Theo dõi Báo Thanh tra trên
Phương Anh
Thứ ba, 09/11/2021 - 13:24
(Thanh tra) - Việc ban hành thông tư quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 cùng với việc Bộ Y tế đang hoàn thiện và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế sẽ giúp điều chỉnh, quản lý tốt hơn về giá test xét nghiệm và giá xét nghiệm SARS-CoV-2, giúp tiết kiệm hơn cho cơ sở y tế cũng như người dân, đồng thời vẫn kiểm soát được chất lượng sinh phẩm xét nghiệm.
Theo Bộ Y tế, quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 sẽ giúp tiết kiệm hơn cho cơ sở y tế cũng như người dân, đồng thời vẫn kiểm soát được chất lượng sinh phẩm xét nghiệm. Ảnh: PA
Bộ Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ về một số nội dung liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật và giá xét nghiệm COVID-19, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn giá xét nghiệm SARS-CoV-2.
Thông tư không áp dụng đối với các trường hợp lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cộng đồng do ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 quy định tại thông tư chỉ tính chi phí trực tiếp của việc lấy mẫu bảo quản mẫu và thực hiện trả kết quả xét nghiệm và chi phí tiền lương; chưa tính chi phí khấu hao và quản lý.
Đối với xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR: Giá của một dịch vụ xét nghiệm sẽ gồm mức giá của 2 bước để thuận tiện cho quá trình thực hiện: Chi phí lấy mẫu, bảo quản bệnh phẩm; chi phí thực hiện xét nghiệm.
Bộ Y tế cho biết, do sinh phẩm hóa chất có dải giá rộng và hiện đang biến động do diễn biến dịch bệnh phức tạp cả trên thế giới và trong nước, vì vậy chi phí test xét nghiệm thực hiện thực thanh, thực chi theo loại test đã sử dụng và theo kết quả đấu thầu của đơn vị.
Tuy nhiên, để có thể quản lý giá xét nghiệm, thông tư đã quy định mức thanh toán tối đa dịch vụ xét nghiệm bao gồm cả sinh phẩm xét nghiệm mà cơ sở y tế được thu và thanh toán. Trường hợp chi phí thực hiện xét nghiệm cao hơn tổng mức được thanh toán thì cơ sở y tế được quyết toán phần chênh lệch thiếu vào nguồn kinh phí giao tự chủ và nguồn kinh phí hợp pháp khác của đơn vị.
Ví dụ cụ thể: Thông tư quy định “xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh” với mức tối đa bao gồm cả sinh phẩm xét nghiệm là 109.700 đồng/xét nghiệm. Giá dịch vụ test nhanh (gồm chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương) của đơn vị theo mức giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là 16.400 đồng/xét nghiệm.
Giả sử chi phí sinh phẩm xét nghiệm theo kết quả đấu thầu của đơn vị là 50.000 đồng/test thì đơn vị được thu của người xét nghiệm, thanh toán với quỹ bảo hiểm y tế (theo tỷ lệ), thanh toán với ngân sách Nhà nước là 66.400 đồng/xét nghiệm (không được thu và thanh toán theo mức tối đa 109.700 đồng/xét nghiệm).
Trường hợp chi phí sinh phẩm xét nghiệm theo kết quả đấu thầu của đơn vị là 100.000 đồng/test. Mặc dù chi phí của xét nghiệm là 116.400 đồng/xét nghiệm, nhưng đơn vị chỉ được thu của người bệnh, thanh toán với quỹ bảo hiểm y tế (theo tỷ lệ), thanh toán với ngân sách Nhà nước theo mức giá là 109.700 đồng/xét nghiệm; còn 6.700 đồng được quyết toán vào nguồn kinh phí đã giao tự chủ và nguồn kinh phí hợp pháp khác của đơn vị.
Đối với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR: Thông tư đã hướng dẫn và quy định cụ thể việc thực hiện mức giá trong trường hợp gộp mẫu theo các phương pháp gộp mẫu hướng dẫn tại Quyết định 1817/QĐ-BYT ngày 07/4/2021.
Cùng với việc quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, Bộ Y tế đã chỉ đạo và yêu cầu các cơ sở y tế có trách nhiệm mua sắm vật tư, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, về đấu thầu đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tăng giá dịch vụ xét nghiệm bất hợp lý.
“Việc ban hành thông tư quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 cùng với việc Bộ Y tế đang hoàn thiện và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế sẽ giúp điều chỉnh, quản lý tốt hơn về giá test xét nghiệm và giá xét nghiệm SARS-CoV-2, giúp tiết kiệm hơn cho cơ sở y tế cũng như người dân, đồng thời vẫn kiểm soát được chất lượng sinh phẩm xét nghiệm”, Bộ Y tế khẳng định.
Cũng theo Bộ Y tế, ở thời điểm năm 2020, đầu năm 2021, nhu cầu test xét nghiệm lớn, nguồn cung và chủng loại còn hạn chế, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Thời điểm năm 2020 và đầu năm 2021 khi dịch bệnh trên thế giới có diễn biến phức tạp ở nhiều nước khiến nhu cầu test xét nghiệm tăng cao trong khi nguồn cung và chủng loại các loại test xét nghiệm Covid -19 rất hạn chế, giá các loại test xét nghiệm không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước cũng đều ở mức cao. Giá test nhanh các nhà tài trợ mua khoảng 200.000 đồng/test, test Real-time PCR khoảng 500.000 - 1 triệu đồng/test.
Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hướng dẫn áp dụng mức giá quy định tại Thông tư số 13 và 14/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế (áp dụng theo dịch vụ “xét nghiệm vi khuẩn/vi rus/vi nấm/ký sinh trùng”), xét nghiệm Real-time PCR là 734.000 đồng/1 mẫu; test nhanh 238.000 đồng/1 mẫu.
Từ ngày 01/7/2021, do nhiều công ty nhập khẩu test nhanh và trong nước cũng đã có một số doanh nghiệp sản xuất được test nhanh nên dải giá test rất khác nhau, giá có xu hướng giảm, Bộ Y tế đã hướng dẫn với xét nghiệm bằng test nhanh thì thực thanh thực chi: Chỉ thu và thanh toán bằng giá test nhanh mua theo quy định về đấu thầu; chưa thực hiện thu đối với các chi phí nhân công, vật tư lấy mẫu. (Đơn vị đấu thầu mua test với đơn giá bao nhiêu thì chỉ được thu và thanh toán theo đơn giá test trúng thầu mua sắm theo quy định, không được thu với mức giá 238.000 đồng/xét nghiệm).
Với hình thức gộp mẫu nhằm đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, cũng như tiết kiệm chi phí, Bộ Y tế đã ban hành quyết định hướng dẫn gộp mẫu. Theo đó, từ ngày 28/5/2021, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về mức giá của dịch vụ xét nghiệm Realtime PCR khi gộp mẫu bằng 734.000 đồng chia cho số mẫu gộp, cụ thể: Mức giá của việc lấy và bảo quản bệnh phẩm: 100.000 đồng/mẫu; mức giá của việc thực hiện xét nghiệm bằng 634.000 đồng chia cho số mẫu gộp. (nếu gộp 5 mẫu vào 1 xét nghiệm thì chia 5, gộp 10 mẫu thì chia 10...).
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đánh giá chung việc thực hiện môi trường không khói thuốc trên địa bàn, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết công tác này còn gặp khó khăn do việc mua bán thuốc lá diễn ra khá dễ dàng, phổ biến, các địa điểm cấm hút thuốc lá thường không đủ lực lượng giám sát, nhắc nhở cũng như không có thẩm quyền xử phạt…
Phương Anh
20:59 22/11/2024(Thanh tra) -Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn có cơ hội trà trộn vào thị trường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Phương Anh
20:58 22/11/2024Phương Anh
15:41 22/11/2024Phương Anh
21:05 21/11/2024Hương Giang
15:59 21/11/2024Phương Anh
14:35 21/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương