Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ Y tế nói gì về quy định phải có giấy chuyển viện đối với bệnh viện khu vực của tỉnh đóng trên địa bàn huyện?

Phương Anh

Thứ tư, 07/08/2024 - 08:18

(Thanh tra) - Theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), người tham gia BHYT khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh cũng được Quỹ BHYT chi trả chi phí để điều trị nội trú theo phạm vi, mức hưởng.

Ảnh minh hoạ: PV

Liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, ngày 6/8, Bộ Y tế đã trả lời nhiều kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Theo cử tri tỉnh Long An, từ ngày 1/7/2023 mức lương cơ sở tăng, từ đó chi phí khám, chữa bệnh, mức giá đóng BHYT cũng tăng làm cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn không thể tham gia, ảnh hưởng đến việc vận động tham gia BHYT toàn dân. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị xem xét có quy định riêng, giảm chi phí đóng BHYT đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Về nội dung này, Bộ Y tế cho biết, theo quy định của Luật BHYT và các nghị định hướng dẫn thực hiện, các đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT hiện nay chiếm tỷ lệ lớn, với tổng kinh phí này chiếm khoảng 40% số tiền đóng BHYT. Vì vậy mức đóng và hỗ trợ đóng BHYT được quy định dựa vào khả năng đóng góp của ngân sách và người tham gia BHYT từ nguồn ngân sách Trung ương.

Để chia sẻ với ngân sách Trung ương và hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT có điều kiện kinh tế khó khăn, điểm b khoản 3 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT đã quy định: Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và mức hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Đối với kiến nghị của cử tri huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai kiến nghị cần nới rộng đối tượng tham gia BHYT, bổ sung thêm vào danh mục một số bệnh nan y, nâng mức thụ hưởng cao hơn quy định hiện tại; đồng thời tăng cường công tác quản lý đối với các đơn vị cung cấp Bảo hiểm nhân thọ để người dân yên tâm khi tham gia.

Về nội dung này, Bộ Y tế cho biết, theo quy định của Luật BHYT, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc, được áp dụng đối với các đối tượng được quy định để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho toàn dân. Vì vậy, về cơ bản, phạm vi BHYT đã bao phủ hầu hết các đối tượng, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, danh mục dịch vụ kỹ thuật được Quỹ BHYT chi trả cho người tham gia BHYT hiện nay tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu điều trị cơ bản của người dân. Hầu hết các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh đang được triển khai tại các cơ sở khám, chữa bệnh đều thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT.

Các danh mục này được thường xuyên sửa đổi, bổ sung và cập nhật để đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT.

Về mức hưởng BHYT, Bộ Y tế cho biết, Luật BHYT đã quy định cụ thể theo từng đối tượng và mức hưởng này không phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Đối với một số bệnh nan y, nếu người bệnh có thẻ BHYT là người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, Quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng.

Về kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre có nêu, theo quy định hiện hành về khám, chữa bệnh cho người có BHYT, khi người bệnh ở các xã đến khám, chữa bệnh ở các bệnh viện hạng 3 thì không cần giấy tờ chuyển viện, nhưng khi đến khám, chữa bệnh ở các bệnh viện hạng 2 thì phải có giấy chuyển viện.

Thực tế một số địa phương không có bệnh viện tuyến huyện (bệnh viện hạng 3) trực thuộc trung tâm y tế huyện mà có bệnh viện khu vực của tỉnh đóng trên địa bàn huyện (bệnh viện hạng 2), khi bệnh nhân ở xã đến khám và điều trị ở bệnh viện hạng 2 thì phải có giấy chuyển viện. Cử tri kiến nghị xem xét bỏ quy định bắt buộc phải có giấy chuyển viện đối với một số bệnh viện khu vực của tỉnh đóng trên địa bàn của huyện (bệnh viện hạng 2) nhằm giảm gây phiền hà cho bệnh nhân.

Theo Bộ Y tế, hiện nay chính sách thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã được quy định rõ ràng tại Luật BHYT. Chính sách này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thẻ BHYT khi có nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến trên, đồng thời đảm bảo quản lý Quỹ BHYT một cách hiệu quả.

Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 22 Luật BHYT, từ ngày 1/1/2016, người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không cần giấy chuyển tuyến vẫn được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi mức hưởng khi đi khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra, từ ngày 1/1/2021, theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật BHYT, người tham gia BHYT khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh cũng được Quỹ BHYT chi trả chi phí để điều trị nội trú theo phạm vi, mức hưởng.

Bộ Y tế cho rằng, kiến nghị của cử tri về việc bỏ quy định bắt buộc phải có giấy chuyển viện đối với các bệnh viện khu vực của tỉnh đóng trên địa bàn huyện, tức là cho phép người tham gia BHYT được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại các bệnh viện này mà không cần giấy chuyển viện là một đề xuất có thể giúp giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, việc này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh tình trạng quá tải cho các bệnh viện tỉnh, đồng thời đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quản lý Quỹ BHYT.

Cũng theo cử tri tỉnh Bến Tre, đối với người cao tuổi, việc tầm soát bệnh là rất cần thiết nhưng nhiều dịch vụ khám tầm soát bệnh chi phí khá cao lại chưa được BHYT chi trả nên nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn chưa được tầm soát bệnh tật đầy đủ. Cử tri Bến Tre kiến nghị xem xét mở rộng phạm vi chi trả của BHYT đối với một số xét nghiệm tầm soát bệnh đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu… để người cao tuổi được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, phát hiện bệnh sớm thì điều trị cũng thuận lợi hơn; nếu không tầm soát, không phát hiện bệnh kịp thời thì khi điều trị sẽ tốn kém hơn mà BHYT cũng phải chi trả.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay, theo quy định của Luật BHYT thì Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với một số đối tượng.

Về kiến nghị của cử tri liên quan đến việc mở rộng phạm vi chi trả của Quỹ BHYT đối với các dịch vụ tầm soát bệnh như đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu và một số xét nghiệm tầm soát khác, Bộ Y tế hiểu rõ rằng việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với người cao tuổi.

Tuy nhiên, dựa trên khả năng chi trả của Quỹ BHYT, mức đóng BHYT, chi phí hiệu quả, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.

Hương Giang

15:59 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm