhập của những người làm báo chân chính cũng giảm, việc trang trải các chi phí cuộc sống thường ngày trở nên rất khó khăn.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử và mạng xã hội được cho là đã lấy đi phần lớn doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí, truyền thông. Ảnh: TTM
Cụ thể, doanh thu quý III/2024 của các tờ báo như Công an Nhân dân đạt hơn 22 tỉ đồng, giảm 11,2%; Dân Trí đạt hơn 10,2 tỉ đồng, giảm 22%; Tuổi trẻ đạt hơn 70,2 tỷ, giảm 2,4%; Người Lao Động đạt 19,5 tỉ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2023…
Doanh thu sụt giảm, lợi nhuận trong quý III/2024 của các tờ báo cũng sụt giảm theo, như báo Dân trí (20 triệu đồng, giảm 30%), Nông thôn Ngày nay (30,4 triệu đồng, giảm 70,9%).
Báo chí và mạng xã hội thu hút quảng cáo - cuộc đua không cân sức
Nhận định về những khó khăn của các cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, yếu tố chủ quan xuất phát từ vai trò, trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí còn hạn chế, mờ nhạt; nhiều cơ quan chủ quản chưa quan tâm phê duyệt, ban hành kế hoạch triển khai chiến lược chuyển đổi số báo chí. Có đến 63% cơ quan báo chí được khảo sát đạt mức trưởng thành chuyển đổi số ở mức yếu.
Khi chuyển đổi số báo chí còn diễn ra chậm chạp, thì sự thua thiệt của báo chí so với mạng xã hội ngày càng bộ lộ rõ. Báo chí, truyền thông và mạng xã hội đều dựa vào nguồn sức mạnh là thông tin, nhưng khi thông tin trên các mạng xã hội được cập nhật từng phút, từng giây theo thời gian thực, còn thông tin trên báo chí, truyền thông lại cập nhật theo số báo, ca trực hay khung giờ nhất định, thì rõ ràng, báo chí đã đã bị tụt lại trong cuộc đua thu hút người theo dõi. Và nơi nào có đông người tham gia hơn, nơi đó các hợp đồng quảng cáo sẽ tìm đến nhiều hơn.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo được các tập đoàn công nghệ lớn như Meta (Facebook), Alphabet (Google, youtube), ByteDance (TikTok)… đầu tư và ứng dụng cho các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã tạo ra rất nhiều điều mới mẻ, thu hút sự tham gia của số đông người dùng.
Ngoài lợi thế về công nghệ, các nền tảng mạng xã hội còn một lợi thế khác đó là nguồn lực tham gia sản xuất nội dung với hàng triệu người dùng trực tiếp tham gia tương tác, sản xuất các nội dung số. Họ có thể là doanh nhân, giáo viên, người già hay trẻ nhỏ, ai cũng có thể trở thành nhà sáng tạo nội dung số trên mạng xã hội. Việc này giúp cho các thông tin trở nên thực tế, gần gũi và có thể cập nhật theo thời gian thực ở khắp mọi nơi.
Trong khi đó, tại các cơ quan báo chí, truyền thông, việc tuyển dụng nhân sự cần phải qua các khóa đào tạo, yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ. Ngay cả đối với đội ngũ cộng tác viên, cũng cần phải có những yêu cầu nhất định gắn với tôn chỉ, mục đích của mỗi tờ báo, cơ quan truyền thông.
Ước tính, các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống. Việc quảng cáo thông qua các mạng xã hội, hay qua các nhà sáng tạo nội dung số là rất dễ dàng và cũng rất dễ định lượng về kết quả của chiến dịch quảng cáo, điều mà các cơ quan báo chí, truyền thông vẫn đang loay hoay, tìm giải pháp gỡ khó.
Còn có sự bất hợp lý trong một số cơ chế, chính sách
Ngày 4/4/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hanh Quyết định số 531/QĐ-BTTTT ban hành kế hoạch hành động năm 2023 triển khai Chiến lược phát triển lĩnh vực báo chí giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, đến năm 2025, 100% các cơ quan báo chí sẽ hoạt động theo cơ chế tự chủ; Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị và thông tin thiết yếu theo quy định.
Ngay từ thời điểm đó, qua việc tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có kiến nghị với Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Bởi trong Nghị định này có các quy định chưa thống nhất hoặc chưa cụ thể về thực hiện lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước; các đơn vị sự nghiệp công lập có mức độ tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên (nhóm 1), đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2) nếu tính chi phí tiền lương trong giá dịch vụ theo quy định trên không phù hợp với thực tế của đơn vị…
Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, hoạt động của các cơ quan báo chí đều phục vụ nhiệm vụ chính trị, truyền thông chính sách, cung cấp thông tin thiết yếu, tuy nhiên, chỉ có cơ quan báo chí in mới được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất là 10%. Trong khi, hiện nay, với tiến trình số hóa các nội dung báo chí, nhiều cơ quan báo chí có nhiều loại hình báo chí như báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử.
Thậm chí, lượng phát hành, kỳ phát hành báo in cũng đã giảm đi nhiều, cần có cơ chế thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí và cũng là thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế.
Báo chí trong truyền thông chính sách, quyền lợi và trách nhiệm chưa tương xứng
Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/2/2023 của Thủ tướng về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, xác định, truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách.
Qua đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông; bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách. Nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.
Các cơ quan báo chí, ngoài nhiệm vụ phải liên tục cập nhật những thông tin mới ở tất cả các mặt trong đời sống, xã hội, còn phải mang thêm vai trò tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều cơ quan hành chính Nhà nước còn e ngại, né tránh việc công khai thông tin, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Do vậy, việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách còn hạn chế, chưa mạng lại doanh thu tương xứng cho các cơ quan báo chí khi thực hiện nhiệm vụ này.
Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo, theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phải chủ động thay đổi để đa dạng nguồn thu
Trước hết cần khẳng định, mỗi cơ quan báo chí đều có tôn chỉ, mục đích hoạt động khác nhau, vì thế, mô hình và định hướng hoạt động cũng khác nhau. Không có công thức thành công cho tất cả, mà mỗi cơ quan báo chí đều phải xây dựng cho mình 1 mô hình riêng, cách thức riêng và bản sắc riêng để hướng đến và thu hút độc giả cho riêng tờ báo.
Các nguồn thu chính của các cơ quan báo chí, gồm: Quảng cáo trên báo in; từ ngân sách Nhà nước, cơ quan chủ quản; từ phát hành báo in; hợp đồng truyền thông, nội dung được tài trợ, tiếp thị liên kết; quảng cáo điện tử…
Cuộc cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí, truyền thông với các mạng xã hội trong khai thác nguồn thu từ quảng cáo là không cân sức, cân bằng. Nếu các cơ quan báo chí, truyền thông không kịp thời, quyết liệt thay đổi, cán cân sẽ ngày càng nghiêng lệch về phía các mạng xã hội.
Trong phần trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về lĩnh vực thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng, báo chí muốn giữ vững trận địa của mình thì phải làm khác mạng xã hội, quay về những giá trị cốt lõi của báo chí, tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp; thay vì đưa tin thì phân tích đánh giá; thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp, thay vì đưa tin thì kể câu chuyện dẫn dắt định hướng xã hội.
Báo chí cần phải định hướng được dòng chảy thông tin, đảm bảo chất lượng tin tức, nội dung, để xác định lại vị trí, vai trò của báo chí cách mạng. Thậm chí, sử dụng chính các công nghệ của mạng xã hội để làm báo và coi mạng xã hội là môi trường để xuất hiện và khẳng định mình.
Khi báo chí trở về với vai trò trung tâm, định hướng dư luận, là phương tiện để soi chiếu và kiểm chứng thông tin, thì vấn nạn tin giả, lừa đảo trục lợi trên không gian mạng cũng sẽ từng bước được đẩy lùi.
Như đã đề cập ở trên, các nền tảng mạng xã hội có lợi thế là hàng triệu người dùng trực tiếp tham gia tương tác, sản xuất các nội dung số, giúp cho nội dung rất đa dạng, phong phú và cuốn hút theo những cách riêng. Nhưng đó cũng là căn nguyên khiến nạn tin giả bùng phát, những chiêu trò lừa đảo khó kiểm soát. Khi nhận thức về mạng xã hội đang dần được nâng cao, các thông tin lan truyền trên mạng xã hội sẽ được người dùng cảnh giác hơn, chọn lọc hơn và xu hướng người dùng tìm đến các tờ báo chính thống để kiểm chứng là xu thế đang ngày càng rõ rệt.
Khi báo chí trở về với giá trị cốt lõi của mình, là nguồn tin đáng tin cậy, độc giả sẽ luôn đồng hành kể cả khi họ phải trả phí để sử dụng dịch vụ; những nhà sáng tạo nội dung số, mạng xã hội khi muốn sử dụng thông tin, tác phẩm báo chí cũng phải trả phí để đưa thông tin lên kênh của mình. Và đó là cơ sở để các cơ quan báo chí, truyền thông có được nguồn thu ổn định và bền vững hơn.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người. Đó là khẳng định của GS. Yann LeCun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta (Hoa Kỳ), một trong những người tiên phong đặt nền phóng cho sự phát triển của AI.
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024Minh Thắng
Văn Thanh
Thu Huyền
Uyên Uyên
Uyên Uyên
Cảnh Nhật
Quang Dân
Hương Giang
Lê Hữu Chính
Lâm Ánh
Hương Giang