Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Biến các cơ quan văn hóa thành “cát cứ” kinh doanh

Thứ sáu, 04/10/2019 - 06:33

(Thanh tra)- Các cơ quan văn hóa như: Trung tâm Văn hóa tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh), Thư viện tỉnh, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (gọi tắt là Bảo tàng tỉnh) được UBND tỉnh Bình Định đầu tư xây dựng hàng chục tỉ đồng, để phục vụ các tầng lớp nhân dân học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa nhưng đã và đang biến tướng để kinh doanh trái quy định của pháp luật, có dấu hiệu lợi dụng tài sản công để thu lợi bất chính, cần phải làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật…

Thư viện tỉnh Bình Định lại có một quán cà phê lớn nằm hiện hữu và lọt trong khuôn viên mang tên “Góc phố dịu dàng”. Ảnh: PV

“Xẻ thịt” cho thuê làm quán cà phê, bãi giữ xe

Trung tâm Văn hóa tỉnh, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh của Bình Định đang bị chính cơ quan chủ quản, lợi dụng việc quản lý “xẻ thịt” cho thuê mặt bằng không đúng mục đích, chức năng, từ đó làm cho công năng của các thiết chế văn hóa bị lạm dụng, thay đổi, không đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân.

Ở vị trí “đắc địa” nằm trên trục đường ngay trụ sở UBND tỉnh Bình Định, giao nhau với đường Trần Phú, đường Hai Bà Trưng và Bà Triệu, song Thư viện tỉnh lại có một quán cà phê lớn nằm hiện hữu và lọt trong khuôn viên mang tên “Góc phố dịu dàng”.

Theo quan sát của phóng viên, quán cà phê này tự lập hàng rào chắn đường đi, chỉ để một lối nhỏ cho bạn đọc trong khuôn viên của Thư viện tỉnh. Không những vậy, một số phòng làm việc của Thư viện tỉnh đã trở thành chỗ ở của nhân viên quán cà phê. Thêm vào đó, khoảng diện tích phía trước và sau trong khuôn viên Thư viện tỉnh cũng trở thành bãi đậu đỗ xe ô tô các loại.

Còn Bảo tàng Tổng hợp tỉnh nằm trên trục đường Nguyễn Huệ chạy song hành với đường Xuân Diệu, là địa điểm tham quan lý tưởng cho du khách, tìm hiểu di sản văn hóa Bình Định phục vụ người dân, cũng như gắn kết phục vụ phát triển du lịch. Thế nhưng, “án ngữ” mặt trước Bảo tàng tỉnh là hai quán cà phê, lấn cả không gian trưng bày một số hiện vật ngoài trời (xe tăng, pháo, súng thần công…) trong đó, một quán có tên “BaTA’S COFFEE”.

Đối với Trung tâm Văn hóa tỉnh nằm vị trí rất đắc địa, ngay ngã tư các tuyến như Mai Xuân Thưởng, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong… giao nhau với các đường huyết mạch chính trong trung tâm thành phố, gần một nửa diện tích bị “bủa vây” bởi các dịch vụ kinh doanh gồm: Quán cà phê Hội quán Văn hóa - Du lịch (có phòng cà phê lạnh), Câu lạc bộ (CLB) Eva Hiếu, CLB Yoga Quang Trung, Cà phê Solar…

Nói về việc lấy mặt bằng cho thuê làm quán cà phê, bãi giữ xe, ông Võ Văn Nhiếng, Giám đốc Thư viện tỉnh lý giải: Quán cà phê mang tên “Góc phố dịu dàng” chỉ là căng tin phục vụ cho bạn đọc để giải khát. Gần 10 năm nay, cơ quan đã ký hợp đồng cho thuê từng năm một (12 triệu đồng/năm) với bà Võ Thị Ngọc Vân, với diện tích khoảng 100m2. Riêng bãi giữ xe ô tô, cơ quan cũng tận dụng diện tích phía sau để trống, nên đã cho khoảng 10 chiếc làm chỗ đậu (khoảng 3-5 năm), với giá 300 nghìn đồng/chiếc/tháng.

Án ngữ mặt trước Bảo tàng tỉnh là quán cà phê có tên “BaTA’S COFFEE”, lấn cả không gian trưng bày một số hiện vật ngoài trời. Ảnh: PV

Còn ông Bùi Tĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh cho biết: Quán cà phê này đã có từ những “đời” nhiệm kỳ trước, giờ tôi chỉ ký lại thôi. Cơ quan đã lấy một phần đất trong khuôn viên với khoảng 100m2, để ký hợp đồng cho thuê từng năm một (7 triệu đồng/tháng), với bà Lê Thị Hoàng Oanh (Chủ doanh nghiệp thương mại Ba Miên).

Còn ông Mai Ngọc Thinh, Phụ trách Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh khẳng định: Trước đây, Trung tâm Văn hóa tỉnh được đầu tư xây dựng mới và đi vào hoạt động năm 2008. Kể từ thời điểm đó, cơ quan đã bắt đầu lấy mặt bằng trong trung tâm cho thuê. Hiện nay, cơ quan đã ký hợp đồng cho thuê từng năm với 3 đơn vị. Trong đó, từ năm 2016 ký hợp đồng cho thuê với doanh nghiệp Thương mại-Dịch vụ GSM, mang tên Hội quán Văn hoá-Du lịch (30 triệu đồng/tháng); khoảng năm 2010 ký hợp đồng với CLB Eva Hiếu (10 triệu đồng/tháng); năm 2016 ký hợp đồng với CLB Yoga Quang Trung (5 triệu đồng/tháng).

Đương nhiên, việc Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh và Trung tâm văn hóa tỉnh “xẻ thịt” cho các tổ chức, cá nhân thuê cũng có nhiều điều đáng nói. Báo Thanh tra sẽ phản ánh trong số báo tiếp theo.

Lập đề án “đen”, khai khống thời gian cho thuê

Tại đề án sử dụng tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt, cũng như các biên bản hợp đồng cho thuê được thể hiện thiếu trùng khớp, không minh bạch giữa thực tế cho thuê với các hợp đồng.

Cụ thể, Thư viện tỉnh đã ký hợp đồng cho bà Võ Thị Ngọc Vân, sử dụng diện tích 100m2 trong khuôn viên với thời gian 3 năm (từ 1/1/2019 đến 31/12/2021) để bán cà phê, nước giải khát.Bảo tàng tỉnh đã bắt đầu ký hợp đồng cho bà Lê Thị Hoàng Oanh (Chủ doanh nghiệp thương mại Ba Miên) từ ngày 22/12/2014, sử dụng diện tích 50m2 trong khuôn viên cho đến hiện nay, trong đó đã trải qua lần thứ hai ký hợp đồng vào ngày 14/2/2017.

Điều đáng nói, riêng Trung tâm Văn hóa tỉnh lại thể hiện tài chính thiếu tính minh bạch trong hợp đồng cho thuê. Trung tâm này đã lấy diện tích tại mặt bằng cơ quan, để ký 7 hợp đồng cho các doanh nghiệp và cá nhân thuê. 

Gần một nửa diện tích Trung tâm Văn hóa tỉnh lại bị “bủa vây” bởi các dịch vụ kinh doanh như: Quán cà phê Hội quán Văn hóa-Du lịch (có phòng cà phê lạnh). Ảnh: PV

Cụ thể, đã ký hợp đồng cho doanh nghiệp Thương mại-Dịch vụ GSM với thời gian “dài hơi” (từ năm 2017-2018 đến năm 2025-2027), sử dụng diện tích 709,34m2, với giá thuê là 236,1 triệu đồng/tháng; ký hợp đồng cho CLB Eva Hiếu thuê mặt bằng một năm (1/1/2018 đến 31/12/2018), sử dụng diện tích 200m2, với giá thuê là 43,6 triệu đồng/tháng; ký hợp đồng cho CLB Yoga Quang Trung thuê mặt bằng 4 tháng (1/1/2018 đến 29/4/2018), sử dụng diện tích 64,44m2, với giá thuê là 77,6 triệu đồng/tháng; ký hợp đồng cho Công ty TNHH QC Hội trợ triển lãm Thạc Đức thuê mặt bằng một năm (1/1/2018 đến 31/12/2018), sử dụng diện tích 57m2, với giá thuê là 35,1 triệu đồng/tháng; ký hợp đồng cho CLB Huyền Nhi thuê mặt bằng một năm (1/1/2018 đến 31/12/2018), sử dụng diện tích 30m2, với giá thuê là 70,6 triệu đồng/tháng; ký hợp đồng cho cá nhân Nguyễn Văn Quảng thuê mặt bằng một năm (từ 1/1/2018 đến 31/12/2018), sử dụng diện tích để làm bãi giữ xe, với giá thuê là 6 triệu đồng/năm; ký hợp đồng cho kho để báo (từ 1/1/2018 đến 31/12/2018), với giá thuê 14,4 triệu đồng/năm.

Ngày 13/5/2019, Sở Tài chính Bình Định có Công văn số 1136/STC-QLGCS về việc thẩm định “Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết của các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa Thể thao (VHTT)”. Theo đó, Sở Tài chính đã yêu cầu Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh (Sở VHTT Bình Định) làm rõ mục đích cho thuê tài sản công và việc cho thuê này đảm bảo phù hợp theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 144/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Trước đó, ngày 31/1/2019, Sở Tài Chính Bình Định có Công văn số 266/STC-QLGCS gửi UBND tỉnh báo cáo tình hình sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; cũng như kèm theo phụ lục của Sở Tài chính cho ý kiến về việc một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VHTT Bình Định ký hợp đồng cho thuê tài sản công không đúng quy định và đề nghị chấm dứt hợp đồng.

Dư luận cho rằng, việc các thiết chế văn hóa tại tỉnh Bình Định được đầu tư xây dựng từ ngân sách của tỉnh, với kinh phí hàng chục tỉ đồng, nằm ở những vị trí đắc địa của trung tâm TP Quy Nhơn, nhằm tạo sân chơi bổ ích, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, nhưng sao lại bị chính các cơ quan quản lý về thiết chế văn hóa “xẻ thịt” tài sản công cho thuê không đúng mục đích, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngành. Không những vậy dư luận còn đặt câu hỏi, việc cho thuê tài sản công, các đơn vị có thông qua đấu giá công khai, cũng như sự thể hiện tài chính thiếu tính minh bạch trong hợp đồng cho thuê và báo cáo tài chính không đầy đủ số lượng hợp đồng đã cho thuê. Cơ quan chủ quản (Sở VHTT Bình Định) có kiểm tra, giám sát biết không hay phớt lờ?

Trao đổi với ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết: Về chủ trương cho thuê mặt bằng của Trung tâm Văn hóa tỉnh, Thư viện tỉnh, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có sẵn từ lâu. Qua phản ánh của cơ quan báo chí, chúng tôi sẽ kiểm tra lại việc cho thuê mặt bằng tại những đơn vị này có đúng hay không.

Thiết nghĩ, để không gian các thiết chế văn hóa được trả lại đúng công năng, thì cần có các cơ quan chức năng làm rõ, từ đó để nhân dân được thụ hưởng đúng mục đích về thiết chế văn hóa.

PV

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm