Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quyết liệt phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Thứ ba, 15/08/2017 - 06:22

(Thanh tra)- Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang lây lan trong cộng đồng khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 81.000 trường hợp mắc SXH, đã có 22 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 (51.742/17 ca), số ca mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp.

Bệnh nhân SXH đang được điều trị tại BV Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: PA

Đáng chú ý, Hà Nội là thành phố có số ca tử vong cao nhất. Tính đến ngày 12/8, số ca mắc SXH tích lũy tại Hà Nội gần 15.400 ca, trong khi 2 ngày trước đó là hơn 13.900 ca, với 7 ca tử vong. Tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội như: BV E, Bệnh nhiệt đới T.Ư, Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai, BV Đống Đa, BV Hà Đông... số người đến khám và nhập viện do SXH tăng vọt.

Theo các chuyên gia y tế, sự nguy hiểm của SXH ở chỗ bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. 

Mặt khác, bệnh SXH do vi rút Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh SXH lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dịch bệnh tại Hà Nội đang tăng nhanh, tăng cao và xảy ra trên diện rộng, nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát, lan rộng và kéo dài.

Ngày 14/8, toàn TP Hà Nội đã phun hóa chất diệt muỗi chống dịch SXH bằng các hệ thống máy diệt muỗi mượn từ các tỉnh khác cộng với 2 máy có sẵn của Hà Nội. Trong đó, chú trọng đến các khu vực trọng điểm như BV, chợ, trường học, các bãi đất kẹt. Phun thuốc diệt muỗi sẽ không thể dập dịch hoàn toàn nếu vẫn tồn tại các ổ lăng quăng, bọ gậy trong các hộ gia đình. Do vậy, điều quan trọng nhất trong phòng chống dịch SXH là người dân phải chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách lật úp hoặc che đậy kín các dụng cụ chứa nước trong gia đình. 

Được biết, trước tình hình dịch SXH lan rộng, Cục Y tế dự phòng đã thành lập 3 đội chống dịch cơ động ứng phó với dịch bệnh SXH. Kích hoạt văn phòng đáp ứng khẩn cấp về phòng, chống dịch bệnh để đáp ứng dịch bệnh SXH. Ngành Y tế đã tổ chức 7 đoàn kiểm tra đi chỉ đạo 14 tỉnh trọng điểm. Trong đó đã có đoàn kiểm tra của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế đi kiểm tra Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm 2017.

Theo dự báo, thời gian tới dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp do đang trong thời điểm mùa dịch và điều kiện thời tiết thuận lợi cho véc tơ phát triển. Để làm tốt công tác phòng dịch, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo toàn ngành thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh, TP và các bộ, ngành tăng cường phòng, chống bệnh SXH. Chỉ đạo UBND TP Hà Nội tiếp tục đồng loạt ra quân triển khai chiến dịch diệt bọ gậy/loăng quăng. Đồng thời cử 4 đoàn của 2 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện SR-KST-CT Trung ương tăng cường hỗ trợ cho 4 quận của Hà Nội.

Bộ Y tế yêu cầu các BV tăng cường nhân lực, sắp xếp bố trí thêm giường bệnh, vật tư y tế… để điều trị bệnh cho bệnh nhân được tốt nhất. 

Ngành Y tế khuyến cáo người dân, nếu bị mắc bệnh cần đến ngay cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất theo hướng dẫn của cán bộ y tế và nhập viện khi cần thiết. Không nên tập trung vào nơi có nguy cơ lây chéo, khiến bệnh nhẹ thành nặng…

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

(Thanh tra) - Công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề dân số thực tiễn phát sinh đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Phương Anh

21:31 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm