Theo dõi Báo Thanh tra trên
Ngọc Diễm
Thứ hai, 19/05/2025 - 22:07
(Thanh tra) - Với thông điệp của công tác gia đình năm 2025 "Xây dựng nhân cách con người Việt Nam bắt đầu từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình". Gia đình không chỉ là nơi ở về thể chất mà còn là không gian hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người. Trong thời đại phát triển nhanh chóng về công nghệ, đô thị hóa và hội nhập quốc tế, việc giữ gìn, phát huy những giá trị đạo đức truyền thống trong mỗi gia đình đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vì thế là một nội dung trọng tâm trong công tác gia đình hiện nay.
Nguồn: IT
Từ bao đời nay, gia đình Việt Nam luôn đóng vai trò là “ngôi trường đầu tiên” của mỗi con người. Cha mẹ là người thầy đầu tiên, dạy con bằng lời nói, hành vi, cách ứng xử trong cuộc sống hằng ngày. Trong vòng tay gia đình, trẻ học được thế nào là yêu thương, chia sẻ, lễ phép và trách nhiệm. Những phẩm chất này chính là nền tảng để hình thành nhân cách, từ đó phát triển thành người công dân có ích cho xã hội.
Theo quy định tại Điều 4, Nghị định 02/2013/NĐ-CP, công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và có ý nghĩa chiến lược. Mục tiêu là xây dựng nếp sống văn hóa, đạo đức, thói quen tích cực từ mỗi thành viên trong gia đình, góp phần hình thành nhân cách, nâng cao chất lượng dân cư và phát triển xã hội bền vững.
Ngày nay, khi công nghệ phát triển nhanh chóng, đô thị hóa gia tăng và hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, mô hình gia đình truyền thống đang có nhiều thay đổi. Mỗi gia đình ngày càng nhỏ hơn, kết nối giữa các thế hệ trở nên lỏng lẻo, thời gian cha mẹ dành cho con cái bị thu hẹp vì áp lực công việc. Trong khi đó, trẻ em lại tiếp cận sớm với mạng xã hội và các hình thức giải trí trực tuyến, khiến quá trình giáo dục giá trị sống và định hướng nhân cách gặp không ít khó khăn.
Thực tế cho thấy, sự suy giảm vai trò giáo dục trong gia đình đang dẫn đến nhiều hệ lụy. Tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, lối sống thực dụng, thiếu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng đang là vấn đề đáng lo ngại. Phần lớn những trường hợp này đều có điểm chung: xuất phát từ môi trường gia đình thiếu gắn kết, thiếu định hướng đúng đắn.
Chị Nguyễn Thị Linh, chuyên viên tư vấn học đường tại một trường THPT ở Hà Nội, chia sẻ: “Rất nhiều học sinh có biểu hiện trầm cảm, chán học, nổi loạn. Khi tìm hiểu kỹ, chúng tôi thấy các em thiếu sự quan tâm, lắng nghe từ gia đình, cha mẹ mải mê kiếm sống hoặc quá khắt khe trong kiểm soát mà không đồng hành cùng con”.
Bên cạnh đó, không ít bậc cha mẹ chưa nhận thức đúng về vai trò của giáo dục đạo đức, lối sống. Một bộ phận phó mặc cho nhà trường, hoặc quan niệm rằng con ngoan là đủ, mà chưa quan tâm đến cách ứng xử, kỹ năng sống, khả năng chịu đựng áp lực và xử lý tình huống của con trẻ.
Trước yêu cầu đó, công tác gia đình năm 2025 xác định rõ: giáo dục đạo đức, lối sống phải bắt đầu từ gia đình – nơi gần gũi và có sức ảnh hưởng sâu sắc nhất đến trẻ. Theo Nghị định 02/2013/NĐ-CP, nội dung giáo dục này không chỉ là truyền thống đạo đức mà còn bao gồm cả kỹ năng ứng xử, lối sống nhân ái, trách nhiệm với xã hội, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa các thành viên trong gia đình.
Các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể đã và đang triển khai nhiều mô hình hiệu quả như: “Cha mẹ đồng hành cùng con”, “Gia đình học tập”, "Dòng họ học tập", “Lớp kỹ năng làm cha mẹ”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”… Các lớp tập huấn về kỹ năng giáo dục con cái, ứng xử trong gia đình, nuôi dạy con thời công nghệ cũng ngày càng được quan tâm và mở rộng.
Bà Lưu Thị Thống, cán bộ Hội Phụ nữ Tổ 13, phường Ngọc Thụy, cho biết: “Mỗi quý, chúng tôi tổ chức một buổi sinh hoạt chủ đề, mời cha mẹ đến nghe chuyên gia nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con. Có những câu chuyện nhỏ thôi, nhưng lại mở ra nhiều góc nhìn mới, giúp cha mẹ hiểu và gần con hơn”.
Để giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình thật sự hiệu quả, không chỉ cần nỗ lực từ mỗi gia đình mà còn phải có sự phối hợp từ các nhà trường, cơ quan truyền thông, tổ chức xã hội. Nhà trường cần lồng ghép nội dung giáo dục gia đình vào các giờ học kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa. Truyền thông cần tích cực xây dựng hình ảnh gia đình mẫu mực, lan tỏa các giá trị nhân văn, phản bác lối sống thực dụng, lệch chuẩn.
Về chính sách, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình đủ năng lực, có tâm huyết; phát triển mạng lưới tư vấn, hỗ trợ tâm lý, giáo dục tại cộng đồng.
Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, nhân cách vững vàng, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào không thể tách rời khỏi việc vun đắp giá trị sống trong mỗi mái ấm. Đầu tư cho công tác gia đình hôm nay là đặt nền móng vững chắc cho tương lai đất nước ngày mai. Mỗi gia đình hãy là một điểm sáng về yêu thương, giáo dục và trách nhiệm để từ đó, nhân cách người Việt được hình thành và lan tỏa trong từng hành động, suy nghĩ và lựa chọn.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Mới chiều qua (14/6), miền Trung mưa lũ lớn làm ngập gần 63.000 hecta đất sản xuất nông nghiệp nhưng hôm nay (15/6) khu vực Trung bộ nắng nóng gay gắt với nhiệt độ phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 38 độ C.
Trần Lê
(Thanh tra) - Mục tiêu thu ngân sách giai đoạn kỳ 2021-2025, Lâm Đồng thu hơn 63.000 tỷ đồng, Bình Thuận khoảng hơn 52.000 tỷ đồng và Đắk Nông là 18.400 tỷ đồng. Hiện các địa phương đã đưa ra các giải pháp để hoàn thành, vượt chỉ tiêu đã đề ra.
Vũ Linh - Long Hồ
T. Minh
Văn Thanh
Hoàng Long
Đình Thuyết
PV
PV
Hương Trà
Trọng Tài
Trần Quý
Hương Giang
Lan Anh
Lâm Ánh.
Lâm Ánh
Chính Bình
PV
Trần Lê