Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 07/02/2021 - 06:35
(Thanh tra)- Dù có đi bất cứ đâu, những người Việt vẫn cố tìm một chút bóng dáng quê nhà qua hương vị Tết. Có điều, Tết Nguyên đán năm nay sẽ là cái Tết rất đặc biệt với cộng đồng người Việt đang sinh sống tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Người Việt tại Đức đi lễ đầu năm tại chùa Phổ Đà (Berlin). Ảnh: Thu Linh
Từ Lawrenxe, Kansas (Mỹ), gia đình anh Hồng, chị Thu chia sẻ, gia đình đón Tết ta bên Mỹ đã được 10 năm. Dù dịp Tết cổ truyền của người Việt nhưng là ngày thường ở Mỹ nên người lớn vẫn đi làm, trẻ em đi học bình thường. Thành phố nơi gia đình anh Hồng ở không có nhiều người Việt nên hằng năm gần như là không có tụ tập làm Tết.
Mặc dù vậy, vào dịp Noel hằng năm là người Việt Nam nơi đây bắt đầu bàn chuyện chuẩn bị Tết Nguyên đán. Điều đặc biệt, đa số các món ăn ngày Tết Nguyên đán đều do gia đình tự làm lấy. Năm nay, không khí đón Tết sẽ khác hẳn. Hiện, Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19. Dù không nói ra nhưng trong thâm tâm mỗi người Việt đều hiểu rằng dịch bệnh khiến không thể gặp gỡ hay tổ chức chúc Tết như mọi năm.
Tuy nhiên, họ vẫn sẽ cố gắng để chuẩn bị mâm cỗ truyền thống để thắp hương, vẫn có các món truyền thống, gói bánh chưng, và việc đón Tết chỉ có các thành viên trong gia đình.
Chị Thu - vợ anh Hồng tâm sự: "Dù xa quê hơn 10 năm nhưng vẫn giữ phong tục thức đêm chờ đón Giao thừa. Xa quê hương mà mỗi dịp Tết đến Xuân về không được về quê sum vầy với người thân thực sự rất buồn, nhưng do điều kiện địa lý và tình hình dịch bệnh nên không thể sắp xếp về được”. Ước muốn của gia đình anh Hồng - chị Thu năm mới bình an cho mọi nhà và hòa bình khắp nơi, mong dịch bệnh sớm qua mau để được về Việt Nam thăm bố mẹ già. Và từ sâu thẳm, anh hy vọng được về Việt Nam làm việc để có dịp giúp đỡ bạn bè và gia đình.
Chị Trần T. Linh đang sinh sống và làm việc tại Berlin (Đức) cho biết, dù là người mới sang hay đã ở Đức nhiều năm thì người Việt Nam ở bên này không quên Tết cổ truyền của dân tộc. Họ vẫn tổ chức họp mặt vào cuối năm, rồi ăn uống, tiệc tùng. Đặc biệt, mọi năm Đại sứ quán Việt Nam tại Đức hoặc các hội, đoàn đều có tổ chức gặp mặt và chúc Tết. Còn việc sắm sửa thì cũng như những người sống ở trong nước.
Tuy nhiên, Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay sẽ buồn hơn nhiều vì tình hình dịch bệnh phức tạp, mọi hoạt động đông người đều bị cấm. Nếu như hằng năm mọi người hay gặp gỡ, đi chùa của người Việt thì năm nay hoạt động này sẽ không thể thực hiện được.
Theo chị Linh, năm nay thực sự là năm rất khó khăn với người Việt ở nơi đây, vì hiện các cửa hàng nail đều phải đóng cửa theo quy định. Các cửa hàng ăn uống thì khách chỉ được đến mua mang về nhà, trong khi đó là những công việc chính của người Việt tại đây. Mọi công việc vì dịch bệnh mà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cộng đồng người Việt động viên nhau cố gắng khắc phục vượt qua đại dịch.
Du học sinh Mai Thị H. tại Hàn Quốc tâm sự: "Thời gian qua có quá nhiều biến động đối với em, khi lần đầu tiên xa nhà đúng vào năm đại dịch Covid-19. Thời gian đầu phải chôn chân tại phòng trọ học online để chống dịch. Đối với du học sinh năm đầu tiên xa nhà như em, một mình nơi đất khách phải chống chọi với nỗi cô đơn xứ người cộng với tình hình kinh tế của gia đình bị ảnh hưởng khiến tâm lý khá căng thẳng, nhất là thông tin về số ca Covid-19 tăng mỗi ngày".
Trong tình trạng dịch bệnh, Tết nhớ nhà, muốn về cũng không thể. Tuy nhiên, môi trường, phong tục, tập quán của Hàn Quốc khá tương đồng với Việt Nam, bản thân H. khi mới sang đây nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè và các anh chị khóa trên mau chóng lấy lại cân bằng.
H. cho biết: "Do đại dịch Covid-19 nên kế hoạch ban đầu khi sang Hàn Quốc của em đều lỡ hết. Tết này em sẽ đón Tết cùng các anh chị cũng là du học sinh người Việt trong ký túc xá. Chúng em lên kế hoạch tự chuẩn bị một mâm cỗ đơn giản để đón giao thừa. Sau đó cùng nghe nhạc, đón Xuân và cùng gửi tới gia đình, người thân nơi quê nhà những lời chúc mừng năm mới bình an, hạnh phúc".
“Năm đầu tiên xa nhà đón Tết ở đây nên em rất nhớ gia đình, nhớ mọi thứ ở quê nhà, nhớ những buổi chiều cuối năm cùng đám bạn rủ nhau đi chợ mua quần áo Tết và cùng nhau đi chơi hội đầu Xuân. Đặc biệt nhớ bữa cơm chiều 30 sum họp gia đình”, H. tâm sự.
Trong số những người dân Việt Nam phải xa quê hương, có hàng trăm nghìn lao động xuất khẩu đang làm việc tại nhiều quốc gia. Trong những ngày Tết, phải xa gia đình kiếm sống trong tình hình dịch bệnh phức tạp, ai ai cũng lo lắng cho sức khỏe và công việc, do vậy họ không khỏi chạnh lòng nhớ lại những cái Tết đầm ấm của gia đình.
Anh Lưu Văn K. đang làm việc tại một nhà hàng ở Nga chia sẻ, dù đã đón Tết lần thứ 4 tại Nga nhưng Tết năm nay sẽ là cái Tết đáng nhớ nhất. Mọi năm, K. thường đến nhà anh chị cùng quê Hưng Yên để cùng nhau đón Tết. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, K. sẽ dành thời gian nghỉ ngơi hoặc đi mua sắm vật dụng cần thiết quanh chỗ ở.
Để cảm nhận đủ đầy hương vị Tết, anh K. và mấy anh em người Việt mỗi người sẽ làm 1 món truyền thống như bánh chưng, mứt và gia vị của Việt Nam. Sau đó góp chung và cùng nhau nấu nướng các món ăn trong ngày Tết, để trong đêm giao thừa, họ tụ họp lại kể cho nhau nghe chuyện công việc, quê hương và dành cho nhau những lời chúc Tết ý nghĩa nhất.
Tết Nguyên đán với người Việt xa xứ như khoảnh khắc trở về quê hương, trở về đất Tổ... và dù có đi bất cứ đâu, những người Việt vẫn cố tìm một chút bóng dáng quê nhà qua hương vị Tết. Tết năm nay sẽ là cái Tết rất đặc biệt với cộng đồng người Việt đang sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ai ai cũng hi vọng đại dịch sớm qua đi để cuộc sống lại trở lại bình thường, mọi người có thể gặp nhau, cùng chia sẻ những câu chuyện đã qua. Mỗi người dân Việt Nam đều dành thời gian để chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền dân tộc với mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, giò lụa… thắp nén tâm nhang cầu cho năm mới gia đình mạnh khỏe, bình an...
Phương Anh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024T.Thanh
21:05 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương