Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh nghiệp Việt vực dậy sau Covid-19

Hải Nhi

Thứ ba, 09/06/2020 - 06:34

(Thanh tra)- Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, tình hình kinh tế, tài chính của nhiều doanh nghiệp (DN), trong đó có Việt Nam, bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong quý I/2020, cả nước có hơn 34.900 DN rút lui khỏi thị trường, trong đó 18.600 DN tạm thời đóng cửa, 12.200 DN ngừng hoạt động và 4.100 DN phá sản.

Cùng với hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, các DN được khuyến cáo cần cắt giảm chi tiêu hành chính, tăng cường hợp tác quốc tế, tìm các thị trường mới, hạn chế hoặc không phụ thuộc nhiều vào thị trường, khách hàng truyền thống. Ảnh: Chinhphu.vn

DN logistics vật lộn khó khăn

Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phân tích, các hoạt động logistics như vận tải giảm do dịch vụ thông quan bị cản trở, dịch vụ kho bãi, cước cũng bị ảnh hưởng nặng. Một số vấn đề phát sinh khác như một số khách hàng Trung Quốc gặp khó khăn về tài chính dẫn đến mất khả năng trả nợ cho chủ hàng, nhà cung cấp Việt Nam kéo theo việc chủ hàng chậm thanh toán cho DN logistics.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA thông tin, tính đến nay, đã có khoảng 15-50% các DN cung cấp dịch vụ logistics, tùy theo loại hình dịch vụ bị giảm sút về các hoạt động và doanh thu. Dịch vụ vận tải hàng không và đường bộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Khoảng 80% hội viên của Hiệp hội là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa cho nên nhiều DN có nguy cơ ngừng mọi hoạt động; nhiều lao động bị giãn và mất việc nếu đại dịch kéo dài thêm”, ông Lê Duy Hiệp lo ngại.

Trước những diễn biến phức tạp như hiện nay, nhằm hỗ trợ DN ngành Logistics, VLA đã đề nghị Chính phủ giảm 50% thuế thu nhập DN cho năm 2020. Khoản thuế giảm này xem như một phần để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn kinh doanh năm 2020. Giãn, hoãn và giảm các khoản đóng góp quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế từ các DN bị ảnh hưởng.

Đối với các DN kho lạnh, kho mát hàng xuất nhập khẩu cần được ưu đãi về giá điện bởi hiện nay giá khu vực dịch vụ này vẫn cao hơn giá điện sản xuất từ 25% - 30%.

Ông Lê Duy Hiệp đánh giá, những kiến nghị của VLA về giãn nợ, nộp thuế đã được Chính phủ bước đầu tháo gỡ. Tuy nhiên, phải mất thời gian và thực hiện thủ tục theo yêu cầu của ngân hàng. Các quyết định về giảm giá xăng dầu đã có hiệu quả rất tích cực đối với các DN và toàn nền kinh tế nói chung.

“Mới đây nhất, Cục Hàng hải Việt Nam đã quyết định sẽ giảm 10% giá hoa tiêu cho DN vận tải biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian thực hiện giảm giá trong 3 tháng kể từ ngày 1-5-2020. Đây là động lực rất lớn cho DN”, ông Hiệp chia sẻ.

Cùng với hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, các DN được khuyến cáo cần cắt giảm chi tiêu hành chính, tăng cường hợp tác quốc tế, tìm các thị trường mới, hạn chế hoặc không phụ thuộc nhiều vào thị trường, khách hàng truyền thống. Bên cạnh đó các DN cần tận dụng các FTA thế hệ mới, nhất là EVFTA bởi dịch vụ logistics là những dịch vụ có các cam kết đáng chú ý, theo hướng mở - mạnh hơn đáng kể so với hiệp định thương mại quốc tế và mang lại nhiều lợi ích cho DN.

“Hiến kế” giúp DN bất động sản vượt khó

Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, Nguyễn Trọng Ninh cho biết, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động của các DN và giao dịch trên thị trường bất động sản đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, gây thiệt hại và tạo thêm những thách thức mới đối với lĩnh vực này. Số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm tới 80%, còn lại đều hoạt động cầm chừng; tỷ lệ người lao động mất việc, tạm ngừng công việc hoặc làm việc cầm chừng trong lĩnh vực bất động sản tương đối lớn.

Thống kê từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng cho thấy, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn trong nước đều do các DN bất động sản đầu tư và quản lý vận hành giảm sút lên đến gần 90%; phần lớn cơ sở du lịch nghỉ dưỡng phải đóng cửa hoặc giảm công suất. Thời gian tới, nếu dịch bệnh thuyên giảm thì khả năng phục hồi tốt nhất cũng đạt khoảng 50% trong năm 2020 và 60 - 70% cho năm 2021.

Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận xét, bất động sản là loại hàng hoá đặc thù riêng với dòng tiền lớn, các sản phẩm có giá đắt đỏ. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường bất động sản sẽ chững lại và là lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự đi xuống của nền kinh tế.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng càng khó khăn hơn. Nhiều khách sạn, khu du lịch đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động vì vắng khách. Tương tự, các phân khúc bán lẻ, văn phòng cũng bị ảnh hưởng bởi người dân ít ra ngoài đường và không đến chỗ đông người, ông Võ phân tích.

Nhìn từ kinh nghiệm các cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong hơn 10 năm qua, cho thấy, thị trường bất động sản thời gian tới sẽ phục hồi sau khi kết thúc dịch bệnh, nhà đầu tư vẫn sẽ quay lại thị trường và DN phát triển dự án sẽ tiếp tục đưa ra các chiến lược phát triển mới.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CenGroup cho hay, trong mùa dịch Covid-19, các DN đều gặp khó khăn dù ít hay nhiều. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là DN phản ứng như thế nào cũng như làm sao để duy trì được hoạt động của mình. Mỗi DN đều có một phương án khác nhau, có DN “ngủ đông”, có DN gồng mình lên để chịu đựng hoặc chịu sức nén để bật dậy khi dịch đi qua. Phương án nào cũng cho thấy động lực để mỗi DN, doanh nhân bền bỉ hơn, vững chắc hơn và kiên cường hơn bao giờ hết.

Cũng theo ông Hưng, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có những sản phẩm bất động sản dừng giao dịch nhưng vẫn có sản phẩm duy trì giao dịch như sản phẩm nhà ở thu nhập thấp, nhà ở chung cư giao dịch có thấp hơn trước đây, sản phẩm biệt thư liền kề vẫn giao dịch bình thường.

Vực ngành Gỗ sau dịch Covid-19

Việt Nam có khoảng 4.600 DN tham gia chuỗi giá trị ngành hàng gỗ và lâm sản. Việt Nam đã nắm bắt tiếp cận được công nghệ hiện đại. Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản, là quốc gia thứ 2 ký được nghị định thư về thương mại gỗ với Liên minh châu Âu.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Gỗ Việt Nam, ước tính khoảng 80% các đơn hàng đã ký bị thông báo hủy hoặc chậm giao, hàng ngàn container hàng ùn ứ tại các cảng biển châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Ngoài ra, việc thực hiện các giao dịch thanh toán hợp đồng hàng hóa hầu như không được thực hiện do phía đối tác gặp khó khăn.

Còn theo kết quả khảo sát nhanh của các hiệp hội, Tổng cục Lâm nghiệp tại hơn 200 DN cho thấy 80% người mua dừng hoặc huỷ đơn hàng. Hầu hết các DN thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% DN hoạt động bình thường, 86% DN ngừng sản xuất một phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động toàn bộ do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất.

Về giải pháp trước mắt, các hiệp hội và DN đề nghị cần sớm tạo điều kiện chi trả các kinh phí hỗ trợ cho công nhân trong ngành Gỗ bị mất việc, giảm việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tiếp tục có cơ chế hỗ trợ và giảm, giãn, hoãn thời gian chi trả lãi suất ngân hàng, giãn thời gian chi trả bảo hiểm công nhân cho các doanh nghiệp trong ngành gỗ, ưu tiên mua sắm công cho các nhóm sản phẩm gỗ chế biến trong nước nhằm đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa...

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện đang có nhiều cơ hội để ngành gỗ tăng trưởng hai con số trong năm 2020, thị trường xuất khẩu khởi sắc trở lại, đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ có triển vọng tích cực và đặc biệt DN đang tích cực chuyển đổi sản phẩm cốt lõi. "Do đó, DN cần xây dựng lại chiến lược phát triển sản phẩm, phát triển sản phẩm đồ gỗ dành cho gia đình là ưu tiên số 1. Thực tế, những nhà máy làm không kịp đơn hàng chính là đi theo cách này, đây là cơ hội mở ra đường hướng cho ngành Gỗ. Cùng với đó, ngành Gỗ cần phải đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa giải pháp bán hàng”, ông Lập gợi mở.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường bày tỏ mong muốn các bộ, ngành chung tay cùng gỡ khó khăn tạm thời, tiếp tục thúc đẩy ngành hàng, phấn đấu đưa Việt Nam không chỉ đứng thứ 4 về xuất khẩu, mà hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ và xuất khẩu lâm sản hàng đầu thế giới.

Theo TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, đại dịch sẽ qua đi và sản xuất sẽ quay trở lại, nhưng sẽ không còn như cũ. Vấn đề đặt ra là phải thay đổi để sống chung với đại dịch.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM, đại dịch cũng cho thấy phương thức bán hàng truyền thống (offline) cần phải thay đổi, nhằm giảm rủi ro trong hội nhập và phù hợp với xu thế thương mại thế giới (online). “Chuyển đổi số cần diễn ra mạnh mẽ và đồng bộ hơn. Để làm được điều này, cần phải có thời gian và nguồn lực, cần có sự thay đổi đồng bộ cả trong cơ chế chính sách của Chính phủ và trong bản thân DN” - ông Phương đề nghị.

Theo ông Phạm Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ, Chính phủ luôn mong muốn và sẵn sàng lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của cộng đồng DN, đặc biệt trong giai đoạn này. “Hiện các cơ quan quản lý đang nỗ lực nhanh chóng thực hiện các cơ chế và chính sách này…” - đại diện Văn phòng Chính phủ đưa ra thông điệp. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

(Thanh tra) - Công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề dân số thực tiễn phát sinh đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Phương Anh

21:31 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm