Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hiếm có Pháp chủ nào giản dị mà uyên bác đến thế!

Trà Vân

Thứ năm, 21/10/2021 - 14:38

(Thanh tra) - Sáng đầu Đông, Hà Nội trời chuyển rét, chư tôn đức, tăng, ni Phật tử trong và ngoài nước nhận tin buồn: Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam thu thần viên tịch.

Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ, thu thần viên tịch vào lúc 3 giờ 22 phút ngày 21/10/2021. Ảnh: Nguyên Chính

Ngài viên tịch vào lúc 3 giờ 22 phút ngày 21 tháng 10 năm 2021 (nhằm ngày 16 tháng 9 năm Tân Sửu) tại Tổ đình Viên Minh (chùa Ráng), xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Ngài trụ thế: 105 năm, hạ lạp: 85 năm.

Việc gì tốt cho dân thì làm

Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ sinh năm 1917, xuất gia lúc 5 tuổi với người cô. Cuộc đời của ngài là một trang sử bi thương của dân tộc dưới thời thực dân Pháp và những điêu tàn, đổ vỡ trong cuộc chiến chống thực dân Pháp 1945-1954.

Cả cuộc đời tu hành của ngài là kinh qua các cuộc chiến tranh, pháp nạn. Những năm kháng chiến chống Pháp, toàn bộ sơn môn bị giặc Pháp đốt hết. Cứ dăm bữa, nửa tháng giặc lại càn quét, đốt phá. Làng mạc điêu tàn, chùa chiền sụp đổ.

Thế nhưng bồ đề tâm vẫn kiên cố, ngài quyết tâm theo Phật và giữ gìn di sản của chư tổ.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ngài trở về chứng kiến cảnh tan nát chùa chiền và bắt tay xây dựng lại để nối dòng sơn môn Đa Bảo.

Chùa Ráng, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội, nơi Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ tu hành gần 1 thế kỷ. Ảnh: Nguyên Chính

Ngài kể: “Những năm đầu, người ta tổ chức cho dân đi các khu kinh tế mới. Dân ở lại cũng toàn người nghèo, ai cũng phải bươn chải để kiếm sống, làm gì có tiền hay lương thực đem đến cúng chùa. Chúng tôi tự cày cấy làm ăn, đồng thời tham gia các công việc xã hội, việc làng nước. Tôi trực tiếp tham gia giảng dạy các lớp bình dân học vụ, rồi hộ đê, cứu đê, chống lũ lụt. Việc gì tốt thì làm”.

Trên đường tu học, dấu chân của ngài đã trải khắp các tổ đình vùng châu thổ sông Hồng. Trải qua những ngày quê hương bị giặc Pháp chiếm đóng, làng mạc điêu tàn, chùa chiền sụp đổ, ngài vẫn một lòng son sắt với cửa Phật. Những vốn kiến thức ngài có được đều nhờ kiên trì tự học. Hẳn ai cũng biết, ngài là vị giáo phẩm nổi tiếng uyên thâm về Phật học và Hán học.

Gần 1 thế kỷ ngài an trụ ở chùa Ráng. Trong mắt người dân vùng này, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ không chỉ là một vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh vẹn toàn mà còn là một nông dân thực thụ với đức tính hay lam hay làm, cần cù và giản dị. Bởi vì suốt cuộc đời, ngoài giờ hành lễ hay đi hoằng pháp, ngài luôn cùng môn đệ xắn tay cày cấy nuôi thân. Những năm sức khoẻ yếu, không ra đồng trồng lúa được nữa, nhưng hàng ngày ngài vẫn làm vườn, dọn dẹp trong chùa.

Hoà hợp tăng chúng là quan trọng nhất

Đại đức Thích Khai Bản chia sẻ: Tấm gương tu hạnh của Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ để hậu thế chúng tôi noi theo. Ngài chưa từng lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương. Chúng tôi nhìn vào cuộc sống của ngài mà tu hành, giữ nghiêm giới luật và tinh tấn tu hành.

Cả cuộc đời tu hành của mình, ngài luôn răn dạy tăng chúng, với Phật giáo thì hòa hợp tăng là quan trọng nhất. Các ràng buộc hành chính, mệnh lệnh ngoài giáo pháp chỉ là nhất thời mà thôi. Đặc biệt nên kiên trì giữ gìn nền nếp các trường an cư kết hạ. Đó là nơi không chỉ học tập mà quan trọng là tu tập và thực hành nếp sống cộng đồng, dân chủ, có kỷ cương, “lục hòa” của tăng, ni chúng.

Sự nghiệp phiên dịch kinh sách, trước tác của ngài nổi bật với các tác phẩm: Kinh Bách dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát nhã dư âm, Đại từ điển Phật học, Đề cương Kinh Pháp hoa, Phật học là tuệ học, biên tập Đại tạng kinh Việt Nam, phiên dịch và hiệu đính Luật Tứ phần…

Ngài từng là Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Hà Tây; từng kinh qua Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Từ tháng 12/2007 đến nay, đảm trách ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngài đã về với Phật Tổ, nhưng vẫn đọng lại trong tâm trí những người con Phật, hình ảnh một vị cao tăng với dáng người thanh tao, đôi mắt tinh anh và nụ cười hiền hậu, bước đi khoan nhã. Ở ngài, từ gương mặt đến giọng nói đều toát lên một vẻ từ bi, hỷ xả. Hiếm có vị Pháp chủ nào lại giản dị mà uyên bác đến thế.

Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ sinh năm 1917 tại xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Năm 1926 xuất gia tại chùa Quán (Ninh Bình).

Năm 1932 thọ giới Sa-di tại trường hạ chùa Đông Cao, tỉnh Nam Định.

Năm 1934 bắt đầu tu học tại chùa Viên Minh, tỉnh Hà Tây.

Năm 1937 thọ giới Tỳ-kheo do ngài Thích Quảng Tốn làm Hòa thượng đầu đàn.

Từ năm 1953 đến 1958 tu học và hoằng pháp tại chùa Kim Đới, Hải Phòng.

Từ tháng 10/1958 đến nay trụ trì chùa Viên Minh...

Đại lão Hòa thượng đã có nhiều đóng góp cho đạo pháp và dân tộc. Công đức ấy luôn được Nhà nước và Giáo hội trân trọng ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng tuyên dương công đức của Giáo hội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm