Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều hộ nghèo viết đơn rút khỏi danh sách hộ nghèo

Thứ năm, 23/06/2016 - 14:12

(Thanh tra) - Thời gian gần đây, tại một số huyện miền núi nghèo của tỉnh Nghệ An xuất hiện phong trào viết đơn “xin ra khỏi hộ nghèo để thoát nghèo”. Đây là một tính hiệu đáng mừng, vì người dân đã ý thức cao để thoát khỏi cái đói, cái nghèo “bền vững”...

Đơn người dân viết xin ra khỏi hộ nghèo để tự tìm cách thoát nghèo. Ảnh: Lương Ý

Bốn năm trước, bà La Thị Nguyệt ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, người dân tộc Đan Lai có một quyết định gây chấn động bản làng khi xin ra khỏi hộ nghèo. Quyết định đó không những gây tranh cãi dư luận mà còn thúc đẩy cuộc chiến đẩy lùi cái đói nghèo ở huyện miền núi có 80% đồng bào dân tộc thiểu số này.

Có dịp trở lại xã Môn Sơn tìm gặp bà Nguyệt trong những ngày giữa tháng 6, bà Nguyệt vui vẻ cười nói: “Câu chuyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo của gia đình tôi khiến người trong bản làng cười chê, tuy nhiên tôi vẫn quyết định nộp đơn lên chính quyền xã. Gia đình tôi quả thực là rất vất vả, nghèo khổ nhưng tôi hi vọng mình đã làm một việc đúng, đó là gương cho mọi người dân nơi đây. Mục tiêu cho bản thân tôi phấn đấu để thoát khỏi cái đói, cái nghèo chứ không thể chờ Nhà nước cấp gạo cho ăn mãi được”.

Được biết, vào năm 2002, gia đình bà Nguyệt và 29 gia đình dân tộc Đan Lai được đưa ra khỏi rừng sâu để về tái định cư tại bản Cửa Rào. Các hộ dân này được Nhà nước xây nhà, bố trí đất sản xuất với mục tiêu giúp họ thoát khỏi cái bóng đói nghèo đã đeo đẳng họ từ hàng trăm năm nay giữa đại ngàn nguyên sinh. 

Thế nhưng, cái mục tiêu ấy không dễ dàng thực hiện. “Ruộng chỉ có 2 sào nhưng không có nước cứ phải bỏ hoang suốt. Đất rừng ít, nên nghèo vẫn cứ nghèo thôi”, bà Nguyệt nói. Sau 10 năm đến vùng đất này, người Đan Lai vẫn quẩn trong đói nghèo và gia đình nào cũng thuộc hộ nghèo. 

Năm 2012, bà Nguyệt bất ngờ làm một việc gây chấn động khắp xã khi tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Bà La Thị Nguyệt “quyết tâm thoát khỏi hộ nghèo”. Ảnh: Lương Ý

Nhắc đến câu chuyện viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo “có một không hai”, bà Nguyệt nói: “Tôi nhớ như in cuộc họp năm 2012, một mình tôi đứng dậy tuyên bố xin ra khỏi hộ nghèo để tự tìm cách thoát nghèo. Quyết định táo bạo này khiến mọi người kinh ngạc. Một mình tôi lên xã nộp đơn. Xã nói bà đang nghèo, ra là mất hết quyền lợi đó. Tôi nói mình xin ra là để tìm cách làm ăn mà thoát nghèo chứ không muốn ngồi trông chờ Nhà nước cho gạo ăn, nên quyết tâm xin ra. Lúc đó nói thật tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, ra khỏi hộ nghèo là đồng nghĩa với việc không còn được hỗ trợ phân bón, giống cây, không còn được cấp gạo... Nhưng tôi muốn làm gương cho con cái. Ba đứa con gái đã lấy chồng, đứa mô cũng nghèo và tôi không muốn hắn cứ nghèo mãi”. 

Bà Nguyệt còn cho biết thêm, sau quyết định táo bạo đó, bà cùng chồng vay vốn mua bò, lợn, trồng keo với quyết tâm phải hết nghèo. Đến nay, gia đình bà đã có hơn 9 con bò, một đàn lợn, 6 sào keo đã cho thu hoạch, trở thành gia đình khá nhất bản...

Gia đình bà Nguyệt không phải là trường hợp duy nhất. 

Cách nhà bà gần 10 cây số, gia đình anh Hà Văn Hội ở bản Bắc Sơn cũng nằm trong số 8 hộ dân tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. 

Để thực hiện mục tiêu tự thoát nghèo, vợ chồng anh mượn đất của những hộ bỏ hoang không sản xuất để trồng lúa, hoa màu, vay vốn nuôi trâu. Cho đến nay, kinh tế gia đình anh Hội cũng đã ổn định hơn trước đây rất nhiều. 

Hay cuối năm 2015, cụ Lang Văn Tần (83 tuổi), trú tại bản Liên Sơn, xã Lục Dạ cũng có một quyết định gây chấn động khi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Cụ sống một mình từ 20 năm nay trong căn nhà lợp tranh, phên nứa, không có tài sản gì đáng giá ngoài cái quan tài cụ chuẩn bị sẵn cho mình khi về với tổ tiên kê ở góc nhà.

Gặp chúng tôi, cụ Tần vui vẻ cho biết: “Tôi quê ở huyện Anh Sơn, đến năm 1970, bị bom Mỹ dội sập nhà, gia đình tôi sơ tán lên vùng này. Suốt 20 năm nay, tôi sống một mình vì vợ mất, 5 người con gái cũng đi lấy chồng. Đã 6 năm nay, do tuổi cao, sức khỏe đã yếu tôi không thể lên rừng làm rẫy nên bị rơi vào hộ nghèo. Trong đợt đi dự buổi họp bình xét hộ nghèo của năm, thấy nhiều người còn khỏe mạnh giành nhau được hộ nghèo nên tôi quyết định xin rút. Chứ cứ ngồi hưởng chính sách của Nhà nước mãi như thế này cũng xấu hổ nên tui xin ra thôi”.   

Cụ Lang Văn Tần trong ngôi nhà nghèo “rớt mùng tơi” vẫn quyết tâm viết đơn thoát khỏi hộ nghèo. Ảnh: Lương Ý

Chúng tôi xin trích một đoạn ngắn trong đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo gửi xã của cụ Tần: “Tôi xin ra khỏi hộ nghèo để làm gương cho con cháu, không trông chờ vào Nhà nước đối với chính sách này, làm kìm hãm sự phát triển của xã hội”.

Khi cụ Tần gửi đơn ra xã, ông Vi Văn Diện (61 tuổi, trú tại bản Xằng, xã Lục Dạ) cũng “gây bão” cho người dân trong xã khi viết đơn “xin rút khỏi hộ nghèo”. 

Ông Diện cho biết: “Tôi tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn sức lao động. Hơn nữa, con cái trong nhà đủ sức lao động sản xuất, đảm bảo đời sống hàng ngày và đủ khả năng vươn lên thoát nghèo. Tôi không muốn trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước”. 

Được biết, 4 người con của ông Diện đều đã có gia đình nhưng đang phải chung sống trong một căn nhà sàn. Ông Diện bị tật ở tay, ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động nhưng vẫn đưa ra quyết định dũng cảm này.

Ông Phạm Trọng Bình, Chủ tịch UBND xã Lục Dạ cho biết: “Đây là những tấm gương rất đáng quý, nhất là cho những hộ gia đình trẻ, xóa bỏ tính ỉ lại, trông chờ vào chính sách Nhà nước. Khi nhận được đơn của các cụ, xã rất bất ngờ. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng rất trân trọng quyết định của các cụ. Hội đồng bình xét của xã sau đó đã họp và quyết định giữ cụ trong danh sách hộ nghèo để cụ được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Xã tặng bằng khen cho cụ, tuyên dương cụ vì đã làm gương sáng cho cộng đồng".

Còn ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Dân trong huyện còn hơn 35% hộ nghèo, hộ giàu rất ít. Cuộc sống người dân còn nhiều vất vả nhưng thấy người dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo chúng tôi mừng vì họ đã ý thức được việc tự thoát nghèo. Từ đó, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước giúp dân thoát nghèo sẽ có tác dụng lớn hơn”.

Lương Ý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm