Theo dõi Báo Thanh tra trên
Phương Anh
Thứ năm, 02/01/2025 - 22:18
(Thanh tra) - Trước tình hình số mắc sởi đang có xu hướng gia tăng, Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản đề xuất Bộ Y tế đồng ý việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trên địa bàn thành phố bằng nguồn vắc xin được cung ứng từ Bộ Y tế.
Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ. Ảnh: IT
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 76 trường hợp mắc sởi tại 24 quận, huyện, tăng 26 ca so với tuần trước.
Luỹ tiến từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 335 trường hợp tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi: 98 trường hợp <9 tháng (29,3%); 57 trường hợp 9 - 11 tháng (17%), 115 trường hợp 1 - 5 tuổi (33,7%), 28 trường hợp 6 - 10 tuổi (8,4%), 39 trường hợp > 10 tuổi (11,6%).
Số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong thời gian tới, tiếp tục có thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.
Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ 9 tháng tuổi với tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin có chứa thành phần sởi mũi 1 là 98,5%, mũi 2 là 95,6%. Trong thời gian từ tháng 10 - 11/2024, thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố cho trẻ từ 1 - 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin có chứa thành phần sởi, kết quả có 55.640/61.590 trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng, đạt 96,3%.
Được biết, đầu tháng 12/2024, Sở Y tế Hà Nội đã thực hiện đánh giá nguy cơ dịch sởi trên địa bàn thành phố theo bộ công cụ đánh giá nguy cơ sởi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Kết quả cho thấy, nguy cơ dịch sởi ở mức trung bình nhưng Hà Nội là địa phương có mật độ dân cư đông, di biến động dân cư lớn, là nơi có các bệnh viện tuyến trung ương tiếp nhận nhiều ca mắc sởi từ các tỉnh, thành phố trong cả nước nên luôn có nguy cơ bùng phát dịch sởi.
Trong khi đó, theo quy định trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin sởi được sử dụng cho trẻ từ 9 tháng tuổi, tuy nhiên nhóm tuổi dưới 9 tháng đang chiếm tỷ lệ cao trên địa bàn thành phố (chỉ sau nhóm tuổi từ 1 - 5 tuổi).
Theo WHO, vắc xin sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như một biện pháp tăng cường chống dịch.
Mũi vắc xin này được xem như là mũi "sởi 0" và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vắc xin sởi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.
Được biết, WHO đã có văn bản gửi Bộ Y tế đồng ý bổ sung thêm 260.000 liều vắc xin phòng sởi cho độ tuổi từ 6 đến dưới 9 tháng. Bộ Y tế đang làm thủ tục xác nhận nguồn viện trợ để phân bổ cho các tỉnh có đề xuất, qua đó kịp thời tiêm chủng cho các đối tượng trẻ này.
Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh. Chính vì vậy, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã cần tăng cường các hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ; lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Theo đó, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát đối tượng và thông báo tiêm cho những trẻ từ 1 - 5 tuổi, thuộc đối tượng trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin Sởi - Rubella.
Đặc biệt, ngành Y tế Hà Nội sẽ tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Để chiến dịch tiêm chủng diễn ra an toàn, đạt hiệu quả cao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tiếp tục phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã trong việc triển khai chiến dịch cũng như đẩy mạnh công tác giám sát tiêm chủng tại các đơn vị.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống một số dịch bệnh như: Sởi, sốt xuất huyết và các dịch bệnh thường gặp trong mùa Đông Xuân, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tiêm chủng chủ động, đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phòng bệnh.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2024 bệnh sởi có diễn biến phức tạp. Số ca sốt phát ban nghi sởi là 38.364 (tăng hơn 94 lần so với năm 2023) và số ca dương tính với sởi là 6.725 ca (tăng hơn 130 lần so với năm 2023).
Trong đó, một số tỉnh có số mắc cao như: Đồng Nai (6.360 ca), TP Hồ Chí Minh (4.758 ca), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405 ca)… Đến nay, cả nước đã ghi nhận 13 ca tử vong do sởi, trong đó chủ yếu là trẻ em do “bệnh chồng bệnh”, người già có bệnh nền.
Ngành Y tế nhận định, bệnh sởi, cúm và các dịch bệnh khác vẫn sẽ là thách thức lớn, đòi hỏi phải có phương án dự phòng và đáp ứng chống dịch nhanh, quyết liệt.
Để kiểm soát bệnh, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo, theo TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, các bệnh viện phải tiến hành cách ly, phân luồng sàng lọc bệnh hô hấp khi nhập viện, kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo. Đặc biệt, các địa phương cần tổ chức tiêm bù, tiêm vét, rà soát đối tượng tiêm chủng, nhất là tiêm vắc xin sởi cho trẻ em.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Mới đây, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (Thành phố Hồ Chí Minh) đã ban hành quyết định xử lý vi phạm đối với Công ty CP Dược phẩm Trung ương 2 tại gói thầu số 2: gói thầu thuốc generic năm 2024-2025…
Chu Tuấn
(Thanh tra) - Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh giao Sở Y tế xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp, đồng thời công khai kết quả kiểm tra để người dân giám sát.
Hải Hà
Trần Kiên
TC
Phương Anh
TC
Phương Anh
Chính Bình
Cảnh Nhật
Hoàng Long
Chu Tuấn
Trung Hà
Bùi Bình
Trọng Tài
T.Thanh
Hải Hà