Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 01/07/2014 - 15:37
Ngay trong buổi sáng đầu tiên (ngày 1/7) xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn chất lượng theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, ghi nhận của phóng viên Vietnam+ cho thấy, người dân còn khá mơ hồ về quy định này và nhiều chủ xe vẫn thản nhiên “phớt lờ” vô tư đội các loại mũ trái quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2013 của liên Bộ Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Công an và Công thương.
Cảnh sát giao thông đang nhắc nhở, tuyên truyền người đi đường cần phải đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Phần lớn khi được hỏi, người dân đều cho rằng, chưa biết đến thông tin về việc sẽ bị xử phạt khi đội mũ không đạt tiêu chuẩn và liệu những chiếc mũ họ đội đã đạt chuẩn theo quy định hay chưa?
Mơ hồ về mũ bảo hiểm chuẩn
Khác với mọi ngày, chị Phạm Thị Hải (Đội Cấn, Ba Đình,Hà Nội) vội vã lục tìm trong kho để đồ chiếc mũ bảo hiểm cũ đã bị phủ một lớp bụi bám dính lâu ngày bởi không sử dụng. Lau chùi cẩn thận, chị Hải vội vàng đội trước khi ra khỏi nhà để đến cơ quan.
Lý giải cho việc này, chị Hải bảo, hôm nay lực lượng công an sẽ xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm kém chất lượng bởi thế, cần phải chấp hành nếu không muốn tốn tiền.
Tuy nhiên, khi ra tới đường Kim Mã, chị Hải rất bất ngờ khi nhiều người vẫn thản nhiên đội những chiếc mũ thời trang lưu thông trên đường mà chưa hề quan tâm đến việc xử phạt.
“Phần lớn, người đi đường hiện nay vẫn chuộng các loại mũ thời trang, đội để tránh bị xử phạt giao thông là chính chứ chưa hẳn là vì an toàn. Quy định phạt người đội mũ ‘rởm’ nếu không làm căng thì đâu lại vào đấy cả thôi,” chị Hải nói.
Tại ngã tư Daewo, trong dòng người đứng đợi đèn đỏ, rất dễ phát hiện ra nhiều người vẫn vô tư đội mũ bảo hiểm không đúng quy định. Những kiểu mũ thời trang nhẹ gọn, có mẫu mã đẹp vẫn được người tham gia giao thông ưa chuộng.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người nghiêm chỉnh chấp hành trong ngày đầu xử phạt mũ bảo hiểm “rởm” khi đã trang bị cho mình chiếc mũ bảo hiểm mới đủ 3 bộ phận gồm lớp xốp chống xung, dây cài quay và lớp vỏ nhựa bên ngoài.
Trước đây, đi trong thành phố, vợ chồng chị Hương (Phúc Tân, Hoàn Kiếm) chỉ sử dụng loại mũ thời trang để “né” cảnh sát giao thông. Khi nghe được thông tin trên báo đài, chị Hương vội vã sắm một loạt mũ mới cho cả nhà.
Tuy nhiên, cầm trên tay chiếc mũ mới mua, chị Hương vẫn băn khoăn không biết liệu đây có phải loại đúng tiêu chuẩn hay không và liệu đi ra đường Cảnh sát giao thông có tuýt còi không?
Muốn dẹp loạn mũ bảo hiểm "rởm" quan trọng nhất là phải siết từ khâu sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Anh Sơn (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết: "Nhà tôi mua 4 cái mũ từ lâu rồi, giờ thì tem mác đều mờ, mòn hết cả. Cũng có đủ quai, xốp, đội rất chắc chắn nhưng tôi vẫn không biết là đã đúng tiêu chuẩn quy định chưa. Mỗi cái giá cũng 200.000-300.000 đồng. Giờ mà bảo mũ không đúng quy định phải đổi mũ khác thì cũng xót tiền lắm."
Bên cạnh đó, anh Sơn cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần phải công bố rộng rãi thế nào là mũ đạt tiêu chuẩn 3 bộ phận, đủ điều kiện để đội khi tham gia giao thông để cho người dân nắm được thông tin.
"Quan trọng là phải xử lý tận gốc những cơ sở sản xuất, kinh doanh loại mũ không đủ điều kiện này, mới có hiệu quả. Còn người dân nếu thực hiện tuyên truyền, vận động tốt thì mọi người sẽ ủng hộ thôi,” anh Sơn chia sẻ.
Theo quan điểm của người sử dụng mũ bảo hiểm, việc xác định mũ bảo hiểm đúng quy định đều dựa trên trực quan nên bản thân những người tham gia giao thông vẫn băn khoăn khi không biết mũ của mình đã đạt tiêu chuẩn chưa, và làm thế nào để mua đúng loại mũ theo tiêu chuẩn.
Mục đích không phải phạt người dân
Thực tế, tại nhiều chốt xử phạt, khi người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các lỗi vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, lực lượng cảnh sát giao thông ngoài việc xử phạt lỗi cũng đã kết hợp tuyên truyền cho người dân biết về quy định mới có hiệu lực từ ngày hôm nay.
“Từ sáng đến giờ, anh em rất tích cực tuyên truyền cho người dân. Cũng có một số trường hợp không nắm được quy tắc xử phạt mới, nhưng chúng tôi cũng không ngần ngại giải thích cặn kẽ cho từng người hiểu và nắm được Luật,” Thiếu úy Nguyễn Mạnh Cường, Đội cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cho biết.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Hải, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 2, Công an Hà Nội cho biết: “Chúng tôi chủ yếu tuyên truyền, giải thích với người dân về việc đội loại mũ không phải mũ bảo hiểm hay mũ bảo hiểm kém chất lượng sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 171 nhưng chưa tiến hành xử phạt. Ngoài ra, lực lượng cũng không thu giữ mũ bảo hiểm không an toàn, vẫn để người dân tiếp tục lưu thông vì đó là tài sản của người dân.”
Đứng quan sát lực lượng cảnh sát giao thông xử lý vi phạm, ông Lưu Xuân Bình, Phó Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhận đinh, trong ngày đầu tiên, hầu hết các lực lượng cảnh sát giao thông mới chỉ nhắc nhở người dân là chính. Trong khi đó, hầu hết người dân khi được hỏi, đều trả lời rằng, có biết đến quy định này, song cách phân biệt mũ vẫn còn chưa rõ. Tuy nhiên, khi được lực lượng giải thích, họ đã bày tỏ thái độ rất hợp tác, và ủng hộ quy định này.
Song, trước câu hỏi, liệu việc kiểm tra, xử lý có thể duy trì được thường xuyên không, ông Lưu Xuân Bình cho hay: "Bản chất vấn đề, chúng ta mong người dân hiểu, chứ không chỉ có xử phạt. Còn về lâu dài, cơ quan chức năng cần phải xử lý triệt để, tận gốc những cơ sở cố tình sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm 'dởm', không đạt chất lượng."
Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc xử lý vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm là đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, chứ mục tiêu không phải là phạt ai, thu được bao nhiêu tiền.
“Trọng tâm của nửa cuối năm 2014 không phải là xử lý vi phạm mà phải tổ chức triển khai đảm bảo được cả ba khâu từ sản xuất, lưu thông đến tuyên truyền, sử dụng để người dân nhận thức được lợi ích của đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn và tác hại của đội mũ bảo hiểm giả cũng như các loại mũ không phải mũ bảo hiểm,” ông Hùng cho hay.
Đề cập đến việc cảnh sát giao thông than khó xử phạt mũ bảo hiểm “rởm”, ông Hùng khẳng định, cảnh sát giao thông và người dân không phải là những người có trách nhiệm trong việc đi chứng minh mũ này là giả hay thật. Giai đoạn đầu, Ủy ban An toàn giao thông đề nghị lực lượng chức năng nhắc nhở người dân sử dụng đúng mũ đạt chuẩn và thu hồi mũ kém chất lượng, không đảm bảo an toàn.
Nhấn mạnh đợt cao điểm xử lý sẽ là nhiệm vụ thường xuyên của các Ban An toàn giao thông địa phương, vị Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia bày tỏ quan điểm: “Đừng hy vọng có thể qua một đêm, một tháng, qua một quý có thể thay đổi được tình trạng sử dụng mũ bảo hiểm chưa đạt chuẩn mà là quá trình lâu dài, thành bại ở chỗ mức độ thay đổi nhận thức của người dân đến đâu. Việc đó phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của cơ quan chức năng.”/.
(VIETNAM+)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương