Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Kết quả công tác thanh tra tiếp tục đóng góp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Phương Anh

Thứ ba, 15/10/2024 - 14:28

(Thanh tra) - Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo kết quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khoá XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Ngành Thanh tra triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Ảnh: PA

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao

Báo cáo cho thấy, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả theo đúng định hướng, chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp.

Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật, trong đó, việc chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra có nhiều tiến bộ công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tiếp tục có chuyến biến tích cực.

“Kết quả công tác thanh tra tiếp tục đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, báo cáo nêu rõ.

Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ tập trung chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, nhất là thúc đẩy rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Các cấp, các ngành đã cố gắng, nỗ lực, có giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai đồng bộ, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Công tác thanh tra, kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Quan hệ phối hợp công tác giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả…

Báo cáo kết quả thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã chú trọng đến việc thể chế hoá quan điểm chỉ đạo của Đảng, trong đó có Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng trong trình tham mưu xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra và các thông tư hướng dẫn nghiệp vụ về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ngoài ra, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ ban hành Nghị quyết số 122-NQ/BCSĐ ngày 1/3/2024 lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành Thanh tra tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vi phạm. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Luật Thanh tra 2022 và kế hoạch xây dựng thế chế, các kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, các đề án được Chính phủ giao.

Phát hiện vi phạm về kinh tế 106.672 tỷ đồng

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, trong thời gian qua, ngành Thanh tra tiếp tục có nhiều giải pháp nhằm củng cố, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra.

Về kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 5.675 cuộc thanh tra hành chính và 74.195 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, phát hiện vi phạm về kinh tế 106.672 tỷ đồng, 296 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 71.155 tỷ đồng và 25 ha đất.

Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 5.867 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 2.308 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện. Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 845 tỷ đồng, 18 ha đất; xử lý hành chính 1.366 tổ chức, 5.250 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 88 vụ, 115 dối tượng; khởi tố 21 vụ, 26 đối tượng.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2024, có 255.988 lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, với tổng số người được tiếp là 280.510 người về 206.382 vụ việc. Kết quả, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giải quyết 20.317/24.969 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 9,6 tỷ đồng, 0,4 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 17,6 tỷ đồng, 2,5 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 16 tổ chức, 353 cá nhân; kiến nghị xử lý 294 người; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 16 vụ, 13 đối tượng.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng công dân khiếu kiện lên Trung ương, trong đó lãnh đạo Thanh tra Chính phủ phối hợp với lãnh đạo các địa phương trực tiếp tiếp công dân tại các địa phương có vụ việc đông người, phức tạp; ban hành Quy chế tiếp công dân trực tuyến và Mô hình thí điếm tiếp công dân trực tuyến…

Ban hành Kế hoạch phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031…

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 3.455 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 267 đơn vị vi phạm. Có 3.214 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện 25 vụ việc, 35 người; trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 8 vụ, 10 người. Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 12 vụ, 20 người. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 5 vụ, 5 người liên quan đến tham nhũng.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, báo cáo nêu rõ, trong kỳ báo cáo có 17 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 24 người.

Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cho biết, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra bám sát nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để triển khai kế hoạch công tác.

Trong đó, bám sát định hướng chương trình thanh tra hằng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành để triển khai công tác thanh tra…

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra.

Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác này.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan Trung ương tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, đảm bảo công dân đến Trụ sở được tiếp, hướng dẫn theo quy định.

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch phối hợp tổ chức tiêp công dân phục vụ Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Tiếp tục thí điểm thực hiện Mô hình tiếp công dân trực tuyến.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030. Tiếp tục xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập…

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế thuộc chức năng quản lý; tổ chức thực hiện kế hoạch công tác xây dựng thể chế hằng năm của Thanh tra Chính phủ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành, của từng cơ quan, đơn vị…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm