Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội: Chưa xuất hiện dịch bệnh tại các vùng bị ngập lụt

Thứ năm, 09/08/2018 - 21:12

(Thanh tra)- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, với tinh thần quyết liệt trong việc vệ sinh môi trường khử khuẩn, đến thời điểm hiện tại chưa xuất hiện dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng và ngộ độc thực phẩm tại các xã thuộc huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và Mỹ Đức - vùng chịu ảnh hưởng của ngập lụt đợt cuối tháng 7.

Các bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Mắt Hà Đông, Da Liễu Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai, TTYT huyện chủ động công tác khám, điều trị cho người dân. Ảnh: LP

Theo báo cáo nhanh của trung tâm y tế (TTYT) các huyện, từ ngày 20/7/2018, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn Hà Nội có một số xã tại một số địa phương bị ảnh hưởng (ngập lụt) như huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và Mỹ Đức, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là huyện Chương Mỹ với 11 xã bị ảnh hưởng.

Trong thời gian ngập lụt ghi nhận tại Chương Mỹ có 59 trường hợp viêm kết mạc, 150 trường hợp bệnh ngoài da, 3 trường hợp bị đuối nước (2 trường hợp tại xã Tốt Động - 2 chị em 10 và 12 tuổi, 1 trường hợp tại xã Hoàng Văn Thụ - 45 tuổi); tại huyện Quốc Oai có 13 trường hợp viêm kết mạc và trên 100 trường hợp bệnh ngoài da; tại huyện Mỹ Đức cũng có trên 100 trường hợp đến khám bệnh ngoài da. Các trường hợp bệnh ngoài da ở 3 huyện trên chủ yếu là do nước ăn chân.

Các ca đau mắt đỏ, bệnh da liễu chỉ xuất hiện đơn lẻ, rải rác tại các xã và đã được khám cấp thuốc điều trị kịp thời. Chưa xuất hiện các dịch bệnh gì đặc biệt.

Cũng theo ông Hạnh, ngay từ đầu mùa mưa lũ, Sở Y tế đã ban hành các kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành Y tế Hà Nội năm 2018; các công văn về tăng cường triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, đảm bảo công tác y tế ứng phó tình huống do mưa lũ; chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa mưa lũ…

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị; bảo đảm đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc sẵn sàng đáp ứng công tác cấp cứu và điều trị cho người bệnh; tăng cường cán bộ y tế tại các xã bị ngập úng, nắm vững tình hình, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người dân chủ động vệ sinh môi trường, nguồn nước, phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm…

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành như TTYT dự phòng TP, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Mắt Hà Đông, Bệnh viện Da Liễu Hà Nội và TTYT, các bệnh viện huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức tập trung mọi nguồn lực để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn các vùng bị ngập lụt.

Trạm y tế của các xã bị ảnh hưởng đã thành lập các khu khám chữa bệnh lưu động tới các thôn ngập lụt để khám và cấp thuốc cho người dân, TTYT các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức phối hợp với các bệnh viện mắt, da liễu tổ chức các đoàn khám cấp thuốc miễn phí cho bà con vùng ngập lụt.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Y tế, TTYT dự phòng TP thường xuyên trực tiếp xuống các vùng bị ngập úng chỉ đạo đơn vị ứng phó các tình huống do mưa lũ. Động viên kịp thời các đơn vị, nhân viên y tế, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho người dân vùng bị ngập lụt.

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác vệ sinh môi trường tại thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Ảnh: LP

Trong công tác vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh, với phương châm nước rút đến đâu vệ sinh môi trường khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh đến đó, ngành Y tế đã huy động lực lượng của TTYT dự phòng Hà Nội, TTYT huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức phối hợp với lực lượng của địa phương tổ chức việc vệ sinh môi trường khử khuẩn triệt để. UBND các huyện và các xã bị ngập lụt cũng đã mua vôi bột để khử khuẩn, phèn chua để lọc nước, Cloramin B để sát khuẩn trong nhà và nguồn nước còn vôi bột để khử khuẩn sân vườn và các khu vực công cộng.

Để tiếp tục triển khai thực hiện, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị đảm bảo cơ số thuốc, hóa chất, công tác khám chữa bệnh. Duy trì công tác thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh tại đơn vị; hướng dẫn và xử lý nguồn nước sinh hoạt, giếng nước, nhà vệ sinh, chuồng gia súc.

Bên cạnh đó, các đơn vị chỉ đạo đội cơ động phòng, chống dịch phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tổng vệ sinh môi trường với nguyên tắc nước rút đến đâu sẽ tổng vệ sinh môi trường đến đó. Đồng thời, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện huyện Chương Mỹ chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư và nhân lực y tế dự kiến khám sức khỏe cho 8.500 nhân khẩu của 7 thôn ngập, úng nặng ở 3 xã (Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ), thời gian dự kiến từ ngày 16/8 đến 22/8/2018 ngay sau khi nước rút.

Ngoài ra tiếp tục cung ứng thuốc, hóa chất bảo đảm kịp thời cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và công tác vệ sinh môi trường khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh.

Lê Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Phương Anh

19:32 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm