Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sinh viên 9X và khát vọng trở thành "vua" Gà H’Mông

Thứ bảy, 09/02/2019 - 09:21

(Thanh tra)- Đoạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm 2017 với Dự án Bảo tồn Gà H’Mông, Nguyễn Thanh Bình - sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã từ chối số tiền hợp tác đầu tư lên tới hàng tỷ đồng để đi con đường riêng - bảo tồn giống Gà H’Mông quý hiếm đã được đưa vào danh mục bảo tồn gen Quốc gia.

Những con gà chuẩn H’Mông được Bình chọn lọc kỹ lưỡng từ các bản làng rừng núi phía Bắc. Ảnh: NVCC

Từ chối tiền tỷ đầu tư...

Sinh ra và lớn lên ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, mặc dù bố mẹ không làm nông, nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Bình lại có niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp. Từ nhỏ, hàng ngày chứng kiến cảnh người nông dân vất vả sớm hôm nhưng vẫn nghèo khó, Bình đã nuôi dưỡng ước mơ theo học ngành Nông nghiệp với mong muốn trở về quê hương, giúp bà con thoát nghèo.

Sẵn “máu” nông nghiệp luôn "sôi sục" trong huyết quản, nên suốt những năm ngồi trên ghế giảng đường đại học Bình đã ôm ấp ý tưởng khởi nghiệp bằng chăn nuôi và em đã chọn giống Gà H’Mông để hiện thực hóa ước mơ.

Và như một cơ duyên, Bình biết đến giống Gà H’Mông. "Trong một chuyến đi tình nguyện tại huyện vùng cao Mù Cang Chải được ăn cùng, ở cùng với đồng bào người Mông, em biết đến giống gà này và chót đem lòng “yêu” nó”.

Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi, bà con đồng bào dân tộc chỉ thả ngoài tự nhiên để gà tự sinh trưởng nên Gà H’Mông gốc đang bị lai tạp với nhiều giống gà khác. Lo lắng giống gà quý bị mai một và mong muốn giúp đồng bào có thể thoát nghèo từ chính sản vật của quê hương mình, chàng sinh viên trẻ quyết tâm đi vào nghiên cứu, bảo tồn gen.

Cơ may đến với Bình khi năm 2017, nhà trường tổ chức cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên. Bình cùng 4 bạn lên ý tưởng xây dựng Dự án Bảo tồn Gà H’Mông. Được đánh giá cao bởi tính thực tiễn và ý nghĩa xã hội nên dự án lần lượt vượt qua nhiều vòng sơ khảo, chung khảo của trường, rồi tiến thẳng lên giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm ấy.

Giành được giải cao, Dự án được Ngân hàng Bắc Á chọn hợp tác đầu tư để phát triển theo hướng thương phẩm ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhưng rồi, với trăn trở phải bảo tồn giống gà quý nên Bình đã chọn cho mình một hướng đi riêng...

Khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng, khó khăn trăm bề từ vốn, đến chuồng trại, kỹ thuật… khiến 4 bạn tham gia dự án lần lượt... bỏ cuộc. "Một mình một ngựa" với chàng sinh viên 22 tuổi thực sự không hề dễ dàng.

Nhớ lại thời gian ấy, Bình kể: “Nhiều lúc “chùn chân mỏi gối”, muốn bỏ cuộc giữa chừng nhưng vì niềm đam mê với nông nghiệp, nghĩ đến cuộc sống khó khăn của đồng bào dân tộc Mông, em lại có thêm động lực để bước tiếp…”.

Được bố mẹ động viên, khuyến khích và cho khoản vốn "dắt lưng" 100 triệu đồng cùng khu vườn vài trăm mét, Bình bắt tay vào hành trình chinh phục ước mơ...

Lặn lội "săn" giống gà quý...

Với vốn liếng ít ỏi trong tay, Bình đã lặn lội khắp các bản làng ở vùng núi cao phía Bắc để tìm mua cho được giống gà chuẩn H’Mông.

Bình kểt: Gà H’Mông có nguồn gốc ở miền núi phía Bắc, được đồng bào dân tộc nuôi thả quảng canh, chỉ nặng trung bình khoảng 1 - 1,5 kg. Giống gà này có sức đề kháng rất tốt, là một trong số ít vật nuôi có thể sống sót ở vùng núi cao quanh năm sương mù bao phủ. Nó nổi bật với sắc đen chủ đạo, thịt đen, xương đen và đặc biệt rất giàu giá trị dinh dưỡng nên ngoài việc sử dụng làm thực phẩm, người H’Mông còn nấu cao để bồi bổ sức khoẻ.

Với đồng bào dân tộc H’Mông vào mỗi dịp lễ tết, đây là lễ vật không thể thiếu trong mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên và trở thành món quà "sang", thường chỉ được dành tặng cho những người yêu quý.

Đặc biệt, những năm gần đây, Gà H’Mông đã trở thành món ăn ưa thích, được nhiều thực khách dưới xuôi săn lùng, mặc dù có giá đắt hơn khá nhiều so với gà thường, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng vẫn không có để bán. Giá ngày thường dao động từ 200 - 250 nghìn đồng/kg, nhưng ngày Tết giá có thể tăng gấp 1,5-2 lần.

“Điểm khác biệt của giống gà này là đẻ trứng rất ít, vòng đời 1 con gà mái chỉ đẻ 65-70 quả trứng, nhưng khi nở ra gà con thì chỉ "đậu" được phần trăm rất nhỏ. Khó nhất là lúc chọn nhân giống. Kể từ lúc ấp, phải mất trung bình từ 2,5 - 3 năm mới cho ra đời 1 con gà chuẩn về giá trị dinh dưỡng và có mẫu mã đồng nhất” - Bình say sưa kể.

Để có được những con giống chuẩn như vậy, Bình đã phải lặn lội khắp các bản làng của đồng bào dân tộc H’Mông ở vùng núi cao phía Bắc để tìm kiếm. Công đoạn này theo Bình là gian nan nhất bởi có những hôm đi hàng trăm cây số, qua nhiều bản làng, rồi lại đành phải về... tay trắng.

Bình kể: Suốt 1 năm nay, em luôn dành thời gian để lên với đồng bào 1 tháng 2 lần, rồi ở lại 1-2 ngày, ăn cùng, ở cùng người dân. May là sinh ra ở vùng núi cao, lại có bạn bè là người dân tộc Mông nên em có thể giao tiếp cơ bản với người bản địa, nhờ vậy mọi việc cũng thuận lợi hơn. Nhưng cũng có nhiều hôm lặn lội hơn 300km từ Hà Nội lên đến Mù Cang Chải lại phải ra về tay trắng bởi một lý do rất đơn giản của đồng bào: "Tao không thích bán nữa...”.

Để tiết kiệm chi phí và có thể len lỏi vào bản làng tìm giống gà quý, mỗi lần như vậy Bình đều đi xe máy. Đường miền núi, nhiều cung đường hẹp, cua tay áo, rồi đèo cao, sương mù giăng kín lối, gian nan nhất là những hôm mưa rét… lo sợ đàn gà ốm, chết còn hơn cả lo cho bản thân mình...

Khát vọng giúp bà con thoát nghèo

Vất vả là vậy, nhưng chàng trai trẻ vẫn không chùn bước bởi nơi ấy không chỉ có giống gà hiếm đang cần được bảo tồn, mà còn bởi mong muốn giúp đồng bào H’Mông vươn lên thoát nghèo.

“Có đi mới thấy, đồng bào khổ lắm. 4 nhân lực trong gia đình, trồng lúa, ngô cả năm  cũng chỉ thu nhập từ 8-10 triệu đồng. Đó là chưa kể những năm gặp thiên tai, giá rét thì coi như mất trắng. Cái nghèo, cái đói đeo bám quanh năm, trẻ con không có quần áo mặc, không được đến trường... Nhìn thấy đó là động lực để em tiếp tục cố gắng mỗi ngày”.

Giọng Bình chùng xuống rồi lại phấn khởi kể tiếp: Sau 1 năm lặn lội, hiện tại em có 2 cơ sở chăn nuôi chính ở huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) và Văn Chấn (Yên Bái) với tổng số khoảng 50 con được chọn lọc kỹ về giống.

Nói về những ấp ủ trong năm 2019, chàng trai trẻ say sưa: Em sẽ liên kết với một số bà con ở quê, hỗ trợ hoàn toàn về giống và kỹ thuật để bà con nuôi thử. Với khoảng 100 con giống trong vòng 6 tháng chăn thả tự nhiên trên địa hình vùng đồi núi là có thể cho thu nhập được cả chục triệu đồng, cao hơn gấp ba, bốn lần trồng lúa, ngô mà công việc lại nhẹ nhàng...

Chàng trai trẻ may mắn có thể giao tiếp cơ bản với người đồng bào dân tộc Mông nên thuận lợi hơn khi nói chuyện mua bán giống gà quý với người bản địa. Ảnh: NVCC

Đánh giá cao ý tưởng và khát vọng của chàng trai trẻ, TS Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Doanh nhân APEC, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho biết: Giống Gà H’Mông đã nằm trong danh mục bảo tồn gien Quốc gia, nhưng theo tôi biết, chưa có đơn vị nào đứng ra làm nhiệm vụ bảo tồn giống gà quý hiếm này.

Hiện ở nhiều tỉnh, thành cũng đã xuất hiện những trang trại nuôi Gà H’Mông, nhưng chỉ đi theo hướng làm thương phẩm, chứ không chú trọng tới bảo tồn gien nên giống gà bị lai tạp đi nhiều. Dự án của Bình đã chú trọng tới bảo tồn gien gà quý hiếm nên nó có khác biệt rõ rệt.

"Đây thực sự là giống gà quý, lại chịu được thời tiết rất khắc nghiệt ở vùng núi cao phía Bắc, nơi không phải con gì nuôi cũng sống được. Tôi đánh giá rất cao Dự án của Bình bởi nó không chỉ có ý nghĩa bảo tồn, khôi phục được giống gien Gà H’Mông mà còn mang ý nghĩa xã hội rất lớn" - TS Trần Duy Khanh đánh giá.

Để làm được dự án này, theo TS Trần Duy Khanh ban đầu rất vất vả nhưng ông tin tưởng sẽ thành công. Tương lai sẽ có 1 nhà máy mini đóng hộp để xuất khẩu Gà H’Mông. Và chắc chắn rằng, ai nắm được giống gốc sau sẽ làm ông chủ. 5-10 năm nữa, Bình sẽ trở thành "vua" Gà H’Mông …

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm