Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội thu phí phương tiện vào nội đô: Liệu có khả thi?

Hải Hà

Thứ hai, 01/11/2021 - 18:36

(Thanh tra)- Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa đề xuất xây dựng 87 trạm thu phí với mục tiêu giảm xe ô tô đi vào nội đô nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Đề xuất này ngay lập tức làm "nóng" dư luận, thu hút nhiều ý kiến từ các chuyên gia…

Sở GTVT Hà Nội đề xuất lập 87 trạm thu phí để giảm xe ô tô đi vào nội đô nhằm giải quyết ùn tắc giao thông. Ảnh: Khánh Huy

Thu phí phương tiện là cần thiết

Đề xuất trên nằm trong Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” do Sở GTVT Hà Nội và đơn vị tư vấn thực hiện. Theo Sở GTVT Hà Nội, Đề án này mới chỉ là nghiên cứu đề xuất của Sở báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định.

Lý giải về đề xuất thu phí phương tiện vào nội đô, Sở GTVT cho biết, năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 04 với 37 nhiệm vụ đồng bộ để quản lý phương tiện, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến vành đai 1, 2, 3 chưa được đầu tư, vành đai 4, vành đai 5 chưa được đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ, theo như dự kiến. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt theo yêu cầu đề ra.

Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt vào giờ cao điểm và các dịp lễ, tết tập trung đông người. Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân theo Nghị quyết 04, trong đó có “giải pháp thu phí phương tiện xe cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm hạn chế ùn tắc giao thông” là hết sức cần thiết.

Trước đó, vào năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý cho Hà Nội lập Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” trình HĐND TP theo quy định. Đến năm 2020, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 115 về "thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội".

Thực hiện Nghị quyết 115, HĐND TP giao Sở GTVT xây dựng Nghị quyết thông qua Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” để trình HĐND TP xem xét thông qua.

Theo Đề án, đối tượng thu phí là các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông (trừ các phương tiện được miễn phí: Xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; buýt công cộng, ô tô vận tải hàng hóa...).

Các phương tiện được miễn phí có điều kiện, đó là xe hộ gia đình và xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất định. Các đối tượng được giảm phí là xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi...).

Sở GTVT Hà Nội cho biết, ranh giới khu vực thu phí được giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - đường Hoàng Sa - đường Trường Sa - đường Lý Sơn - đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào vành đai 3.

Để thu phí xe ô tô đi vào khu vực trên, dự kiến sẽ có 68 vị trí với 87 trạm thu phí được đặt. Khung mức thu phí được tạm xác định từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt. Mức phí cụ thể và các chính sách miễn giảm cho các đối tượng sẽ được trình HĐND TP xem xét tại kỳ họp trong năm 2024 trước khi thu phí.

Cần có lộ trình

Về lộ trình thực hiện, Sở GTVT Hà Nội cho hay: Dự kiến HĐND TP thông qua đề án tại kỳ họp cuối năm 2021 về loại phí và khung phí. Từ năm 2022-2023, hoàn thiện các điều kiện thu phí; xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí... Năm 2024, trình HĐND TP ban hành mức thu và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND TP quyết định trong năm 2024.

Ngay sau khi đề án được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, đã có nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia. TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT nhìn nhận: Qua nghiên cứu tôi thấy mục tiêu Đề án để hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là tốt. Tuy nhiên, chúng ta phải nghiên cứu kỹ xem thời điểm này nên làm chưa? số lượng 87 trạm thu phí có nhiều quá không?

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, để Đề án khả thi cần đảm bảo 3 yếu tố: Thứ 1, giao thông công cộng phải đảm bảo, trong khi hiện nay Hà Nội chỉ đảm đương được 7-8% nhu cầu của người dân. Nếu hạn chế phương tiện cá nhân thì 80-90% người dân sẽ đi bằng gì? Thứ 2, hạ tầng giao thông phải tốt, hiện trên địa bàn TP Hà Nội mặt cắt đường 7-11m chiếm tới 60%, mặt cắt đường 20-30m và đường dành cho xe đạp chưa có nên xảy ra ùn tắc là đương nhiên. Thứ 3, mức sống người dân còn thấp, nếu đánh thêm phí nữa thì người dân sẽ gặp khó khăn.

Trong nội dung Đề án cũng đưa ra đề xuất lập 87 trạm thu phí, nhiều ý kiến lo ngại điều này sẽ dẫn tới tình trạng trạm thu phí dày đặc bao quanh nội đô, dễ gây ùn tắc giao thông. Giải thích rõ hơn về điều này, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, các trạm thu phí sẽ áp dụng công nghệ thu phí hiện đại không dừng. Kết hợp giữa công nghệ nhận diện vô tuyến RFID (công nghệ chính để thực hiện thu phí có độ chính xác cao) và công nghệ tự động nhận dạng biển số ANPR (công nghệ hỗ trợ cho công tác xử lý vi phạm) qua hệ thống camera giám sát tự động để phát hiện xe không nộp phí, phục vụ công tác truy thu phí và xử lý hành vi không nộp phí.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô cần phải có lộ trình, bởi trước đó, ý tưởng này đã được đưa ra nhưng không thực hiện được. Thiết nghĩ, đây là chủ trương tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, vì vậy, các bước triển khai của Hà Nội cần được tính toán cẩn trọng, để tạo được sự đồng thuận.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm