Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trần Kiên
Thứ ba, 12/10/2021 - 06:36
(Thanh tra)- Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động khi tuổi về già. Vì vậy, tạo đột phá để mở rộng đối tượng người tham gia, hướng tới BHXH toàn dân là điều hết sức quan trọng.
Nhân viên BHXH tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh nguồn: baoquangnam.vn
Đổi mới thiết thực, mục tiêu cụ thể
Theo Luật BHXH năm 2014, BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc qua đời, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.
Chính sách BHXH hiện đang thực hiện với hai loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.
Cụ thể, BHXH bắt buộc áp dụng với người lao động có quan hệ lao động (làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên). Chính sách này có 5 chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Trách nhiệm đóng góp được quy định thuộc về cả người lao động và người sử dụng lao động.
Còn BHXH tự nguyện áp dụng với người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Do không có quan hệ lao động theo hợp đồng nên trách nhiệm đóng góp thuộc về người lao động.
Theo BHXH Việt Nam, chính sách BHXH tự nguyện đã đem lại lợi ích rất rõ, đó là cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận chính sách hưu trí - lương hưu khi về già.
Đặc biệt, với những người tham gia BHXH bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện về thời gian đóng góp, thì thay vì chỉ được hưởng BHXH một lần như trước đây, có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu.
Người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH phù hợp với điều kiện tài chính của mình.
Hiện mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (700.000 đồng/tháng, khi đó, mức đóng chỉ là 154 nghìn đồng/người/tháng) và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (với mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng, mức đóng là 6,556 triệu đồng/người/tháng).
Người tham gia cũng có thể lựa chọn phương thức đóng rất linh hoạt: Hàng tháng, hàng quý, sáu tháng, hàng năm hoặc đóng một lần cho nhiều năm.
Ngoài các quyền lợi về lương hưu hàng tháng được xác định dựa trên mức đóng và thời gian tham gia của người lao động, mức lương hưu tiếp tục được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt, tăng trưởng kinh tế và khả năng cân đối của quỹ BHXH từng thời kỳ.
Đáng chú ý, từ ngày 1/1/2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, với 3 mức hỗ trợ: 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo; và 10% đối với các đối tượng còn lại.
Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH xác định rõ định hướng phát triển BHXH đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội vào năm 2030.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, Nghị quyết 28 của Trung ương đặt ra chỉ tiêu rất cao nhưng Việt Nam tin tưởng sẽ đạt được vì có cơ sở thực tiễn.
Đơn cử năm 2020, cả nước có 16.176.180 người tham gia BHXH, đạt 32,8% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 414.035 người so với năm 2019. Trong đó, tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện đạt 2,28% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 28 đề ra.
Tăng tính hấp dẫn cho chính sách
Dù đã đạt được những đột phá bước đầu, nhưng theo đánh giá của BHXH Việt Nam, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH vẫn còn có những hạn chế nhất định, gây khó khăn trong việc mở rộng đối tượng người tham gia. Đơn cử, chính sách BHXH hiện hành còn bỏ sót một số nhóm có nhu cầu và có khả năng, song chưa được luật hóa để tham gia.
Để tăng độ bao phủ, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, BHXH các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai kế hoạch, chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia, giảm nợ đọng.
Theo ông Liệu, nếu không có sự chuyển đổi, thời gian tới, số lượng người già, người lao động hết tuổi lao động không được hưởng BHXH là rất lớn, sẽ tạo áp lực, gánh nặng cho gia đình, xã hội, tác động tiêu cực đến chính sách an sinh xã hội nói riêng và nền kinh tế - xã hội nói chung của đất nước.
“Những thách thức nêu trên đặt trong bối cảnh nước ta tiếp tục chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp bị phá sản, thu nhập của người dân, người lao động giảm… chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho việc mở rộng diện bao phủ BHXH”, ông Liệu cho hay.
Đáng lưu ý, nguy cơ đứt gãy thị trường lao động đang hiện hữu, hàng triệu người lao động ở các tỉnh phía Nam đang trở về quê, rời bỏ thị trường lao động, chấm dứt tham gia BHXH… càng đặt ra thách thức lớn trong thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của ngành BHXH Việt Nam.
Chuyên gia Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, Nhà nước cần có quy định mở rộng về người tham gia BHXH bắt buộc với người lao động có thu nhập bình quân tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương tối thiểu vùng.
Mặt khác, theo ông Lợi chính sách BHXH cần làm rõ sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, giúp người lao động được cộng nối thời gian tham gia BHXH và cách tính lương hưu là giống nhau, để tránh tình trạng nhận BHXH một lần khi rời khỏi khu vực tham gia bắt buộc.
Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam cũng lưu ý, BHXH Việt Nam cần bám sát các định hướng, chỉ đạo của Nghị quyết số 28 của Trung ương để có các giải pháp kịp thời, đa dạng, linh hoạt, tiếp cận rộng rãi tới mọi tầng lớp người dân.
Về phía BHXH Việt Nam, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ để các dịch vụ của ngành càng gần gũi, tạo thuận lợi cho người tham gia thụ hưởng chính sách, cơ quan này sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, nhất là BHXH tự nguyện.
Theo đó, BHXH Việt Nam kiến nghị giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm; tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt (như chế độ ốm đau, thai sản…) để tăng tính hấp dẫn cho BHXH tự nguyện…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...
Văn Thanh
12:44 22/11/2024(Thanh tra) - Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Mường Ảng (Điện Biên) phát huy hiệu quả nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giúp diện mạo các địa bàn còn nhiều khó khăn đổi thay, tạo sinh kế, việc làm… giúp cải thiện đời sống Nhân dân, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 22,13%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 18,04%.
Trần Trung
11:43 22/11/2024Thái Hải
11:24 22/11/2024Ngọc Phó
10:36 22/11/2024Kim Thành
21:13 21/11/2024Hoàng Nam
16:03 21/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân