Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thấp thỏm nỗi lo nhà trôi ra biển

Ngọc Phó

Thứ hai, 17/04/2023 - 16:02

(Thanh tra)- Đưa chúng tôi đi thăm thôn Trung Phường, Chủ tịch UBND xã Duy Hải Nguyễn Văn Thống cũng thấp thỏm nỗi lo như bao người dân có nhà nằm ở ven biển, bởi tình trạng sóng biển cứ vỗ mạnh vào bờ, kéo theo nhà cửa, tài sản, cây cối của người dân ra khơi xa…

Một ngôi nhà xây dựng kiên cố của người dân hiện nằm chơi vơi trên biển. Ảnh: N.P

Duy Hải là xã nằm ở bãi ngang ven biển phía Đông của huyện Duy Xuyên. Hàng năm, cứ vào mùa mưa lũ thì tình trạng sạt lở diễn biến liên tục và phức tạp.

Từ năm 1999 đến nay, tình trạng sạt lở ven biển ăn sâu vào đất liền khoảng 300m, có nơi nhiều hơn, làm sạt lở và nguy cơ sạt lở đối với 72 hộ dân có nhà ven biển, buộc phải di dời vào khu tái định cư mới để ổn định cuộc sống.

Thôn Trung Phường được tách ra thôn An Lương, có 58 hộ dân nằm trong diện nguy cơ sạt lở, do đoạn từ cuối bờ kè An Lương đến Trung Phường giáp biển Cửa Đại dài gần 1,2km chưa được đầu tư xây dựng; từ năm 2019 đến nay, tình trạng sạt lở liên tiếp diễn ra khi mưa bão hoặc gió mùa Đông Bắc tràn về.

Chính quyền xã đã di dời được 19 hộ vào nơi ở xen ghép, 4 hộ dân vào khu tái định cư, hiện còn 35 hộ dân vẫn cố gắng “bám trụ” tại khu vực nguy cơ sạt lở rất cao, trong đó có 16 hộ bị ảnh hưởng nhà ở nằm liền kề tiếp giáp với đoạn sạt lở.

Vào năm 2018, UBND xã bố trí đất tái định cư cho 16 hộ trên, nhưng chỉ có 5 hộ đồng ý di dời, còn lại cứ bám ruộng vườn cũ sinh sống.

Chưa vào mùa mưa năm nay, nhưng biển xâm thực cuốn trôi vườn đất của người dân thôn Trung Phường. Ảnh: N.P

Năm 2022 và đầu năm nay, sạt lở tại thôn Trung Phường ăn sâu vào đất liền 70m, hiện chỉ cách nhà một số hộ ven biển chừng 10m, khiến họ rất hoang mang, lo sợ. Mới đây, có 2 hộ dân tại đây làm đơn xin được vào ở tại khu tái định cư.

Chủ tịch UBND xã Duy Hải Nguyễn Văn Thống than thở: Tình trạng sạt lở cứ tiếp diễn như thế này, không biết bao lâu nữa thôn Trung Phường có còn nằm trên bản đồ địa chính của xã hay không?

Ông Thống cho biết thêm, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến khá rõ nét trong những năm gần đây. Mới đầu năm 2023 này, mà sóng vỗ mạnh, bờ biển sạt lở ngay cả trong những tháng ngày nắng nóng như hiện nay…

Còn lão nông Lê Văn Công chỉ tay ra biển, nhìn ngôi nhà cũ xây dựng kiên cố của gia đình mình giờ nằm chơi vơi giữa sóng biển, buồn bã buông lời: “Làng Trung Phường có từ xa xưa, người dân bám biển kết hợp với sản xuất trên bờ mà mưu sinh bao đời nay… Vậy mà, biển cứ gầm gừ, giận dữ cuốn phăng tất cả…”.

Rừng dương chắn sóng cũng bị bật gốc đổ xuống biển. Ảnh: N.P

Không chỉ các hộ dân còn lại ở Trung Phường lo lắng, mà chủ dự án rừng dừa ven biển hơn 90ha là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Kỳ Hà - Chu Lai cũng chung cảnh ngộ. Phần lớn diện tích cây dừa của đơn vị nằm tại thôn Trung Phường bị ảnh hưởng vì sạt lở bờ biển.

Từ năm 2019 đến nay, hàng chục hecta dừa cao to ở Trung Phường đã bị sóng biển đánh bật gốc, ngã kềnh trên bãi biển. Ngay cả những rừng dương, phi lao được mệnh danh là “lá chắn” sóng, gió biển, trồng từ hàng chục năm qua đã cao to cũng lún trôi dần ra biển…

Trước tình trạng biển đang xâm thực, gây sạt lở dữ dội tại xã Duy Hải, UBND tỉnh Quảng Nam đã đầu tư xây dựng kè chắn sóng An Lương, nên người dân sinh sống ổn định, không còn nỗi lo sạt lở bờ biển.

Tuy nhiên, vẫn còn đoạn từ bờ kè An Lương đến thôn Trung Phường giáp khu vực biển Cửa Đại (TP Hội An), có chiều dài gần 1,2km chưa được đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, tình hình sạt lở bờ biển vẫn diễn ra ngày càng phức tạp hơn, đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, sạt lở bờ biển diễn ra nhanh hơn, nhất là trong mùa mưa bão và các đợt gió mùa Đông Bắc gây biển động mạnh.

Nhiều cây dừa cao to ngã kềnh xuống bờ biển. Ảnh: N.P

Vào cuối tháng 3/2023, UBND xã Duy Hải đã có báo cáo khẩn cấp với UBND huyện Duy Xuyên và tỉnh Quảng Nam, thể hiện: “Duy Hải đã được UBND tỉnh Quảng Nam quy hoạch xây dựng đô thị hiện đại phục vụ phát triển du lịch, thương mại - dịch vụ cùng với khu vực Nam Hội An và phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Duy Xuyên. Trong những năm qua, hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng đồng bộ làm cho diện mạo, dáng dấp của không gian đô thị Duy Hải dần hình thành. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở bờ biển, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển vùng Đông Duy Xuyên.

Chính quyền xã Duy Hải đề nghị huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam sớm có giải pháp xây dựng bờ kè chống sạt lở tại khu vực thôn Trung Phường".

Được biết, vào đầu tháng 1/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định phê duyệt chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Nam, gồm 29 khu vực xung yếu qua địa bàn các huyện, thị xã, TP ven biển như: Thị xã Điện Bàn, TP Hội An, Tam Kỳ; các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành; với tổng chiều dài 44.426m. Trong đó, có 3 khu vực tại xã Duy Hải với chiều dài 6.350m.

Người dân thôn Trung Phường mong muốn các ngành chức năng của tỉnh sớm triển khai hệ thống kè biển tại Duy Hải trong thời gian trước mùa mưa bão năm nay, để hạn chế tổn thất về tài sản, tính mạng của nhân dân.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

(Thanh tra) - Những ngày cuối năm 2024, thông tin về hàng triệu người dùng SIM di động tại Việt Nam có nguy cơ bị khóa hoặc mất số khiến không ít người hoang mang lo lắng. Vậy trong trường hợp nào, SIM sẽ bị khóa, số bị thu hồi và người dùng cần làm những gì để tránh rơi vào các trường hợp này?

Hoàng Nam

09:11 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm