Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 02/01/2021 - 06:35
(Thanh tra)- Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay đến muộn hơn nhưng tại các vườn trồng đào, quất ở vùng ven đô không khí đã rộn ràng. Người dân tất bật tưới nước, tỉa cành, tuốt lá, để những gốc đào, quất “chờ Xuân” khoe sắc…
Những người nông dân ở vựa quất lớn nhất miền Bắc đang hối hả với những công đoạn cuối cùng để chăm sóc vườn cây với hi vọng có 1 cái Tết đủ đầy. Ảnh: HH
Dốc công để có Tết đủ đầy
Trước Tết Nguyên đán 1 tháng, chúng tôi tìm về vựa quất lớn nhất miền Bắc ở xã Liên Nghĩa, Văn Giang, Hưng Yên, những người nông dân nơi đây đang hối hả với những công đoạn cuối cùng để chăm sóc vườn cây với hi vọng có 1 cái Tết đủ đầy.
Theo lãnh đạo huyện Văn Giang, dịp Tết Nguyên đán năm nay, toàn huyện có khoảng 200ha quất cảnh cung ứng ra thị trường, diện tích trồng tập trung chủ yếu ở các xã Tân Tiến, Long Hưng, Mễ Sở, Liên Nghĩa và Thắng Lợi, trong đó xã Liên Nghĩa có diện tích quất cảnh lớn nhất huyện (khoảng 80ha).
Dạo thăm các nhà vườn ở xã Liên Nghĩa, các loại quất cảnh ở đây đang được người dân chăm sóc tỉ mỉ. Cây nào cũng được uốn tỉa công phu, với nhiều kích cỡ, kiểu dáng khác nhau. Bên cạnh các loại quất cảnh hình tháp dáng trực, còn có nhiều loại quất thế mẫu tử, song thân, long giáng, ngũ phúc, lộc bình... Đặc biệt, có nhiều nhà vườn còn tạo ra các cây quất bon sai dáng siêu, trồng trong bình gốm Phù Lãng có họa tiết hoa văn...
Theo các chủ vườn nơi đây, mọi năm vào thời điểm này, cơ bản các vườn quất cảnh đều đã có thương lái nhận hợp đồng thu mua. Tuy nhiên, năm nay tình hình ảm đạm.
Trong cái rét căm căm, cô Nguyễn Thị Xoan - nông dân thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa vẫn tích cực ra đồng. Tay thoăn thoắt kéo dây tưới nước, cô Xoan chia sẻ: Vườn nhà tôi có 300 gốc quất, được đưa về vườn trồng từ tháng 4, mất cả năm chăm bẵm, nhưng năm nay thời tiết không thuận, có lúc 38-39 độ, nắng kéo dài không có mưa, bây giờ lại rét căm căm nên cây quất không ra được hoa, quả. Cả năm chăm bón, tỉ mẩn chỉ mong có cái Tết no đủ, nhưng nghe chừng không ăn thua.
“Nếu như năm ngoái đến giờ này, thương lái đã đến đặt hết cả vườn, nhưng năm nay ế ẩm lắm, nhiều khách đến xem rồi đi. Khách vắng, giá cả cũng giảm sâu. 1 gốc năm ngoái trung bình bán được 600 nghìn đồng thì năm nay chỉ ra giá 450 nghìn đồng mà khách còn bỏ đi không nói lời nào” - cô Xoan thở dài.
Chục năm gắn bó với nghề, ông Nguyễn Minh Quyền (thôn Phi Liệt) đã ngoài 80 tuổi vẫn rong ruổi ra vườn với hi vọng gặp khách đến đặt hàng. Ông cho biết: Nhà có 100 gốc quất, năm nay gia đình đầu tư 300 nghìn đồng/cây giống, gần 1 năm chăm sóc “lấy công làm lãi”, nhưng giờ có khách chỉ trả 400 nghìn đồng/cây. Những năm trước, giá bán 1 cây khoảng 600 đến 650 nghìn đồng, năm nay chỉ cần 450 nghìn đồng là bán, mà đến giờ vẫn chưa chốt được khách nào. Để vớt vát khả năng cao gia đình phải tự đi bán rong.
Thăm vườn bưởi của gia đình anh Tô Ngọc Quyền ngay gần đó, chúng tôi bắt gặp ánh mắt đượm buồn. “Cả năm dốc tiền của, công sức để chăm bẵm vào vườn bưởi, những tưởng sẽ có một cái Tết no đủ, thế mà thời tiết năm nay không thuận. Cộng thêm với kinh tế khó khăn do Covid-19 nên giá thấp. Chuyển về vườn từ tháng 10/2019 đến bây giờ là hơn 1 năm rồi, chi phí đầu tư đến thời điểm này là hơn 6 triệu đồng/cây, nếu bán được thì may ra hòa vốn”. Gần 10 năm trong nghề nhưng theo anh Quyền năm nay ế ẩm, khó khăn nhất. Từ giờ đến Tết Nguyên đán hi vọng tình hình khả quan hơn...
Đào “chờ” khoe sắc
Nếu như ở vựa quất lớn nhất miền Bắc, người dân đang lo lắng vì thị trường ế ẩm, thì tại “thủ phủ” trồng đào của tỉnh Bắc Ninh, người dân đang tràn đầy hi vọng một vụ mùa bội thu.
Ông Nguyễn Trọng Nhân, người dân trồng đào ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn cho biết: Nghề trồng đào cũng rất công phu, phải nuôi cây khỏe để sinh hoa, lại phải hãm cây để cho hoa đúng dịp. Thợ đào phải có dày dạn kinh nghiệm mới có thể tạo thế bắt mắt cho cây, cũng phấp phỏng lo toan với nắng, nồm, sương giá, để có hoa đào đẹp nhất đúng cữ Xuân.
Đào đến giờ là đẹp, nếu thời tiết tiếp tục thuận lợi chắc chắn sẽ cho thu hoạch hơn so với mọi năm. Thời tiết thuận lợi, người dân cũng đang “lắng nghe” thời tiết để tuốt lá cho đào kịp trổ hoa. “Được hay thua thì phải sang tháng Chạp mới đánh giá được. Nhưng với kinh nghiệm của mình, tôi tin làng đào Đình Bảng sẽ chiến thắng, người dân trồng đào sẽ có Tết Tân Sửu no đủ”- ông Nhân hồ hởi.
Lạc quan về vườn đào của gia đình, ông Nguyễn Hữu Kỷ, thôn Bà La, Đình Bảng có thâm niên chục năm trong nghề trồng đào chia sẻ: Thời tiết năm nay thuận lợi cho trồng đào. Mọi năm thương lái về tận vườn mua, cành đào to thì 400-500 nghìn đồng, cành bé 150 nghìn đồng, đào thế thì phải vài ba triệu, đến cả chục triệu. Gia đình tôi vườn bé, sau vụ đào, trừ công chăm sóc cũng lãi lời được 10-15 triệu đồng, so với cấy lúa thì hơn nhiều, vất vả nhất là phải phun thuốc sâu, những tháng trước cứ phải đôi ba lần chứ gần Tết thì người trồng nghe ngóng thời tiết để có cách chăm sóc phù hợp cho hoa nở đúng dịp Tết và ít bị thiệt hại. Nếu mùa đông ấm, hoa nở sớm coi như mất mùa. Vài năm gần đây, những ngày gần Tết, trời thường nắng ấm, nên chúng tôi vừa chăm sóc, vừa phải nghe ngóng thời tiết.
Các chủ vườn cho biết, giá đào năm nay có thể giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với đào phai, đào bích, loại trồng 2- 3 năm có giá từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng; loại 4-6 năm giá từ 3 đến 5 triệu đồng. Với đào thế, đào cổ thụ các nhà vườn thường chỉ cho khách thuê chơi trong dịp Tết, sau Tết lại đem về trồng với giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Đặc biệt, một số loại đào ghép hiện cũng nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Theo ông Kỷ, chơi đào ghép gốc mấy năm nay trở thành "mốt" khi nhiều chủ đào đã đầu tư mua gốc đào rừng từ các tỉnh miền núi phía Bắc về ghép cành để cho ra những cây đào ghép có thể bán hoặc cho thuê với giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng/gốc.
Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề, các chủ vườn đang tất bật dốc công chăm bón để đưa những cành đào, quất đẹp nhất tới từng nhà. Thấy đào, thấy quất là thấy Tết đã đến gần kề.
Hải Hà
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương