Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Xử lý sau thanh tra: Kinh nghiệm từ Quảng Nam

Chủ nhật, 31/12/2017 - 14:02

(Thanh tra)- Chánh Thanh tra Quảng Nam Đặng Phong cho biết, kết quả theo dõi xử lý hành chính, thu hồi tiền sai phạm sau các kết luận thanh tra trong năm 2017 ở tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra.

Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam Đặng Phong. Ảnh: NP

Trong tổng số kiến nghị xử lý về hành chính năm qua bao gồm: 58 tập thể và 65 cá nhân bằng hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm, đến nay đã xử lý xong 37 tập thể và 65 cá nhân.

Tổng số tiền sai phạm kinh tế phải thu hồi là 29,6 tỷ đồng và 36.267 USD (tương đương 797,8 triệu đồng), trong đó có nhiều khoản tiền nợ đọng khó thu hồi kéo dài từ năm 2012 - 2016 và số tiền phải thu của các Đoàn thanh tra phát sinh trong năm 2017 là 11,1 tỷ đồng.

Qua kiểm tra, đôn đốc, số phải thu giảm được hơn 10 tỷ đồng. Trong đó: Số điều chỉnh giảm theo chỉ đạo của UBND tỉnh là 1,48 tỷ đồng, số tiền đã thu hồi vào tài khoản của Thanh tra tỉnh là 8,3 tỷ đồng, bao gồm thu từ nợ đọng các năm 2012 đến 2016 và thu phát sinh trong năm 2017 hơn 4 tỷ đồng.

Để có được kết quả trên, công tác giám sát hoạt động các Đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh đã được chú trọng thường xuyên. Lãnh đạo Thanh tra tỉnh ban hành hơn 160 văn bản đôn đốc gửi các đơn vị, tổ chức, cá nhân về việc xử lý sai phạm trong việc thực hiện Kết luận thanh tra. Mở đầy đủ hồ sơ theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra đối với tất cả các Đoàn thanh tra của tỉnh.

Thanh tra tỉnh tổ chức 2 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đối với 3 Đoàn thanh tra đã quá thời hạn đôn đốc nhưng vẫn chưa hoàn thành, cụ thể: Kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra tại Ban Quản lý (BQL) các dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Nông Sơn, Cty Cổ phần Xây dựng giao thông 325, Cty Cổ phần Xây dựng SUCCESSLINE; Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Tam Kỳ (nay là Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Tam Kỳ) và BQL các dự án đầu tư xây dựng TP Tam Kỳ.

Sau khi các đoàn có kết luận thanh tra, lãnh đạo Thanh tra tỉnh giao thẳng cho Phòng Nghiệp vụ 5 có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thu hồi các khoản xử lý sau thanh tra. Một số trường hợp chậm nộp các khoản phải thu hồi, Thanh tra tỉnh thành lập tổ kiểm tra các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan để đôn đốc buộc thực hiện nghiêm.

Nhìn chung, công tác đôn đốc thu hồi sau thanh tra ở Quảng Nam đã làm giảm số nợ tồn đọng khó thu hồi một cách đáng kể. Tuy nhiên, số tiền phải thu phát sinh năm 2017 tương đối thấp, là do có nhiều Đoàn thanh tra vừa mới ban hành kết luận thanh tra như: Đoàn thanh tra nhiệm vụ quản lý thuế và việc chấp hành nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hội An, công tác quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Quế Sơn…

Mặt khác, có Đoàn thanh tra phải chờ ý kiến chỉ đạo từ UBND tỉnh nên chưa thể thực hiện việc đôn đốc, thu hồi các khoản sai phạm, như thanh tra tình hình hoạt động khai thác, chế biến đá, sử dụng đất và việc thực hiện các nghĩa vụ liên quan đối với Cty Cổ phần Kim Toàn...

Qua theo dõi, tỷ lệ thu hồi sai phạm sau thanh tra tại Quảng Nam năm 2015 đạt 88%, năm 2016 đạt 75%. Tuy nhiên, các kết luận thanh tra trước năm 2014 còn tồn đọng, tỷ lệ thu hồi còn thấp; nên vào tháng 9/2017, Thanh tra tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ xử lý sau thanh tra; nhằm nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng và kinh nghiệm xử lý sau thanh tra cho Thanh tra các huyện, TP và các sở, ngành trong tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra cũng gặp nhiều khó khăn; do các đơn vị, cá nhân vịn nhiều lý do chây ì, cố tình không nộp số tiền sai phạm; hoặc không nhận được sự phối hợp từ đối tượng được thanh tra, hoặc cấp quản lý trực tiếp của đối tượng thanh tra.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chánh Thanh tra Đặng Phong đưa ra một số kiến nghị: “Do chế tài xử lý sau thanh tra của ngành còn bất cập, chỉ có Thông tư liên tịch số 01 giữa Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra; quy định khi phát hiện có dấu hiệu tẩu tán tài sản mới được phong tỏa là chưa đủ mạnh. Nên cần áp dụng quy định về thu hồi giấy phép kinh doanh, không cấp hóa đơn giá trị gia tăng; cấm các doanh nghiệp tham gia đấu thầu, nhận thầu các công trình khác... Đồng thời, giao quyền cho cơ quan Thanh tra được phép cưỡng chế tài sản của đối tượng sai phạm để thu hồi triệt để vào ngân sách”.

Ngọc Phó

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm