Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ I: Công trình nước sinh hoạt “đắp chiếu”

Thứ sáu, 11/07/2014 - 09:27

(Thanh tra) - Các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được đầu tư bằng các nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia 134, 135, có ý nghĩa rất lớn đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng triển khai, cấp vốn đầu tư các công trình này cho 11 huyện miền núi và huyện giáp ranh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà đa phần các công trình này hoạt động không hiệu quả, thậm chí bị “chết”, gây lãng phí lớn.

Một công trình nước tại xã Tam Thanh huyện Quan Sơn bỏ hoang. Ảnh: Văn Thanh

Đầu tư hàng trăm tỷ đồng

Chỉ tính riêng trên các huyện miền núi, từ năm 2010 - 2013 có 179 công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng từ nhiều nguồn vốn 134, 135, 253, Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (MTQGNS&VSMTNT), vốn từ các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tài trợ... Đó là chưa kể tới số lượng các công trình được đầu tư xây dựng trước năm 2010.

Theo thống kê, từ 2010 - 2013, huyện Mường Lát đã được đầu tư 32 công trình, trong đó có 5 công trình thuộc các nguồn vốn 134, 135, 253 do địa phương làm chủ đầu tư, 28 công trình còn lại thuộc nguồn vốn Chương trình MTQGNS&VSMTNT do Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Nếu tính từ năm 1999 đến nay, địa phương này đã có tới 72 công trình cấp nước.

Huyện Quan Hóa có 32 công trình được xây dựng trong giai đoạn 2010 - 2013, với tổng vốn đầu tư trên 42,2 tỷ đồng, từ các nguồn vốn thuộc Chương trình 134, 135, Chương trình MTQGNS&VSMTNT. Huyện Bá Thước có 33 công trình. Huyện Lang Chánh có 14 công trình…

Hàng trăm tỷ đồng này được rót vào các công trình. Thế nhưng hiệu quả sử dụng lại kém, không mang lại giá trị thụ hưởng như dự án đề ra.

Xã Thọ Sơn (huyện Triệu Sơn) được hỗ trợ 400 triệu đồng xây dựng 6 bể nước sạch tại thôn 13. Tuy nhiên, công trình mới đưa vào sử dụng được thời gian ngắn đã bị hư hỏng. Đường ống dẫn bị vỡ nên nguồn nước không vào được bể. Người dân nơi đây cho hay, từ khi công trình đắp chiếu đến nay, không có ai ngó ngàng đến, cỏ và rêu mọc um tùm. Máy bơm lâu ngày không sử dụng bắt đầu hoen gỉ. Công trình chỉ có đường ống dẫn nước về các bể tập trung, không có đường ống dẫn về các hộ gia đình. Trong khi có những hộ dân cư trên núi cách xa các bể chứa nước tập trung đến gần 2 km nên nước không thể dẫn tới nơi được.

Xã Mường Lý (huyện Mường Lát) được thụ hưởng 15 công trình cung cấp nước cho khoảng 760 hộ dân với số tiền đầu tư xây dựng mỗi công trình tương đương gần 15 tỷ đồng, hiện cũng chỉ còn những bể nước trơ đáy.

Tương tự, ở bản Đồng Tâm, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa có 2 công trình cấp nước thuộc Chương trình 134, với 6 bể và 12 bể thuộc MTQGNS&VSMTNT. Đến nay, chỉ còn 6 bể Chương trình MTQGNS&VSMTNT sử dụng được vào mùa mưa, số còn lại không còn khả năng cấp nước. Bản Pọong, xã Đồng Tâm nhận được 2 công trình cấp nước của Chương trình MTQGNS&VSMTNT với 5 bể và Chương trình Tầm nhìn Thế giới 7 bể. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 1 bể sử dụng được.

Huyện Quan Sơn, có tổng số 27 công trình nước sinh hoạt tập trung đến nay chỉ còn 4 công trình hoạt động. Số còn lại hầu hết là hư hỏng, xuống cấp hoặc sử dụng kém và bỏ hoang.

Huyện Lang Chánh trong giai đoạn 2010 - 2013, có tổng số 6 công trình, trong đó có 1 công trình chưa hoàn thành, số còn lại chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho nhân dân, nguồn nước bảo đảm vệ sinh còn thấp.

Bể tổng tại bản Oi, huyện Lang Chánh luôn trong tình trạng không có nước. Ảnh: Văn Thanh

Nhiều bất cập

Tìm hiểu về từng huyện được Nhà nước đầu tư các công trình nước sạch vệ sinh môi trường theo các Chương trình 134, 135 cho thấy nhiều bất cập trong việc đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, chất lượng, cách thức khảo sát, thiết kế… và ý thức sử dụng.

Hằng năm, UBND tỉnh Thanh Hóa đều bố trí nguồn vốn thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn về công tác đầu tư, xây dựng các công trình nước sạch sinh hoạt nông thôn. Thế nhưng, hiệu quả thực hiện đạt thấp, hầu hết mới tuyên truyền, triển khai đến huyện, xã, chưa đến được với nhân dân… Trách nhiệm của chủ đầu tư còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm nên hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình còn hạn chế, một số địa phương thực hiện chương trình hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, công tác khảo sát còn nhiều sai sót nên việc xác định quy mô đầu tư, giải pháp kỹ thuật chưa thực sự khả thi. Địa điểm xây lắp các công trình chưa phù hợp với địa hình, địa chất nguồn nước, khảo sát thiết kế dự toán vào mùa mưa, xây dựng xong vào mùa khô nên luôn thiếu nước, một số công trình không sử dụng được.

Theo số liệu giám sát của HĐND tỉnh Thanh Hóa thì trong tổng số 60 công trình được giám sát có trên 30% công trình hiện đã bị tắc, vỡ đường ống, nhiều vị trí bể lọc, bể chia nước không phù hợp với khu dân cư, có nơi chỉ 4 - 5 hộ sử dụng nhưng đặt tới 2 bể như công trình ở xã Văn Nho, huyện Bá Thước; có nơi nhiều hộ nhưng chỉ bố trí 1 bể như công trình ở xã Trí Nang, huyện Lang Chánh.

Việc lựa chọn giải pháp đầu tư chưa thực sự hiệu quả, như công trình đầu tư bằng nguồn nước tự chảy tại thôn Na Ấu, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn không sử dụng được do không có nước. Thế nhưng, ngay bên cạnh công trình này nhân dân đã tự đầu tư hệ thống giếng bơm, cung cấp cho hơn 30 hộ dân có nước sinh hoạt ổn định. Tổng giá trị công trình này chưa đến 30 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Qua khảo sát của PV Báo Thanh tra tại một số công trình nước sạch có vốn đầu tư của Nhà nước thì hầu hết đường ống dẫn nước qua khe, suối, không có trụ đỡ, cáp neo nên đã bị nước cuốn trôi như công trình ở xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn; xã Tam Văn, huyện Lang Chánh; xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc; xã Thành Minh, huyện Thạch Thành. Có công trình thi công chôn ống dẫn nước không đúng thiết kế, chưa đủ độ sâu, đa số nổi trên mặt đất, súc vật, phương tiện tham gia giao thông đi lại làm hư hỏng như các công trình ở xã Thanh Quân, Thanh Sơn, Thanh Xuân, huyện Như Xuân; xã Mường Lý, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát; xã Giao An, huyện Lang Chánh.

Nhiều ý kiến của lãnh đạo các xã được thụ hưởng công trình cho rằng, công tác giám sát thi công của chủ đầu tư còn rất hạn chế, đa số không sử dụng giám sát cộng đồng. Vì thế, chất lượng xây lắp công trình thấp, hầu hết các bể nước mới đưa vào sử dụng được khoảng 2 năm đã bị nứt, bung tróc, thấm tường, nước rò rỉ. Việc quản lý, sử dụng các công trình sau đầu tư còn nhiều yếu kém như vệ sinh môi trường, chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng công trình, chưa sửa chữa, thay thế các thiết bị hư hỏng.

Ngoài ra, ý thức sử dụng, bảo quản công trình của người dân chưa tốt, nhiều công trình bị đục khoét ống, tháo van điều tiết, không quan tâm bảo vệ nguồn nước và giữ vệ sinh khu vực công trình. Hoặc một số công trình ở thôn Lương Thuận, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy; thôn Sắn, xã Thành Vân, huyện Thạch Thành khuyết toán còn chậm. Việc nghiệm thu khối lượng công trình hoàn thành đối với công một số công trình còn cao hơn giá trị xây lắp thực tế như ở các huyện Mường Lát, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Lang Chánh (việc này đã được Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh kết luận).

Chất lượng của các công trình nước sạch này cần được rà soát, đánh giá lại, lập hồ sơ giao cho thôn, bản quản lý, duy tu, sửa chữa lại các công trình đã hỏng để đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các dự án đầu tư mới, tránh lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước.

Kỳ II: Công sở dang dở, trường học bỏ hoang

Văn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm