Theo dõi Báo Thanh tra trên
Ngọc Phó
Thứ năm, 27/04/2023 - 06:36
(Thanh tra)- 48 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) chưa phải là chặng đường dài, nhưng Điện Bàn đã bức phá đi lên với nhiều thành tựu nổi bật, tạo nên diện mạo mới đầy triển vọng.
Dự án khơi thông sông Cổ Cò sẽ kết nối chuỗi liên kết Hội An - Điện Bàn - TP Đà Nẵng. Ảnh: N.P
Huyện Điện Bàn trước ngày giải phóng được biết đến như một chiến trường cam go, ác liệt, vì là vùng giáp ranh sát cửa ngõ TP Đà Nẵng là quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hoà Vang.
Đạn bom của kẻ thù đã tàn phá mảnh đất, con người sống ven sông Thu Bồn thơ mộng một cách khốc liệt, không chừa bất cứ thủ đoạn nào.
Chính trong gian lao, thách thức ấy, lớp lớp người dân Điện Bàn kiên cường đứng dậy chiến đấu với quân thù cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Đi qua cuộc chiến, Điện Bàn gánh chịu nhiều tổn thất lớn về người và vật chất; là địa phương cấp huyện có số liệt sỹ, thương binh, người có công cách mạng nhiều nhất cả nước (18.920 liệt sỹ, 7.236 thương binh, 492 bệnh binh và 1.611 Bà mẹ Việt Nam anh hùng).
Nhiều tấm gương kiên trung, dũng cảm trong chiến đấu như: Anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Nguyễn Phan Vinh; Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ có hơn chục con trai, gái, cháu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, là người Mẹ tiêu biểu của đất Quảng Nam “trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ”…
Sau giải phóng, người dân Điện Bàn lao vào chống giặc đói, giặc dốt, dần vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, trở thành điểm sáng của cả tỉnh Quảng Nam.
Điện Bàn đã phát huy thế mạnh các địa phương vùng Đông giáp sông, biển như phường Điện Dương, Điện Ngọc, Điện Nam Đông; hình thành Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc; cùng hàng trăm dự án phát triển hạ tầng đô thị, du lịch, tạo điều kiện cho người dân xoá nghèo, vươn lên làm giàu…
Trên bản đồ quy hoạch phát triển đô thị của Điện Bàn định hướng đến năm 2030 đã thay dổi diện mạo của nhiều vùng quê hẻo lánh, nghèo khó trước đây, đặc biệt là các xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong (vùng Gò Nổi), Điện Tiến nằm giáp với Hoà Vang, Đà Nẵng, hay Điện Nam Đông giáp với TP Hội An (Quảng Nam)…
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Thị uỷ Điện Bàn Phan Minh Dũng cho biết, địa phương rất chú trọng đến việc quy hoạch, có đề án cụ thể từng lĩnh vực để thực hiện thích ứng và đạt hiệu quả cao.
Nhờ vậy, từ một huyện thuần tuý về nông nghiệp, Điện Bàn đã cân đối cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch sinh thái… Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày thêm nhiều khởi sắc.
Năm 2022, trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế theo đà phục hồi nhanh, các chỉ tiêu cơ bản đạt kế hoạch đề ra.
Giá trị nền kinh tế đạt 102% kế hoạch năm, tăng hơn 10% so với năm 2021 và cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách đạt 93,7%. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tăng lên 84,3%. Thu nhập bình quân 1 hộ trên 63 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,78% và phấn đấu đến năm 2025 sẽ xoá hẳn diện hộ nghèo trên toàn địa bàn…
Sau 4 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), Điện Bàn có 100% các xã đạt chuẩn xã NTM. Đầu năm 2015, huyện Điện Bàn được công nhận là thị xã thì cuối năm này thị xã được công nhận hoàn thành xây dựng NTM.
Từ đó, thị xã tập trung xây dựng xã NTM nâng cao và đến nay có 4 xã đạt các tiêu chí này.
Ngày 11/3/2015, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết công nhận huyện Điện Bàn trở thành thị xã, gồm 7 phường, còn lại là các xã. Đây là dấu ấn vô cùng quan trọng, là động lực mạnh mẽ để Điện Bàn tiếp tục phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
Đến ngày 13/2/2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết thành lập thêm 5 phường của Điện Bàn, có hiệu lực từ ngày 10/4/2023, nâng tổng số phường của thị xã là 12 đơn vị.
Thị xã đã hoàn thành quy hoạch đô thị đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, đã được tỉnh phê duyệt; với chủ đề “Văn hoá, sinh thái và hiện đại”, là đô thị liên kết TP Đà Nẵng và mở hướng trở thành TP tương lai với quyết tâm đạt chuẩn đô thị loại III trước năm 2030.
Trước mắt, tập trung hoàn thiện hạ tầng khu trung tâm thị xã, thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh trên địa bàn, gồm: Khơi thông sông Cổ Cò, cầu Vân Ly - đường ĐT 610B nối Điện Bàn và huyện Đại Lộc, đường vành đai Bắc Quảng Nam nối Điện Bàn với Đà Nẵng…
Thị xã tiếp tục ban hành 12 đề án phát triển các lĩnh vực, đặc biệt là đề án phát triển văn hoá, chuyển đổi số.
Giữa những ngày kỷ niệm lịch sử này, nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển của Điện Bàn mới thấy hết niềm vui và sự phấn chấn về những thành tựu và triển vọng phát triển kinh tế - xã hội.
Phía trước vẫn còn bao chông gai, vất vả, nhưng người Điện Bàn luôn tự hào với quá khứ vinh quang, chưa thoả mãn với những gì đã đạt được; vẫn miệt mài lo toan, sáng tạo và đầy hy vọng trên bước đường dựng xây quê hương…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.
Trung Hà
15:05 11/12/2024(Thanh tra) - Những năm gần đây, tại nhiều vùng quê Việt Nam, việc lắp đặt đèn năng lượng mặt trời (NLMT) trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành xu hướng nổi bật, diện mạo nông thôn từ đó cũng trở nên hiện đại, tiện nghi, an toàn hơn.
PV
14:44 11/12/2024Bùi Bình
14:37 11/12/2024Văn Thanh
13:59 11/12/2024PV
10:46 11/12/2024Tuấn Khải
18:41 10/12/2024Trung Hà
Trung Hà
PV
Hải Hà
ĐT
Văn Thanh
PV
Hải Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trọng Tài
Nam Dũng