Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hồ Ba Bể đang trong tình trạng thê thảm!

Thứ năm, 28/04/2011 - 11:00

(Thanh tra)- Đây là ý kiến của GS.TS Phạm Vĩnh Cư, Chủ tịch Hội Những người yêu Ba Bể (NNYBB) sau chuyến khảo sát thực trạng hồ Ba Bể (Bắc Kạn) cùng GS.TS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ & Môi trường, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Tri thức; GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); TS Chu Văn Lã, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ TN&MT với báo chí vào ngày 26/4 tại Hà Nội.

Đất, đá thải trong quá trình khai thác quặng đều dẫn thẳng xuống hồ Ba Bể (Ảnh Hội NNYBB)

*Với Ba Bể, đơn thư của dân gửi cho các quan chức chính quyền hình như không còn tác dụng.

Gửi lên trời xanh lời thống thiết

“Hồ Ba Bể đã nhỏ đi, cạn đi rất nhiều so với 15 năm trước. Không thể không đau xót và phẫn uất trước thực tế này” - GS.TS Phạm Vĩnh Cư nói.

GS Cư từng đến nhiều hồ nước ngọt tên tuổi trên thế giới, nhưng khi đến hồ Ba Bể lần đầu vào năm 1994, ông đã phải sững sờ trước vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Chính điều này đã thôi thúc ông cùng những người tâm huyết khác đứng ra vận động thành lập Hội NNYBB.

Việc thành lập Hội được khởi xướng năm 1994, khi mà GS Cư và tất cả mọi người đến đây còn có thể múc nước hồ lên để uống. Tuy nhiên, các vị lãnh đạo địa phương thời ấy đã khuyên ông nên kiên nhẫn “đợi” đến lúc Bắc Kạn tách ra khỏi Thái Nguyên để có vị thế mới. Vì thế, mãi đến năm 1997, Hội NNYBB mới chính thức ra mắt. Tại buổi lễ này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn hứa với mọi người là “sẽ mãi giữ gìn hòn ngọc xanh Ba Bể”. Lời hứa ấy với GS.TS Phạm Vĩnh Cư vẫn mãi chỉ là… lời hứa vì “ở Ba Bể bây giờ, những nơi trước kia phải đi thuyền giờ đã thành… ruộng”, Chủ tịch Hội NNYBB chua chát nói.

Nhà thơ Dương Thuấn, Chủ tịch Hội Đồng hương Bắc Kạn tại Hà Nội, thành viên nhóm khảo sát cho biết: Trong vòng 40 năm, Ba Bể bị bồi lấp gần 3 hồ. Ba Bể đang bị “lấp” cả trên và dưới (trên bồi dưới lắng). Hồ nước trước kia sâu 45m giờ chỉ còn khoảng 25m. “Tôi sinh ra ở Ba Bể, tắm nước Ba Bể từ tuổi ấu thơ, nhưng giờ quay lại tôi không thể nào tin nổi sự thảm hại của nó. Không hành động nhanh thì hồ Ba Bể sẽ mất”, ông Thuấn ngậm ngùi.

Suối Bó Lù bị bồi lấp với tốc độ nhanh (Ảnh Hội NNYBB)


Theo ông Thuấn, có một thực tế không hiểu “nên vui hay nên buồn, nên mừng hay nên lo” là người dân không gửi đơn xin cứu hồ Ba Bể lên chính quyền mà gửi cho… nhà thơ như “gửi lên trời xanh lời thống thiết”! Với những gì đã và đang diễn ra ở Ba Bể “hình như người dân không còn tin vào sự giải quyết của địa phương cũng như ngành chức năng”, ông Thuấn nói.

Trong tháng 4/2011, sau khi nhận được hàng chục lá đơn đề nghị với hàng trăm chữ ký của người dân các bản thuộc xã Quảng Bạch và xã Đồng Lạc  (huyện Chợ Đồn) đề nghị tìm cách giúp họ ngăn chặn việc khai thác các mỏ quặng vì đây là nguy cơ bồi lấp hết hồ Ba Bể,  Hội NNYBB đã thỉnh cầu các nhà khoa học tâm huyết, tổ chức khảo sát thực tế tại một số mỏ quặng ở Pù Ổ, Bản Cuôn - Khau Slăm (thuộc xã Quảng Bạch, Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn); mỏ đá thạch anh trắng (thuộc xã Quảng Khê, huyện Ba Bể), đặc biệt là các điểm đang bị bồi lấp với tốc độ chóng mặt trên hồ Ba Bể như Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tổc… Cuộc khảo sát cho thấy, có 3 hồ đã bị bồi lấp hoàn toàn sau 40 năm là hồ Pé Tàu (xã Cao Thượng), hồ Pé Vài, Pé Nản (xã Khang Ninh). Hồ Ba Bể (bao gồm hồ Pé Lẩm, hồ Pé Lù, hồ Pé Lèng) cũng bị bồi lấp trầm trọng. Trong đó, hồ Pé Lèng bị lấp với tốc độ nhanh nhất (1/3 diện tích đã bị lấp từ phía Pác Ngỏi). Hồ Pé Lù bị bồi lấp từ 2 phía là con suối Bó Lù và suối Cốc Tổc chảy từ Chợ Đồn về.

Tất cả 6 hồ nói trên đều thông nhau qua trục sông Năng và dòng sông này cũng đang hứa hẹn bị ngăn lại để xây đập thủy điện!

Muốn xem sự đánh đổi vớ vẩn thì lên Ba Bể

Sẻ chia với nhà thơ Dương Thuấn, GS.TS Chu Hảo cho biết, ông hết sức đau lòng với những gì đang diễn ra ở Ba Bể. “Ba Bể chưa bao giờ bị tàn phá một cách vô cảm, vô trách nhiệm và ráo riết như bây giờ” - GS Chu Hảo lên tiếng. Chứng kiến cảnh rừng Tam Tao đại ngàn với những thân nghiến cổ thụ bị tàn phá mà không thấy ai đứng ra ngăn chặn, GS Chu Hảo dự báo chỉ chục năm nữa, khu rừng này sẽ không còn gì. “Với Ba Bể, đơn thư của dân gửi cho các quan chức chính quyền hình như không còn tác dụng. Không biết (họ) các quan chức chính quyền sở tại vô tình hay hữu ý lãng quên hồ Ba Bể” - GS Chu Hảo đưa ra câu hỏi hoài nghi.

Một diện tích hồ đã thành ruộng ngô (Ảnh Hội NNYBB)


GS.TS Đặng Hùng Võ nói rằng, ngồi ở Hà Nội, ông cứ nghĩ báo chí nói quá lên, nhưng khi lên đến Ba Bể mới thấy “hệ thống quản lý ở địa phương đang ở trạng thái vô thức và cũng có thể nói là vô cảm vì coi đó không phải việc của mình”. Ông Võ bức xúc: “Muốn giàu thì phải đánh đổi, nhưng người khôn ngoan phải biết lấy cái gì ra mà đánh đổi. Ai muốn nhìn cái đánh đổi vớ vẩn nhất thì cứ lên đấy (Ba Bể) mà xem”!

Ông Võ cho biết, nhóm khảo sát của ông được “khuyến khích” cho quay phim mỏ quặng thoải mái vì đã được cấp phép khai thác. Theo ghi nhận của GS Đặng Hùng Võ, nước, đất đá thải của toàn bộ quá trình khai thác quặng đều dẫn thẳng xuống hồ Ba Bể mà không có biện pháp xử lý gì. Với thực tế của Ba Bể hiện nay: “Muốn nói ai đó sai thì cũng khó, tuy nhiên chắc chắn phải có lỗ hổng nào đó thuộc về các cấp, ngành quản lý và chính quyền”. “Chúng ta đã đánh đổi cái quý giá nhất ở Bắc Kạn là hồ Ba Bể nhưng thuế thu vào không bao nhiêu. Không thể có thực tế phũ phàng như thế này được” - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ nói một cách đau xót.

Không chỉ có môi trường bị hủy hoại, GS Đặng Hùng Võ còn nhìn vấn đề ở những mất mát lớn lao khác. “Lên Bắc Kạn, tôi chứng kiến cảnh đồng bào dân tộc bực mình với khai thác quặng. Nước sạch thành nước bẩn, lúa chết, ruộng hỏng, ô nhiễm vào tận sân nhà, nhưng con cái của đồng bào vẫn phải đi làm thuê cho nhà khai thác. Tôi cho rằng, dường như văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc đang bị xâm hại cùng với môi trường ở Ba Bể” - GS Đặng Hùng Võ nhận định.
     

      Dương Thanh Tùng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

(Thanh tra) - Ngày 13/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản về việc kiểm tra việc huy động vốn tại Dự án (DA) Khu dân cư và dịch vụ (KDC&DV) Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Cty Sài Gòn Thành Đạt) làm chủ đầu tư.

P. B

16:05 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm