Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thủ tướng: Quyết tâm hành động để “không ai bị bỏ lại phía sau”

Thanh Thanh

Thứ hai, 17/10/2022 - 22:33

(Thanh tra) - Tối 17/10, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội), đã diễn ra Lễ Phát động "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2022. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam, phát thanh trực tiếp trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được các đài phát thanh - truyền hình trên cả nước tiếp sóng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo. Ảnh: H.Diệp

Chương trình là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động và phát động Tháng Cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022 (17/10/2022 - 18/11/2022).

Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, dành nguồn lực lớn, đầu tư phát triển kinh tế xã hội ở vùng còn nhiều khó khăn; thực hiện đồng bộ các giải pháp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đặc biệt trong hơn 2 năm qua, hưởng ứng lời kêu gọi tha thiết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cả dân tộc ta đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, nhường cơm xẻ áo cho nhau, những ATM gạo, chợ không đồng, suất cơm miễn phí, những đồng tiền tiết kiệm của cụ già, em nhỏ… được gom góp để cùng với Nhà nước phòng, chống dịch Covid - 19.

“Để đất nước ta vượt qua đại dịch Covid-19; xin trân trọng cảm ơn các tổ chức, cá nhân, những tấm lòng thơm thảo đã dành sự quan tâm đặc biệt, tình cảm quý báu giúp đỡ, hỗ trợ cho những người nghèo, người yếu thế trong suốt thời gian qua để góp phần đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chủ tịch MTTQ Việt Nam nói.

Tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa nghèo và Ngày Vì người nghèo Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Qua đó truyền đi thông điệp của lòng nhân ái, của sự sẻ chia, của niềm tin, sự thấu hiểu và quyết tâm hành động để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong hành trình xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình - phồn vinh - ấm no - hạnh phúc.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước đã kịp thời có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đối với người dân bị ảnh hưởng, nhất là người nghèo.

Trong hơn 1 năm qua, Trung ương và các địa phương đã dành hơn 86 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho 56 triệu lượt người dân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch và trên 730.000 người sử dụng lao động.

Cùng với sự quan tâm đó và sự nỗ lực vươn lên của chính người dân, công tác giảm nghèo còn nhận được sự hỗ trợ to lớn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, các tổ chức quốc tế.

“Chúng ta luôn trân trọng các “tấm lòng vàng” đã hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn một cách thầm lặng nhưng kiên trì, bền bỉ và hiệu quả. Đây là những bông hoa đẹp lan toa truyền thống, văn hóa tốt đẹp “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của dân tộc ta”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, vui mừng về những thành tựu quan trọng đạt được thời gian qua, nhưng phía trước vẫn còn nhiều nỗi lo, trăn trở khi vẫn còn gần 2,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm hơn 9% số hộ trong cả nước. Vẫn còn nhiều người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo… còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Ông cũng chia sẻ, biết bao người dân ở các tỉnh miền Trung phải đối mặt với lũ lụt, sạt lở đất, chia cắt do ảnh hưởng của 2 cơn bão số 4 và số 5 vừa qua đi, cơn bão số 6 lại đang ập đến đã có rất nhiều gia đình mất mát về người và của. Cũng chính trong lúc này, chúng ta đã chứng kiến biết bao tấm lòng tỏa sáng để giúp đỡ những người gặp khó khăn, kém may mắn, đó là đạo đức, là nhân văn, cao cả của tấm lòng Việt.

Theo Thủ tướng, xóa đói giảm nghèo là vấn đề toàn dân và cả nước, cần phải có cách tiếp cận toàn dân và trên bình diện quốc gia, đó là sự tham gia tích cực của cộng đồng và sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành và bạn bè, đối tác quốc tế.

Thủ tướng đề nghị và kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, nhất là 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh. Tăng cường kiến thức, kỹ năng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho người nghèo.

Thủ tướng mong muốn, cùng với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành, chung tay, có các hoạt động thiết thực, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước ta; những người nghèo, cận nghèo cần phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tại Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022 đã nhận được sự quan tâm của 167 cơ quan, đơn vị, tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức tôn giáo, người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, các nhà hảo tâm đã ủng hộ và đăng ký ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và Chương trình An sinh xã hội với số tiền trên 1.177 tỷ đồng, trong đó qua Quỹ Vì người nghèo Trung ương gần 134 tỷ đồng, Chương trình An sinh xã hội trên 1.043 tỷ đồng.

Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai hoạt động thiết thực trong Tháng Cao điểm “Vì người nghèo”. Theo thống kê đến nay Mặt trận các tỉnh, thành phố đã huy động đăng ký ủng hộ trên 1.639 tỷ đồng, trong đó ủng hộ Quỹ Vì người nghèo địa phương trên 908 tỷ đồng và thực hiện an sinh xã hội gần 731 tỷ đồng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm