Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tiếp tục tìm kiếm giải pháp khôi phục sản xuất sau thiên tai

Hoàng Nam

Thứ hai, 23/12/2024 - 13:27

(Thanh tra) - Bão số 3 (bão Yagi) là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá lớn, gây thiệt hại kinh tế hơn 81.700 tỷ đồng, trong đó, tính riêng tại Yên Bái, tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 6 nghìn tỷ đồng. Diễn đàn "Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai" do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái cùng các đơn vị liên quan tổ chức vào sáng ngày 23/12 là cơ hội để người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ quan quản lý cùng ngồi lại, phân tích và tìm ra những giải pháp để hỗ trợ tốt hơn cho người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái. Ảnh: Mard

Khôi phục sản xuất là ưu tiên hàng đầu

Theo ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, trước những ảnh hưởng nặng nề của cơ bão số 3, tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để hỗ trợ thiệt hại cho người dân, mức hỗ trợ cao hơn so với Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác khắc phục hậu quả được coi là nhiệm vụ trọng tâm và việc khôi phục sản xuất nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu.

Dù mưa bão đã qua, cuộc sống của người dân cũng đang từng bước ổn định trở lại, nhưng thông qua diễn đàn lần này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái đề nghị nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cùng các cơ quan, đơn vị địa phương tiếp tục chung sức, khôi phục sản xuất; đồng thời, mong muốn nhận được các sáng kiến, sự vào cuộc quyết liệt của các nhà đầu tư để tiếp tục giúp nông dân khôi phục sau bão.

Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Yên Bái, với sự phối hợp tốt của chính quyền địa phương, các sở, ban ngành và người dân trong các vấn đề phục hồi dân sinh sau bão, nên sau khi hoàn lưu bão gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến 27.000 ngôi nhà thiệt hại, 3.000 vị trí có nguy cơ sạt lở và ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 5.000 hộ dân… cuộc sống người dân bị ảnh hưởng trực tiếp đã sớm được ổn định trở lại, trong đó, tỉnh đã ưu tiên sắp xếp với hình thức xen ghép và tại chỗ. Với những hộ không thể sắp xếp tại chỗ, tỉnh đã đề xuất xây dựng 12 khu tái định cư, để bố trí cho gần 800 hộ dân, với mức kinh phí trên 300 tỷ đồng, dự kiến triển khai ngay trong năm 2025.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Yên Bái. Ảnh: HN

“Việc tái thiết nhà cửa, sản xuất cho người dân cần nguồn lực vô cùng lớn, trong đó các chính sách hỗ trợ quy định, Nhà nước và xã hội hóa chỉ đóng một phần, ngoài ra cần đến sự tự lực, tự cường của chính người dân”, ông Sang cho biết.

Cần nhiều hơn các chính sách hỗ trợ để người dân khôi phục sản xuất

Phát biểu tại diễn đàn, đại diện Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, thiệt hại về chăn nuôi sơ bộ ước tính của 22 địa phương là hơn 11.000 tỷ đồng, Cục Chăn nuôi đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để nhanh chóng hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, người dân khắc phục hậu quả sau mưa bão, khôi phục hoạt động sản xuất.

Đại diện Cục Chăn nuôi kiến nghị, nên cấp các gói hỗ trợ tài chính hoặc khoản vay ưu đãi cho hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng nhằm khắc phục thiệt hại nhanh chóng. Hỗ trợ bằng hiện vật như thức ăn, con giống, thiết bị sửa chữa cơ sở hạ tầng chăn nuôi bị hư hỏng.

Bên cạnh đó, miễn giảm lãi suất hoặc gia hạn nợ cho các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, tạo điều kiện để phục hồi sản xuất. Đầu tư ngân sách để hỗ trợ xây dựng lại chuồng trại, cơ sở chế biến và hạ tầng kỹ thuật trong các khu vực bị thiệt hại. Khôi phục và cải tạo hệ thống giao thông nông thôn, điện, nước để đảm bảo điều kiện sản xuất.

Đồng thời, cấp bổ sung các nguồn lực để tiêm phòng, kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trong điều kiện hậu bão, khi môi trường dễ bị ô nhiễm, dịch bệnh có thể lây lan nhanh chóng.

Đại diện của Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, về lâu dài, ngoài việc thống kê thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ kịp thời cho người dân theo quy định, cần làm việc với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để khoanh nợ, giãn nợ và bổ sung gói vay mới để khôi phục sản xuất cho người dân. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi trông thủy sản để đáp ứng điều kiện nuôi trồng thủy sản và phòng chống thiên tai; tổ chức vệ sinh môi trường vùng nuôi bị ngập, lụt sau thiên tai.

Cục Thủy sản cũng đang tách việc hỗ trợ tài chính cho người dân thành “hỗ trợ do thiên tai” và “hỗ trợ do dịch bệnh”; đồng thời đề xuất Chính phủ có chính sách giãn nợ với người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp do bão Yagi.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ảnh: Mard

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, bão số 3 và mưa lũ sau bão là đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm qua ở Bắc Bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm (bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng);

Theo thống kê, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết, mất tích; 2.041 người bị thương; 5.647 nhà bị sập đổ, 256.923 nhà bị hư hại, tốc mái; 281.153ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 46.614 con gia súc, 4,8 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 805 sự cố đê điều; 2.524 công trình thủy lợi bị hư hại, sự cố; 194 tàu, thuyền, 18.220 lồng bè; 82.678ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại; 548km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, ách tắc với khối lượng sạt lở trên 15 triệu m3. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế trên 83.746 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nông nghiệp ước tính 38.086 tỷ đồng (chiếm 45% tổng thiệt hại về kinh tế).

Hậu quả của bão số 3 và mưa lũ sau bão đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi. Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục đã phối hợp cùng các địa phương xử lý hơn 800 sự cố về đê điều, kịp thời hỗ trợ người dân sơ tán an toàn cả về người và tài sản, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo về Nghị định thay thế Nghị định 02 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo mong muốn của địa phương và tình hình thực tế về nâng mức hỗ trợ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

45 năm trở lại chiến trường xưa tìm đồng đội

45 năm trở lại chiến trường xưa tìm đồng đội

(Thanh tra) - Phiến đá năm xưa đặt hai liệt sĩ để khâm liệm bất chợt hiện ra trước mắt. Giọng ông lạc hẳn đi, đôi chân trở nên lập bập, cuống quýt. Cuối cùng, sau bao nhiêu vất vả, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Minh Giám đã tìm thấy hai người đồng đội được mai táng giữa núi rừng Long Chẹng trùng điệp sau gần nửa thế kỷ.

Hoàng Hiệp - Phạm Duyệt

16:33 23/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm