Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 19/04/2019 - 06:31
(Thanh tra)- Hằng năm, những người nghiện thuốc lá đã bỏ ra hàng tỷ đồng để mua thuốc lá hút. Ngay sau đó họ cũng phải chi rất nhiều tiền cho chi phí điều trị ốm đau, bệnh tật do thuốc lá gây ra và do mất khả năng lao động. Đáng nói, nhiều bệnh nhân biết thuốc lá độc hại, đang bị bệnh do thuốc lá gây ra nhưng vẫn không từ bỏ được.
Gánh nặng bệnh tật
Không chỉ rước các bệnh về hô hấp, tim mạch, ung thư… cho bản thân mà người hút thuốc còn mang bệnh cho người thân và những người xung quanh hút thụ động bởi trong làn khói này có chứa khoảng 7.000 chất độc.
So sánh với các nguy cơ khác, nguy cơ tử vong sớm do hút thuốc lá là rất cao. Một nửa những người thường xuyên hút thuốc bị chết sớm do sử dụng thuốc lá và một nửa trong số này chết ở độ tuổi trung niên, mất khoảng từ 15 - 20 năm của cuộc sống.
Sử dụng thuốc lá gây ra chi phí khổng lồ cho chăm sóc y tế cho những người bị bệnh do hút thuốc lá, cộng thêm tổn thất do giảm hoặc mất khả năng lao động, do hỏa hoạn và những tổn hại cho môi trường. Trên toàn thế giới, ước tính mỗi năm sử dụng thuốc lá gây thiệt hại khoảng 500 tỷ USD.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm, thuốc lá là nguyên nhân gây ra cái chết của hơn 7 triệu người, 80% trong số những người này sống ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình.
Các nghiên cứu của một số tổ chức y tế Hoa Kỳ theo dõi hơn 1 triệu người Mỹ trưởng thành cũng cho thấy, ở những người hút thuốc, nguy cơ tử vong do mắc bệnh ung thư phổi ở tuổi trung niên cao gấp 20 lần so với người không hút thuốc; nguy cơ tử vong do mắc bệnh tim mạch, bao gồm cả suy tim, đột quỵ cao gấp 3 lần.
Đồng thời hút thuốc lá cũng là nguyên nhân hàng đầu của các căn bệnh viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các ung thư khác như bàng quang, thận, thanh quản, miệng, tụy, dạ dày.
Thống kê cho thấy, tử vong do sử dụng thuốc lá đã từng phổ biến ở nam giới tại các nước có thu nhập cao. Hiện nay có xu hướng mở rộng tới phụ nữ tại các nước có thu nhập cao và nam giới tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, trong đó 7/10 số người chết do sử dụng thuốc lá là tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Điều này được lý giải bởi thực trạng sử dụng thuốc lá có xu hướng giảm tại các nước có thu nhập cao và đang có xu hướng gia tăng tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Điều đáng lo ngại là bệnh tật do thuốc lá gây ra có thể phát sinh sau một vài thập kỷ, thậm chí ngay cả khi việc hút thuốc lá trở nên phổ biến thì tổn hại tới sức khỏe có thể vẫn chưa nhìn thấy được. Vì vậy, nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện, trong thế kỷ này sử dụng thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người. Số lượng này lớn hơn bất kỳ một nguyên nhân gây tử vong nào khác.
Không chỉ có người trực tiếp hút thuốc bị bệnh mà người hút thuốc lá thụ động cũng ảnh hưởng tới sức khỏe. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc bao gồm con cái, vợ (chồng) của người hút thuốc, sống trong cùng nhà với người hút thuốc hoặc người làm việc trong môi trường có khói thuốc.
Chi nhiều tỷ đồng để hút thuốc
Hàng năm trên thế giới có khoảng 200.000 ca tử vong do phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc và có khoảng 900.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động.
Tỉ lệ hút thuốc ở nam giới ở mức 45,3%, nữ 1,1%. Mỗi năm, người Việt đã chi hơn 31.000 tỉ đồng để mua thuốc lá.
Thuốc lá chính là thủ phạm của 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguyên nhân thứ 2 gây nên các bệnh tim mạch như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...
Một nghiên cứu tại Bệnh viện K cho thấy, 90% ca ung thư phổi có hút thuốc lá. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút.
Chính sách thuế chưa đủ mạnh
Theo các chuyên gia, hiện nay chính sách thuế thuốc lá ở Việt Nam không đủ mạnh vì chỉ áp dụng cách tính thuế theo tỷ lệ phần trăm, và áp dụng giá tính thuế dựa trên giá xuất xưởng. Do đó, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện đang rất thấp, khiến cho thuốc lá ngày càng trở nên dễ mua hơn và làm gia tăng gánh nặng bệnh tật và tử vong liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam.
Việt Nam hiện áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở mức 70% giá xuất xưởng. Nếu tính theo giá bán lẻ, mức thuế này chỉ chiếm khoảng 35% giá bán lẻ thuốc lá. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%), thấp hơn đa số các nước ASEAN (Thái Lan 73%, Singapore 66%, Brunei 62%) và cách xa so với khuyến cáo của WHO (70%).
Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc từ 45,3% năm 2015 xuống 39% vào năm 2020 và đạt được các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại thuốc lá, cần áp dụng chính sách thuế thuốc lá mạnh vào năm 2019.
Việc tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế sẽ làm giảm tiêu thụ thuốc lá, giảm tử vong và tăng doanh thu thuế. Cùng với việc thực hiện toàn diện và thực thi các biện pháp kiểm soát thuốc lá khác như môi trường không khói thuốc và cấm quảng cáo thuốc lá, chính sách thuế thuốc lá mạnh hơn sẽ đem đến một thế hệ tương lai của Việt Nam không thuốc lá.
PV
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 12/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đang theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh “bí ẩn” khiến nhiều người mắc và tử vong ở Congo, trường hợp có diễn biến mới sẽ đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp.
Phương Anh
13:28 12/12/2024(Thanh tra) - Hà Nội yêu cầu kiểm tra đột xuất các cơ sở khám, chữa bệnh có gia tăng chi phí cao bất thường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lãng phí trong thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).
Hải Hà
17:09 11/12/2024Phương Anh
21:31 10/12/2024Phương Anh
08:10 09/12/2024Phương Anh
17:12 07/12/2024CB
Đông Hà
Đông Hà
Hoàng Nam
Kim Thành
Cao Sơn
Trần Kiên
Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh