Theo dõi Báo Thanh tra trên
Phương Anh
Thứ năm, 30/03/2023 - 06:35
(Thanh tra)- Bộ Y tế cho biết, 5 năm trở lại đây, quá trình xã hội hóa diễn ra ngày càng mạnh với sự xuất hiện của nhiều đơn vị y tế tư nhân, tạo nhiều cơ hội hơn cho nhân lực y tế nói chung, đặc biệt là nhân lực y tế có chuyên môn cao. Khi tìm được cơ hội, nhân viên y tế sẽ dịch chuyển sang khu vực y tế tư nhân. Trước tình trạng này, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giữ chân nhân lực y tế khu vực công.
Ảnh minh hoạ: Internet
Y tế công hoạt động hiệu quả chưa cao
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của tình trạng này do một số đơn vị sự nghiệp y tế công lập hoạt động hiệu quả chưa cao, đồng thời, để tạo ra sự thay đổi ở khu vực công đòi hỏi phải có sự đồng bộ của cả hệ thống chính trị, dẫn đến một số nhân lực y tế không làm được như kỳ vọng. Do đó, việc dịch chuyển nhân lực y tế từ khu vực công sang khu vực tư diễn ra khá tự nhiên, phổ biến ở các thành phố, đô thị lớn. Ranh giới công, tư dần không còn rõ nét.
Đáng lưu ý, xu hướng xã hội hóa ngày càng mạnh mẽ và sự tham gia của tư nhân ngày càng tăng lên, dẫn đến cạnh tranh trong thu hút nhân tài ngày càng gay gắt.
Cạnh tranh về thu nhập không phải là yếu tố ảnh hưởng tiên quyết đến chuyển dịch nhân lực y tế, có trường hợp nhân lực y tế có chất lượng cao từ chối không về làm cho các đơn vị công lập dù cơ hội có thu nhập cao, thậm chí tốt hơn rất nhiều so với khu vực tư.
Trả lời báo chí về tình trạng dịch chuyển nhân lực từ công sang tư, Bộ Y tế chỉ ra một số nguyên nhân như: Áp lực công việc trong khu vực công cao. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn khi số lượng ca mắc mới tăng, đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TP HCM và một số tỉnh phía Nam…
Thu nhập ở các đơn vị y tế công lập thấp hơn so với tư nhân. Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sỹ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập vì mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.
Trong khi các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, thì các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ chân, trọng dụng viên chức y tế trình độ chuyên môn giỏi…
Ngoài ra, do ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua, dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng. Thiếu thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật cao, thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các vật tư tiêu hao, các dụng cụ, trang thiết bị thông thường…
Đề xuất cho phép tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, tăng thu cho bệnh viện
Để giữ chân nhân lực y tế khu vực công, thời gian qua, Bộ Y tế đưa ra nhiều giải pháp như: Động viên tinh thần, tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của viên chức y tế. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Huy động nhân lực từ các địa phương, đơn vị để hỗ trợ và giảm áp lực cho cán bộ, viên chức y tế nơi có dịch bệnh xảy ra, huy động nhân lực y tế, kể cả nhân lực y tế làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân. Quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế. Xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…
Mới đây, ngày 15/2/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, trong đó, nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên mức 100%. Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023.
Đồng thời, chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp cần tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, dân chủ, xây dựng văn hóa công sở, tạo điều kiện cho viên chức y tế gắn bó, tự hào về nghề nghiệp và tự hào về đơn vị công tác.
Bộ Y tế đề nghị Chính phủ cho phép tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, làm cơ sở để động viên, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế, nhất là tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên.
Cùng với đó, Chính phủ có chính sách chưa thực hiện giảm số lượng người làm việc (giảm biên chế sự nghiệp) của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, cho phép tăng định mức số lượng người làm việc tối thiểu tại trung tâm y tế huyện, tại trạm y tế xã, điều chỉnh số lượng người làm việc tại trạm y tế xã theo quy mô dân số, giúp các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nhất là y tế cơ sở có đủ nguồn nhân lực làm việc cần thiết, giảm cường độ làm việc cho cán bộ, viên chức ngành Y tế.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đánh giá chung việc thực hiện môi trường không khói thuốc trên địa bàn, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết công tác này còn gặp khó khăn do việc mua bán thuốc lá diễn ra khá dễ dàng, phổ biến, các địa điểm cấm hút thuốc lá thường không đủ lực lượng giám sát, nhắc nhở cũng như không có thẩm quyền xử phạt…
Phương Anh
20:59 22/11/2024(Thanh tra) -Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn có cơ hội trà trộn vào thị trường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Phương Anh
20:58 22/11/2024Phương Anh
15:41 22/11/2024Phương Anh
21:05 21/11/2024Hương Giang
15:59 21/11/2024Phương Anh
14:35 21/11/2024Trần Kiên
Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh