Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quan tâm đào tạo về Phật học cho các tăng, ni

Ngọc Anh

Thứ tư, 03/11/2021 - 23:00

(Thanh tra) - Việc nâng cao trình độ nhận thức về giáo lý, giáo luật, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được gắn liền với chương trình giáo dục đào tạo của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Tại huyện Gia Bình, Bắc Ninh, các tăng, ni được quan tâm đào tạo về Phật học để ngày càng hoàn thiện hơn.

Ảnh minh họa: Khuông Việt

Gia Bình là huyện thuần nông, nằm ở phía Nam tỉnh Bắc Ninh, nơi có dòng sông Đuống và một phần sông Thái Bình chảy qua, và là nơi có nhiều ngôi chùa cổ kính.

Toàn huyện có 74 thôn thì có 83 ngôi chùa. Một số ngôi chùa được phục dựng trên nền đất cũ theo lịch sử để lại và 42 ngôi đình, đền, chùa được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa (trong đó có 8 di tích xếp hạng quốc gia, 36 di tích cấp tỉnh).

Tổng số tăng, ni, sa di, hình đồng trong toàn huyện có 38 vị tỷ khiêu trụ trì trên 34 ngôi chùa (trong đó có: 1 thượng tọa, 7 đại đức, 1 ni trưởng, 1 ni sư, 28 tỷ khiêu ni cùng sa di, hình đồng).

Điểm nổi bật, công tác giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ Phật học của các tăng, ni nơi đây rất được chú trọng. Hiện, có 1 đại đức đang nghiên cứu sinh, 1 đại đức đang học thạc sĩ, 12 vị tăng ni có trình độ đại học. Còn lại tăng, ni đều có trình độ trung cấp về Phật học để đáp ứng nhu cầu phục vụ Phật sự tại địa phương.

Theo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Gia Bình, 5 năm qua (2016-2021), các tăng, ni và tín đồ Phật tử đã hướng dẫn thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như Giáo luật, quy chế hoạt động của Giáo hội.

Hàng năm, các tăng, ni đều đi an cư kết hạ tại trụ sở Tỉnh hội GHPGVN tỉnh Bắc Ninh nghiêm túc và đầy đủ, trừ các tăng, ni đi nghiên cứu và học tập ở các cấp do Trung ương GHPGVN tổ chức.

Bên cạnh đó, các tăng, ni còn được trao truyền các kiến thức về nội điển cũng như ngoại điển; tổ chức các buổi học về đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo và dự hội nghị do các cấp chính quyền, giáo hội tổ chức, như: Hội nghị nghiên cứu pháp lệnh tôn giáo và các văn bản có liên quan đến tôn giáo. Sau hội nghị, các tăng, ni còn tiếp tục thảo luận đóng góp ý kiến vào các chương trình để triển khai thực hiện.

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các hoạt động tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng được đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tăng, ni và nhân dân Phật tử thực hiện có hiệu quả.

Cùng với việc hướng dẫn các tăng, ni và tín đồ Phật tử chấp hành tốt những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, Ban Trị sự huyện cũng thường xuyên nắm bắt các hoạt động Phật sự phát triển trên địa bàn qua các tín đồ để báo cáo kịp thời với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và các cấp chính quyền xem xét, giải quyết, làm giảm bớt tình hình phức tạp đáng tiếc xảy ra trên địa bàn cũng như ngăn chặn các đạo lạ xâm nhập.

Hằng năm, Ban Trị sự GHPGVN huyện Gia Bình đều chỉ đạo các chùa trên địa bàn thực hiện đầy đủ hướng dẫn thông bạch của các cấp GHPGVN về việc tổ chức các ngày đại lễ của Phật giáo và các ngày lễ truyền thống trong không khí trọng thể, trang nghiêm, trên tinh thần tiết kiệm mà vẫn phát huy được chính tín, bài trừ các hủ tục lạc hậu mê tín dị đoan, góp phần rất lớn vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngoài ra, các tăng, ni trong huyện còn tổ chức giảng giải, trao truyền tam quy ngũ giới, thuyết giảng ý nghĩa ngày Đại lễ Phật đản, Tết Thượng nguyên, Đại lễ Vu Lan báo hiếu cũng như những ngày húy nhật của các chư vị lịch đại tổ sư cho các tín đồ Phật tử, để các tín đồ Phật tử sống đúng theo giáo lý Phật Đà và thực hiện hiến chương của các cấp GHPGVN đã đề ra: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Trong 5 năm qua, Ban Trị sự đã thực hiện tốt các chương trình do Đảng, chính quyền các cấp đề ra “Đoàn kết phụng đạo yêu nước góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội” trong các địa bàn dân cư.

Từ năm 2016 đến nay, số tăng, ni hoạt động trên địa bàn ngày càng tăng trưởng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân Phật tử. Điều này cũng đòi hỏi Ban Trị sự GHPGVN huyện tăng cường tốt công tác quản lý thuyên chuyển của các tăng, ni sinh hoạt tôn giáo trong huyện thêm chặt chẽ, giúp các tăng, ni yên tâm sinh hoạt đúng Phật sự của mình và ổn định an ninh trật tự xã hội, đoàn kết toàn dân trên địa bàn, truyền đạt đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về pháp luật, tín ngưỡng tôn giáo đến tín đồ nhân dân Phật tử tại các địa phương.

Đạo Phật là “đạo từ bi cứu khổ” trên tinh thần tương thân tương ái, noi theo hạnh nguyện của Bồ Tát, mỗi hành giả luôn luôn khuyến khích động viên cùng các Phật tử tham gia vào các chương trình từ thiện xã hội.

Ban Trị sự GHPGVN huyện Gia Bình cùng các Phật tử, tổ chức xã hội đã có chuyến cứu trợ đến 4 xã trên địa bàn huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và Sơn La, bị ảnh hưởng nặng nề bởi các trận bão lũ (năm 2017); phối kết hợp với chùa Thiên Thai, chùa Đại Giác - Đại Bi cùng các tín đồ Phật tử tổ chức chuyến đi cứu trợ miền Trung (năm 2020); quyên góp tịnh tài để ủng hộ các bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 (năm 2020, 2021)…

Gắn bó chặt chẽ với nhân dân

Với mục tiêu luôn gắn bó chặt chẽ với nhân dân trên tinh thần “Đoàn kết hòa hợp - Trưởng dưỡng đạo tâm - Trang nghiêm giáo hội”, bước vào công tác Phật sự khóa IX nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Trị sự GHPGVN huyện Gia Bình đã xác định các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến các tăng, ni, tín đồ Phật tử. Phát huy tinh thần đoàn kết giữa các tăng, ni và các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ở các địa phương, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội.

Khuyến khích các tăng, ni tham gia lớp học do các cấp GHPGVN tổ chức. Không ngừng nâng cao năng lực nội điển cũng như ngoại điển của tăng, ni. Phát huy những kiến thức có được vào công tác phục vụ đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của bà con nhân dân Phật tử.

Tích cực hoằng dương chính pháp bài trừ mê tín dị đoan, phối hợp với chính quyền các cấp phát hiện kịp thời sự xâm nhập của các đạo lạ vào địa bàn.

Tích cực trùng tu, sửa chữa các ngôi chùa trên địa bàn, để cảnh quan khuôn viên các tổ đình, trú xứ ngày càng trang nghiêm, tố hảo.

Noi theo hạnh nguyện của các vị Bồ Tát, phát huy công tác “từ bi bác ái, cứu khổ độ sinh”. Lan tỏa tinh thần nhân đạo rộng khắp trong đời sống gia đình cũng như ngoài xã hội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm