Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khẩn cấp phòng, chống các chủng cúm gia cầm độc lực cao trên người

Thứ sáu, 03/03/2017 - 18:50

(Thanh tra)- Trước diễn biến bất thường của dịch cúm chết người A/H7N9, sáng 3/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi họp khẩn nhằm tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng chống các chủng cúm gia cầm độc lực cao trên người.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm mắc bệnh

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, hiện dịch cúm gia cầm đang lây lan mạnh mẽ ở Trung Quốc, đặc biệt là ở một số tỉnh giáp biên giới phía Bắc nước ta.

Theo ghi nhận của WHO, từ tháng 10/2016 đến nay, tại Trung Quốc đã ghi nhận gần 500 trường hợp cúm A/H7N9 ở người, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, nguy cơ virus gia cầm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam là rất cao nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống.

Tại Việt Nam, từ năm 2013 đến nay, ngành Y tế đã chủ động triển khai tích cực việc giám sát thông qua giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm cúm quốc gia và đến nay chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên gia cầm cũng như trên người.

Tại cuộc họp, đại diện Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến nay mặc dù không ghi nhận các trường cúm A(H5N1) trên người, nhưng dịch vẫn lưu hành trên đàn gia cầm qua các năm. Gần đây nhất, trong năm 2016, tại nước ta đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm tại 7 xã, phương của 6 huyện, thị xã thuộc 3 tỉnh, thành phố: Nghệ An, Cần Thơ và Cà Mau.

Trong thời gian đầu năm 2017, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục ghi nhận rải rác ở các địa phương, hiện nay cả nước có các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 15 hộ chăn nuôi thuộc 11 xã của 7 tỉnh là Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ngãi chưa qua 21 ngày.

Tại Nam Định, dịch cúm gia cầm A/H5N1 tiếp tục xảy ra ở 8 hộ chăn nuôi của 3 xã thuộc huyện Vụ Bản và Trực Ninh, tổng số gia cầm phải tiêu hủy lên tới trên 9.100 con (trong đó, 8.930 con vịt, 240 con gà). Hiện, Nam Định còn 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại các hộ chăn nuôi ở xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh chưa qua 21 ngày, địa phương đang nỗ lực khoanh vùng dập dịch.

Theo nhận định của Cục Thú y về tình hình dịch cúm gia cầm thì nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, AH5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống Cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lo ngại khi mà cúm A/H7N9 trên gia cầm triệu chứng lâm sàng không điển hình nên dễ lơ là chủ quan. Người dân có thể giết mổ, ăn uống gia cầm tưởng lành nhưng thực tế lại mang mầm bệnh. Trong khi đó, chủng cúm này có tỉ lệ tử vong cao.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, sự xâm nhập của chủng cúm chết người này là hoàn toàn có thể. Vì tại Trung Quốc, mức độ của dịch tăng nhanh về số lượng mắc, quy mô. Các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông giáp đường biên giới Việt Nam đều xuất hiện ca mắc. Đài Loan đã có ca mắc biến chúng đã tử vong. Canada cũng có ca mắc cúm A/H7N9. Chưa kể, gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vẫn còn phức tạp.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Hà Nội giám sát chợ Hà Vỹ vì gia cầm tiêu thụ ở đây lớn, giá gia cầm giảm xuống càng kích thích cho việc nhập lậu. Yêu cầu bộ đội biên phòng tăng cường kiểm soát gia cầm nhập lậu qua đường mòn. Trang bị bảo hộ cho cán bộ chiến sĩ, tránh việc tiếp xúc, lây từ gia cầm.

Để phòng chống dịch, bệnh cúm gia cầm lây sang người, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần tuân thủ nguyên tắc không ăn các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y trên địa bàn xử lý. Nếu thấy có các biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở liên quan đến gia cầm thì đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Phương Anh

19:32 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm