Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Sống “mòn” ở nơi quy hoạch dự án nhà máy điện hạt nhân

Khoa Lê

Thứ ba, 08/03/2022 - 22:32

(Thanh tra)- Hơn 13 năm qua, hàng trăm hộ dân thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam sống trong thấp thỏm chờ an cư. Cuộc sống của các hộ dân ở đây gặp nhiều khó khăn do dính quy hoạch dự án (DA) nhà máy điện hạt nhân.

Do cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên nhiều người dân ở thôn Vĩnh Trường bỏ làng đi nơi khác làm ăn, để lại những căn nhà cửa đóng then cài. Ảnh: Khoa Lê

Những ngày đầu tháng 3/2022, chúng tôi đến thôn Vĩnh Trường, đi trên đường bê tông dẫn vào thôn, điều dễ nhận thấy tuyến đường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng nhưng không thể sửa chữa được vì dính quy hoạch DA nhà máy điện hạt nhân.

Vào thôn, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Thành Du, Trưởng thôn Vĩnh Trường. Ông Du cho biết, DA nhà máy điện hạt nhân được quy hoạch từ năm 2008. Đến nay, DA đã dừng, nhưng do vướng quy hoạch nên người dân không được xây dựng, cơi nới nhà cửa, sang nhượng đất đai, hạ tầng thì ngày càng xuống cấp và đặc biệt là không được sản xuất, đời sống của hơn 260 hộ dân với khoảng 1.100 nhân khẩu gặp rất nhiều khó khăn.

Chỉ tay về những ngôi nhà lụp xụp, bỏ hoang đang xuống cấp, ông Du thở dài nói: “Vào khoảng năm 2015, một số hộ trong thôn nhận được thông báo quyết định bồi thường. Căn cứ quyết định này, nhiều hộ đã cầm sổ đỏ nhà đất đi thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn, xây, sửa chữa nhà và làm ăn, trả nợ.

Tuy nhiên, DA đột ngột dừng triển khai, bà con trong thôn ai nấy đều hụt hẫng, nợ nần càng chồng chất. Ngày trước nghề đi biển, sản xuất nông nghiệp của bà con ở đây khá ổn định. Tuy nhiên khi có chủ trương quy hoạch dự án nhà máy điện hạt nhân thì bị đình trệ. Nếu đã dừng DA điện hạt nhân thì thông báo rõ ràng giờ đất thôn Vĩnh Trường sẽ làm gì? Quy hoạch tiếp hay bỏ để bà con ổn định cuộc sống, lo cho tương lai”.

Cùng chung nỗi niềm với ông Du, ông Nguyễn Văn Thắng (thôn Vĩnh Trường) giọng bùi ngùi: "Hơn chục năm qua bà con chúng tôi từ mong ngóng, hy vọng rồi thất vọng. Cuộc sống tạm của cả nghìn người dân rồi sẽ ra sao, còn tương lai cho những đứa trẻ trong làng sẽ như thế nào".

Còn chị Trần Thị Nghiêng than thở: “Thôn Vĩnh Trường giờ chỉ còn người già, trẻ con, thanh niên bỏ xứ đi mưu sinh vì ở quê quá khó khăn. Nhiều năm qua chúng tôi chờ mãi mà không thấy DA đâu, trong khi cuộc sống ngày càng khó khăn trăm bề. Chúng tôi rất mong muốn Nhà nước sau khi dừng DA có chính sách hỗ trợ cho người dân sớm ổn định sản xuất”.

Khung cảnh ảm đạm ở thôn Vĩnh Trường. Ảnh: Khoa Lê

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm 2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết 31 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư DA điện hạt nhân Ninh Thuận.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115 về chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế, xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023. Trong đó, có nội dung giao cho tỉnh xây dựng đề án chuyển đổi mặt bằng 2 DA điện hạt nhân để hỗ trợ cho người dân trong vùng DA.

Trong vòng một năm từ 2018-2019, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng xong đề án, lấy ý kiến của các bộ, ngành.

Đến 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chính thức về đề án trên, giao lại cho tỉnh Ninh Thuận có quyền phê duyệt đề án chuyển đổi mặt bằng nhà máy điện hạt nhân 1 và 2; về cơ sở pháp lý, yêu cầu Bộ Công thương và các cơ quan chuyên môn điều chỉnh DA trước đây; hủy bỏ chủ trương đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân.

"Để được chuyển đổi mặt bằng, điều kiện tiên quyết là phải hủy bỏ chủ trương đầu tư của 2 nhà máy điện hạt nhân. Hiện nay, tỉnh đã hoàn tất các thủ tục liên quan, nhưng do Bộ Công thương chưa trình Thủ tướng Chính phủ nên chưa thể phê duyệt đề án chuyển đổi mặt bằng", ông Hoàng cho biết thêm.

Còn ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Từ khi Quốc hội bấm nút triển khai DA điện hạt nhân đến nay đã vọn vẹn hơn 10 năm, do không được đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, nên đời sống của nhân dân trong vùng quy hoạch DA nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 gặp rất nhiều khó khăn.

Tỉnh mong muốn bộ, ngành Trung ương tham mưu với Thủ tướng Chính phủ sớm trả lại diện tích của 2 DA cho tỉnh để triển khai các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo định hướng, đối với DA Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam quy mô 443ha, Ninh Thuận sẽ giữ nguyên khu dân cư hiện hữu, có mở rộng để ổn định đời sống người dân. Đối với khu vực sản xuất, quan điểm chung của tỉnh là giữ nguyên hiện trạng hoặc chuyển đổi mặt bằng một số khu vực gần biển để phát triển du lịch.

Riêng khu vực Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh mong muốn giữ nguyên hiện trạng đất, phát triển thành khu dịch vụ du lịch biển gắn với sản xuất nông nghiệp, khai thác sản phẩm đặc thù của địa phương.

Năm 2005, tỉnh Ninh Thuận được Trung ương chọn triển khai xâyDA Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Đến năm 2009, được Quốc hội thông qua với tổng công suất 4.000 MW.

Năm 2012, Bộ Công thương công bố quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy. DA dự kiến được khởi công vào năm 2014, sau đó thay đổi thời gian vào năm 2015.

Đến tháng 11/2016, Quốc hội ra Nghị quyết dừng chủ trương đầu tư DA.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm