Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Thứ tư, 02/02/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Về làng Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), hỏi thăm nghệ nhân Phan Thị Thuận, người dân nơi đây không ai không biết bởi bà là nghệ nhân ưu tú duy nhất của làng và cũng là người mang “hồn quê” Phùng Xá đến với nhiều nước trên thế giới. Năm 2021, bà vinh dự là 1 trong 9 “Công dân Thủ đô ưu tú”...
Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Người mang “hồn quê” ra thế giới. Ảnh: H.H
“Thắp lửa” nghề truyền thống
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống lâu đời làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, nghệ nhân Phan Thị Thuận được bố mẹ truyền dạy nghề từ khi lên 6 tuổi. Là đời thứ ba trong gia đình truyền thống, bà Thuận đã sớm đắm chìm trong tình yêu với dâu tằm.
Vào những năm 1970, làng Phùng Xá được mệnh danh là "Thủ đô dâu tằm" của miền Bắc, với hàng chục nghìn héc ta ruộng dâu trải dài ven sông Đáy. Thời đó, hầu hết các gia đình trong xã đều chuyên tâm với nghề làm tơ tằm. Theo dòng thời gian cùng với sự phát triển của cơ chế thị trường, nghề tơ tằm dần bị… “thất sủng”. Toàn bộ diện tích trồng dâu trong xã bị phá bỏ chuyển sang trồng lúa và hoa màu khác; những người thợ trong làng dần… bỏ nghề.
Đau đáu với nghề, bà Thuận không cam tâm đứng nhìn “tổ nghề” bị mai một. Trong khi, cả làng không còn coi "tằm tang" là nghề mưu sinh, người phụ nữ có thân hình nhỏ bé ấy vẫn quyết giữ nghề cha ông. Không chỉ chuyên tâm gìn giữ dệt lụa, để “thắp lửa” cho nghề truyền thống, bà còn tâm niệm “nhất định phải tìm cho mình lối đi riêng”.
Nghĩ là làm, bà âm thầm một mình gây dựng lại nghề nuôi tằm, ươm tơ. Năm 2010, bà thành lập Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức. Nhiều đêm quên ăn, quên ngủ bên nong tằm để nghiên cứu, quan sát từng lứa tằm “rút ruột nhả tơ”, bà nảy ra ý nghĩ biến con tằm thành… “những người thợ đặc biệt” tự dệt nên tấm chăn tơ.
Chia sẻ về ý tưởng đặc biệt này, bà Thuận kể: Bình thường tằm kéo kén tròn, thì tôi đem đặt chúng cạnh nhau trên một mặt phẳng. Vì không có tổ nên tằm không thể kéo kén theo lẽ thường, nhưng do chức năng phải nhả tơ khi đến kỳ nên chúng buộc nhả tơ vào không gian. Kết quả là tơ của nhiều con tằm quấn vào nhau, đan thành tấm kén phẳng, mịn, gắn kết bền chắc tự nhiên, sợi tơ đều tăm tắp.
“Đây là kỹ thuật quan trọng đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nghề dệt thủ công truyền thống. Không chỉ tiết kiệm được chi phí, mà hơn hết sản phẩm tằm tự dệt thực sự tinh xảo, không một người thợ tài ba hay chú rô-bốt nào có thể thay thế được” - bà Thuận say sưa nói.
Từ những tấm kén phẳng do “thợ tằm” dệt, trải qua các công đoạn xử lý, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã cho ra đời nhiều tấm vải, chăn, các loại gối chất lượng cao, được người tiêu dùng chào đón nồng nhiệt. Sản phẩm khăn lụa tơ tằm, chăn bông tơ tằm của bà được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao của TP Hà Nội.
Không dừng lại ở đấy, thương hiệu tằm tơ Mỹ Đức đã ngày càng vươn xa, vượt qua biên giới, đến với nhiều quốc gia trên thế giới như: Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Bỉ, Pháp, Hà Lan, Ả Rập Xê Út…
Năm nay, mặc dù, dịch bệnh Covid-19, nhưng sản phẩm của bà “ra lò” đâu hết đến đó, nhiều vị khách phương xa về tận cơ sở của bà để đặt hàng.
Dệt lụa từ… cuống sen bỏ đi
Không chỉ sáng tạo trong nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống, nghệ nhân Phan Thị Thuận còn được biết đến là người Việt Nam tiên phong dệt lụa từ… cuống sen bỏ đi.
Chia sẻ về duyên đến với lụa tơ sen, bà Thuận kể, năm 2016, bà được mời tham gia Đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cây lá sen”. Vốn sẵn tình yêu với hoa sen, bà nhận thấy đây chính là cơ hội để mình thỏa sức sáng tạo và nếu thành công sẽ mang được hồn cốt của loài “Quốc hoa” vào từng tấm lụa đi khắp năm châu.
Ban đầu bà gặp không ít khó khăn, gia đình không ai ủng hộ vì cho rằng đó là ý tưởng viển vông. Với ý nghĩ phải tìm được lối đi riêng, bà bắt tay vào nghiên cứu lụa tơ sen. Công đoạn tạo tơ sen rất khó khăn, người thợ phải khéo léo kéo được sợi tơ trong cuống sen, nhẹ nhàng để tơ không bị đứt, dùng tay cuộn nhiều sợi tơ trên mặt bàn ướt đến khi sợi tơ đủ dày. Mọi công đoạn từ lựa chọn cuống sen, rút sợi đến việc dệt tơ sen thành tấm lụa đều phải rất tỉ mỉ, nghiên cứu kỹ lưỡng và có tính nhẫn nại.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, sau một thời gian dày công nghiên cứu, thử nghiệm, năm 2018, thước lụa đầu tiên được dệt từ 100% tơ sen đã ra đời, đánh dấu thành công trong cuộc đời “se tơ dệt lụa” của nghệ nhân Phan Thị Thuận.
Chưa dừng lại, 1 năm sau - năm 2019, bà Thuận tiếp tục chinh phục thử thách khó hơn - làm được chỉ thêu từ tơ sen. Cũng trong năm đó, khăn lụa tơ sen vinh dự được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là quà tặng của Việt Nam dành cho bạn bè quốc tế tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức ở Nhật Bản.
Theo nghệ nhân Phan Thị Thuận, để làm ra được một chiếc khăn quàng cổ dài 1,7m, rộng 0,25m cần đến khoảng 4.800 cuống sen. Ngoài việc thu hái trong vùng trồng sen, bà và những người thợ còn tự tay đi vớt những thân sen bỏ thừa trong các đầm, đem về rửa sạch, để ráo, phân loại cuống sen (cuống lá, cuống hoa, cuống đài sen…) để dễ dàng trong việc rút tơ se sợi.
Điều quan trọng, tất cả các cuống sen đều phải được xử lý trong vòng 24 giờ, nếu không cuống sẽ bị khô, tơ bị rút sợi và hỏng hoàn toàn. Một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày chỉ làm được từ 200-250 cuống sen. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất khoảng 1 tháng. Vì kì công như vậy nên giá thành 1 chiếc khăn làm từ tơ sen có giá từ 8-10 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm có mùi hương sen nhẹ nhàng, rất dễ chịu.
Như “con tằm rút ruột nhả tơ”
Không dừng lại ở những sản phẩm vải dệt từ tơ lụa, tơ sen, nghệ nhân Phan Thị Thuận còn ứng dụng những sản phẩm đó vào chăm sóc da, giúp phụ nữ làm đẹp. Xuất phát từ phương pháp cho tằm tự dệt, mặt nạ tơ tằm đã ra đời. Điều đặc biệt là sản phẩm chưa qua xử lý nên vẫn giữ được 100% tinh chất do con tằm tiết ra mà không có thêm thành phần mỹ phẩm nào khác. Với sản phẩm mặt nạ tơ tằm “made in bà Thuận”, tất cả những thành phần protein tự nhiên trong tơ tằm đều được giữ nguyên vẹn.
Năm nay, dù đã ở tuổi thất thập, nhưng bà Thuận vẫn không ngừng sáng tạo, cống hiến như "con tằm rút ruột nhả tơ". Bà vui vẻ: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tôi lại nghĩ ra cách cho con tằm đan những tấm kén mỏng, phẳng để làm khẩu trang và khăn mặt bằng tơ tằm.
Bên cạnh tâm huyết với nghề, nghệ nhân Phan Thị Thuận còn trực tiếp truyền dạy nghề cho hàng nghìn lao động, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 thợ. Đặc biệt, với những đứa trẻ ở Phùng Xá, bà Thuận vừa là nghệ nhân vừa là người thầy hướng dẫn cho các em tiếp nối nghề truyền thống của vùng quê mình.
Cứ vào mỗi dịp nghỉ Hè "đàn chim ri" lại đến ríu rít đến bên bà Thuận, được bà dạy nghề, trực tiếp được tham gia các công đoạn làm nên sản phẩm và được trả công, bọn trẻ vui mừng và phấn khởi lắm. “Hữu xạ tự nhiên hương”, cứ hè đến “đàn chim ri” ở trong làng ngoài xã lại rủ nhau “bay” đến cơ sở của bà Thuận. Mùa Hè năm sau lại đông vui hơn năm trước. “Đây chính là tương lai của làng nghề, thế hệ trẻ sẽ "nảy trí thông minh làm của cải". Tôi tin nghề truyền thống của cha ông sẽ tiếp tục được lớp trẻ giữ gìn và phát triển lên 1 tầm cao mới”.
Nói về dự định của mình trong năm mới, bà Thuận phấn khởi cho biết: Tôi sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm về tơ sen, tơ tằm và sáng tạo thêm những sản phẩm mới… Tương lai, tôi mong muốn huyện Mỹ Đức sớm khôi phục lại ngành dâu tằm, kết hợp du lịch tâm linh chùa Hương với du lịch làng nghề tơ tằm Mỹ Đức, để ngày càng có nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài nước biết đến những sản phẩm tơ lụa đặc sắc của Việt Nam.
Ghi nhận những đóng góp tích cực của nghệ nhân Phan Thị Thuận trong công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc, năm 2016, bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Ngoài ra, bà cũng nhận được nhiều giải thưởng cho sản phẩm tại các cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Năm 2020, bà là 1 trong top 10 cá nhân được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam.
Năm 2021, bà là 1 trong 9 “Công dân Thủ đô ưu tú”…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024(Thanh tra) - Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chiều 13/12/2024, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn đã đi thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở thành phố Nam Định và huyện Nam Trực.
Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024N. Phê
10:24 13/12/2024Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên