Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 07/02/2019 - 06:33
(Thanh tra)- Khi tôi viết những dòng này, hai anh em nhà mẹ Diệp đang lênh đênh trên những con tàu trở lại các đảo xa, mỗi người một hướng Trường Sa và Bạch Long Vĩ, làm nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc. Xuân đang về với mọi nhà, mọi người, với cả gia đình mẹ Diệp. Sắc Xuân ngời ngời trên từng gương mặt…
Đại úy, Trợ lý tham mưu Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ Lê Thành Vũ. Ảnh do nhân vật cung cấp
…Tôi tình cờ gặp Vũ trên một chuyến tàu trở về đất liền sau một chuyến tác nghiệp tại đảo Bạch Long Vĩ vào một dịp áp Tết, cách đây 6 năm, Vũ được đơn vị cho về nhà ăn Tết. Sau vài câu thăm hỏi, chúng tôi nhận ra đồng hương Vĩnh Phúc. Và, câu chuyện cứ thế mở ra…
Anh Vũ sinh năm 1982, nhập ngũ năm 2001, theo học lái xe tăng. Tốt nghiệp khóa học, anh được điều động về Tiểu đoàn phòng thủ Bạch Long Vĩ, trước thuộc Quân chủng Hải Quân, nay thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng, cắm chốt tới nay đã mười năm có lẻ. “Đợt này đơn vị ưu tiên cho cháu về Tết bởi các anh ấy hay tin cháu mới bắt được một con gái đầu lòng, chú ạ”. Nghe anh khoe, tôi bắt tay chúc mừng rồi hỏi thăm gia cảnh và được biết anh lấy vợ và có tin mừng. Tuy nhiên, khi được biết chị Phạm Thị Tâm, vợ anh, nhiều năm qua vẫn chưa xin được việc làm phù hợp với chuyên môn tốt nghiệp Đại học Sư phạm Việt Bắc, mẹ anh già yếu hầu như chẳng làm được gì, mẹ con ở nhà chỉ trông nhờ vào mấy sào ruộng khoán và những đồng lương eo hẹp của người người lính đảo gửi về, tôi chợt lặng đi giây lát.
Trước hoàn cảnh của hậu phương quân nhân khó khăn như vậy, tôi chủ động liên hệ với lãnh đạo chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị xem xét tạo điều kiện giúp đỡ. Qua điện thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc hồi bấy giờ là ông Phùng Quang Hùng thoáng chút băn khoăn: “Về nguyên tắc, cô ấy (chị Tâm - vợ của Vũ) vẫn phải trải qua một đợt thi tuyển công chức của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, để chúng tôi xem có thể vận dụng thế nào”. Từ cái “tuy nhiên” này của vị chủ tịch tỉnh, vài tháng sau, cô giáo Tâm được tỉnh tiếp nhận về dạy hợp đồng có thời hạn tại Trường THCS Nguyệt Đức. Chuyện của vợ chồng Vũ được tôi đặt ra với tỉnh Vĩnh Phúc trong bối cảnh Trung Quốc đang ngang nhiên kéo giàn khoan 981 xâm phạm trái phép lãnh hải Việt Nam nên được rất nhiều cấp, ngành của tỉnh quan tâm. Sau đó, cô giáo Tâm được chuyển về dạy hợp đồng vô thời hạn tại Trường THCS thị trấn Yên Lạc, cách nhà chừng hơn 1 cây số, được đóng bảo hiểm xã hội.
Nghe Vũ kể, từ đó đến nay, liên tục năm nào cô giáo Tâm, vợ anh, cũng được bình xét lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua. Niềm vui ánh lên trên gương mặt vợ chồng Vũ khi họ mang con đến chơi nhà khiến mọi người trong gia đình tôi cũng vui lây.
Cuộc sống nhà Vũ dần được cải thiện, họ bảo nhau lên kế hoạch đẻ thêm đứa nữa. Rồi tai họa lại giáng lên đầu họ khi đột nhiên cháu bé thứ hai là Lê Thành Đô mới được hơn 1 tuổi không may bị chiếc ti vi của một bệnh viện đổ ụp lên đầu. Cả nhà phải tá hỏa lo chữa chạy cho con hàng tháng trời tại nhiều bệnh viện từ địa phương đến trung ương phẫu thuật tạo hình lại hộp sọ.
Sau hơn 7 tháng dòng chữa trị, cháu Đô dần được hồi phục, song sức khỏe vẫn còn rất yếu do tổn thương quá lớn sau tai nạn. Hiện bé Đô đã được hơn 20 tháng tuổi vẫn chưa thể tự đi lại được. Phận nghèo lại càng nghèo thêm…
Thầy Đàm Thành Đông, Hiệu trưởng Trường PTCS thị trấn Yên Lạc kể lại: “Những ngày đó, các giáo viên trường chúng tôi tự nguyện thay nhau dạy hộ cô giáo Tâm để cô yên tâm theo chăm sóc con. Chúng tôi vẫn thanh toán nguyên lương và giữ vững thành tích thi đua cho cô. Ngoài ra, trường còn tổ chức quyên góp của ít lòng nhiều hỗ trợ gia đình cô vượt qua đận khó khăn này”.
Mẹ, vợ và con trai - hậu phương của quân nhân Lê Thành Vũ. Ảnh: Trần Ngọc Kha
Áp Tết năm nay, tôi lại được dịp ghé thăm nhà Vũ, vẫn không gặp anh. Anh đang mải mê với công việc của người lính đảo nơi biên cương Tổ quốc, để lại ở nhà mẹ già, vợ trẻ và hai con nhỏ dại. Đứa con thứ hai của anh vừa phải trải qua những đợt phẫu thuật não, điều trị dài ngày sau chấn thương, đang trong thời kỳ hồi phục. Đôi chân cháu có nguy cơ không hồi phục chức năng được như trước…
Vẫn căn nhà cấp bốn tuềnh toàng, trống huơ trống hoác. “Vũ còn một người anh trai sắp ra Trường Sa đấy. Nó đang tập kết ở Khánh Hòa”. Nghe bà Diệp nói một cách bình thản, tôi lặng đi giây lát, nhìn thật sâu vào khóe mắt người mẹ này rồi lướt quanh, dừng lại ở bức ảnh cưới của vợ chồng anh Lê Minh Hải. Bấy lâu nay, tôi mới chỉ biết nhà bà Diệp có một người con trai là Lê Thành Vũ đang chốt giữ tiền tiêu nơi đảo Bạch Long Vĩ, nào ngờ…
Bà Diệp kể rằng: “Hải sinh năm 1973, nhập ngũ năm 1991. Cả hai con trai tôi đều được đào tạo lái xe tăng và điều động về công tác tại Quân chủng Hải quân. Tết năm ngoái, Hải đón Tết ở Đảo Trường Sa Lớn và năm nay, nó nói với mẹ sẽ đón Xuân tại đảo Sơn Ca cùng đơn vị. Tết này có lẽ là cái Tết đặc biệt nhất, các con trai tôi được Đảng và Nhà nước phân công đi làm nhiệm vụ chốt cắm ở những nơi tiền tiêu quan trọng của Tổ quốc. Đây với gia đình chúng tôi là một vinh dự, tự hào vô cùng lớn lao. Chỉ mong sao cho anh em nó mạnh khỏe, công tác tốt, lập nhiều thành tích cao. Còn tôi ở nhà đã có bà con, làng xóm…”.
Mẹ Diệp mồ côi bố lúc mới 5 tuổi. Chồng mất sớm, ở vậy một mình nuôi dạy 3 con khôn lớn. Tuổi già chẳng thể nói trước điều gì, nhất là với người như mẹ Diệp đang mang trong mình nhiều trọng bệnh. Vậy mà mẹ vẫn không chút nghĩ về mình, cho mình…
Ông Nguyễn Văn Cường, Chỉ huy quân sự thị trấn Yên Lạc, cho biết: Các anh con trai nhà bà Diệp là 2 trong số 7 người con của thị trấn Yên Lạc hiện đang ngày đêm canh gác tại các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Chủ tịch thị trấn Yên Lạc Dương Bá Quyền cho hay: “Trong số này, các anh Hải và Vũ là những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhất. Hàng năm trong những kỳ lễ, Tết, thị trấn chúng tôi vẫn tổ chức đoàn thăm hỏi tặng quà cho các gia đình thuộc diện chính sách. Tuy vậy, tình trạng neo đơn của bà Diệp vẫn rất cần sự quan tâm hơn nữa của mọi người”.
Xuân đang về trước ngõ. Trong đoàn người trở về nhà cùng xuân hôm nay, thiếu bóng các anh. Và, Xuân về, Tết đến có những người dường như đã “quen thuộc” với sự thiếu vắng hơi ấm của những người chồng, người con khoác áo lính đang gìn giữ biên cương. Các anh đang nhận về mình sứ mệnh cao cả, trọng trách thiêng liêng mà Tổ quốc, nhân dân giao phó, không mảy may suy tính, để mỗi thời khắc giao thừa trở về, Tổ quốc lại nở hoa…
Trần Ngọc Kha
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền