Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ Y tế đề nghị xét xử công tâm vụ án chạy thận ở Hòa Bình

Thứ bảy, 11/05/2019 - 09:30

(Thanh tra)- Ngày 13/5, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình sẽ xét xử phúc thẩm vụ án Hoàng Công Lương cùng 4 bị cáo trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ngày 10/5, Bộ Y tế có công văn "kêu oan" cho bị cáo - bác sĩ Hoàng Công Lương.

Bị cáo Hoàng Công Lương. Ảnh: Internet

Nôi dung công văn nêu rõ, ngày 30/1, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên xử phạt bị cáo Hoàng Công Lương, nguyên bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, 42 tháng tù; bị cáo Hoàng Đình Khiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình 36 tháng tù; bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình 30 tháng tù; bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Dược Thiên Sơn 30 tháng tù.

Ngay sau khi tuyên án, dư luận xã hội trong và ngoài ngành y tế đã bất ngờ, bàng hoàng, bất bình dẫn đến hoang mang, lo lắng cho một số bị cáo trước bản án này. Đa số các ý kiến phản đối đều cho rằng việc khởi tố, truy tố, xét xử đối với một số bị cáo trong vụ án này có phần khiên cưỡng, quy chụp, chưa đúng tội danh, oan sai…

Theo Bộ Y tế, Hội Hồi sức và lọc máu quốc gia, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam… cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế và cả đại biểu Quốc hội lên tiếng xung quanh vụ án, nhưng những ý kiến cũng chưa được lắng nghe một cách nghiêm túc trên cơ sở khoa học pháp lý.

Được biết, ngày 13/5 tới, Toà án nhân dân tỉnh Hoà Bình sẽ xét xử phúc thẩm vụ án trên.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ cho các bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình trong vụ án này, mà còn cho cả ngành y tế trong hiện tại và tương lai, trước khi phiên tòa phúc thẩm được xét xử, Bộ Y tế có một số ý kiến về vụ án này.

Công văn của Bộ Y tế nêu rõ, việc định tội danh và tuyên phạt trong phiên xét xử sơ thẩm đối với một số bị cáo còn thiếu khách quan và chưa bảo đảm khoa học pháp lý.

Theo Bộ Y tế, để xác định chính xác tội danh "vô ý làm chết người" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" cần phải được xem xét, đánh giá dưới góc độ khoa học pháp lý về chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan và các chứng cứ luận tội.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hoà Bình đã 3 lần thay đổi tội danh đối với bị cáo Hoàng Công Lương, từ tội “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cho đến tội “vô ý làm chết người”, cho thấy cơ quan điều tra khá lúng túng trong việc xác định tội danh do không đủ cơ sở để buộc tội. 

Ngay cả việc Tòa án nhân dân thành phố Hoà Bình tuyên xử phạt bị cáo Hoàng Công Lương về tội “vô  ý làm chết người” cũng chưa phù hợp. “vô ý làm chết người” là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình tác động vào cơ thể nạn nhân có khả năng gây ra chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi tác động vào cơ thể nạn nhân có thể gây ra chết người, nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra (vô ý ở đây là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả). 

Thông qua các phân tích, bản án cho rằng bị cáo Lương “ký đề xuất sửa chữa nhưng chưa nhận lại bàn giao hoặc chưa hỏi người có trách nhiệm sửa chữa hay có thẩm quyền để biết trước chạy thận đã an toàn, mà đã ra y lệnh chạy thận cho bệnh nhân, dẫn đến hậu quả. Xác định lỗi vô ý do cẩu thả” là chưa phù hợp với hành vi khách quan của tội danh này, vì lỗi này là lỗi hành chính, không tác động trực tiếp đến cái chết của nạn nhân. 

Từ các phân tích cho thấy, việc xác định bị cáo Lương phạm tội “vô ý làm chết người” là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về chủ thể, khách quan.

Đối với bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Tòa án nhân dân thành phố Hoà Bình tuyên xử phạt tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng không phù hợp, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về chủ thể cũng như hành vi vi phạm.

Đối với bị cáo Trương Quý Dương và bị cáo Hoàng Đình Hiếu, Tòa án nhân dân thành phố Hoà Bình tuyên xử phạt tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng không thật sự thuyết phục, khiên cưỡng, yếu chứng lý về yếu tố cấu thành tội phạm liên quan đến chủ thể trực tiếp, gián tiếp hay gián tiếp của gián tiếp của hậu quả dẫn đến 8 bệnh nhân tử vong.

Bộ Y tế cho rằng, nếu phiên toà phúc thẩm vẫn tuyên bị cáo Lương tội danh “vô ý làm chết người” sẽ là một tiền lệ rất xấu cho nền y khoa Việt Nam. Nếu phiên toà phúc thẩm tuyên xử phạt với các bị cáo một bản án mới không thay đổi so với bản án sơ thẩm, sẽ lại tiếp tục gây dậy sóng dư luận xã hội trong và ngoài ngành Y tế, có thể gây mất lòng tin của nhân dân.

Để bảo đảm vụ án được điều tra, truy tố, xét xử công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội và đảm bảo tính khoa học toàn diện, Bộ Y tế kiến nghị phiên toà phúc thẩm như sau: Việc 8 bệnh nhân tử vong trong chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, do tính chất phức tạp của vụ án nên việc xác định chính xác nguyên nhân tử vong, xác định rõ bản chất vụ án cần phải điều tra thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện, khách quan.

Theo Bộ Y tế, việc để xảy ra sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hoà Bình có hậu quả nên cần thiết phải áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc nhất. Các bị cáo đều phải có trách nhiệm, nhưng trách nhiệm đó là lỗi hay tội phạm và mức độ chịu trách nhiệm pháp lý của các bị cáo cũng khác nhau, nên phải được điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Phương Anh

19:32 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm