Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đổi mới y tế tuyến cơ sở theo nguyên lý y học gia đình

Thứ ba, 18/09/2018 - 06:32

(Thanh tra)- Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước có hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản... Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và được kỳ vọng với vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đi kiểm tra thực tế công tác y tế cơ sở tại trạm y tế xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ảnh: PA

Chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn của tuyến y tế cơ sở, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội), một trong những địa phương đi đầu trong phát triển và nâng cao chất lượng y tế cơ sở, cho biết, Trung tâm đang quản lý 26 trạm y tế, 5 phòng khám đa khoa với khoảng 200.000 người dân đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Với sự hỗ trợ chuyên môn của Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội và các bệnh viện tuyến Trung ương, thành phố..., Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã triển khai lập hồ sơ quản lý, điều trị cấp thuốc hằng tháng cho bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mãn tính. Tính đến hết năm 2017, huyện Sóc Sơn đã hoàn thành việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân tại trạm y tế và phòng khám đa khoa trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Hải, hiện nay, tại huyện Sóc Sơn vẫn còn nhiều khó khăn, như đầu tư nguồn lực cho y tế dự phòng còn hạn chế, chưa có chế độ chính sách cho bác sĩ về trạm y tế công tác, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, thời gian qua, Ủy ban đã tiến hành nhiều cuộc giám sát, khảo sát ở các địa phương, đồng thời tập trung vào các tuyến y tế cơ sở. Kết quả cho thấy y tế tuyến cơ sở bước đầu đã đạt được một số thành tựu. Mặc dù vậy, ông Lợi cũng chỉ ra một số tồn tại như: Khả năng cung ứng dịch vụ y tế của tuyến y tế cơ sở, nhất là tuyến xã còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để cho nhân dân tự chăm lo sức khỏe hoặc nhận thức đúng về tuyến y tế cơ sở chưa tốt. 

Thực tế cho thấy, có một số bệnh rất đơn giản nhưng người dân vẫn đưa nhau lên huyện để khám. Trong khi đó, năng lực cán bộ y tế cơ sở và ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành y tế ở tuyến xã vẫn còn hạn chế. Do vậy, theo ông Bùi Sỹ Lợi, đầu tư cho tuyến cơ sở phải đồng bộ cả về chuyên môn, năng lực bác sĩ, đội ngũ cán bộ y tế, cơ sở vật chất.

Khảo sát của Bộ Y tế cho thấy, có tới 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; có tới 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, để thay đổi được vấn đề này cần phải có giải pháp cụ thể trong phát triển y tế cơ sở. Đó là nâng cao chất lượng chuyên môn, đổi mới phương thức hoạt động, đầu tư nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất (nhà cửa phòng ốc, bàn ghế, giường chiếu, bảng biểu), ứng dụng công nghệ thông tin, cơ chế tài chính đặc thù và công tác truyền thông.

Trước những hạn chế và bất cập của y tế cơ sở, hiện Bộ Y tế đang tập trung xây dựng mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở, qua đó hút người bệnh về với trạm y tế xã, phường. Với các trạm y tế chưa có bác sĩ sẽ cử bác sĩ tuyến trên luân phiên về làm việc, điều chuyển đi và đến một số y tá, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm cùng với tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho viên chức tại trạm. Bộ Y tế cũng cử cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến Trung ương về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế xã thí điểm, đảm bảo đủ thuốc theo phân tuyến, thuốc đã quy định trong gói dịch vụ y tế cơ bản...

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Phương Anh

19:32 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm