Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Rút kinh nghiệm cán bộ nhiều sở, ngành về bảo vệ môi trường

Đan Quế

Thứ sáu, 16/10/2020 - 06:40

(Thanh tra) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Khánh mới đây đã ký báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ, về việc xử lý sau thanh tra việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường (BVMT) trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Khai thác đá vôi trắng tại Lục Yên, Yên Bái. Ảnh: TTX

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

Yên Bái là một trong các địa phương được Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật BVMT trong khai thác khoáng sản, cùng với Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang.

Báo cáo do ông Khánh ký khẳng định, UBND tỉnh đã thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về BVMT trong hoạt động khoáng sản; chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm công tác thẩm định hồ sơ môi trường… Tỉnh ủy, UBND tỉnh hết sức quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, đặc biệt trong năm 2019-2020.

Thực hiện Kết luận số 856 ngày 4/6/2020 của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Văn bản số 1832 ngày 1/7/2020 về việc triển khai thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tại văn bản này, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về BVMT trong hoạt động khoáng sản… Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã nơi có hoạt động khoáng sản tăng cường nắm bắt thông tin, kiến nghị, phản ánh của người dân trên địa bàn về ảnh hưởng tới môi trường, để kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm, không để tồn đọng.

UBND tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Đầu năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, kiểm tra tổng thể việc chấp hành pháp luật đối với các cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có lĩnh vực BVMT. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát đối với 143 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó 110 giấy phép đang còn hiệu lực và 33 giấy phép hết hiệu lực.

Hồ chứa bùn thải tại nhà máy chế biến quặng sắt Làng Mỵ. Ảnh: TTX

Đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử lý vi phạm hành chính với số tiền 1,475 tỷ đồng đối với một số hành vi như: Không có giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành, thực hiện không đúng một trong các nội dung bản cam kết BVMT, không  lập đề án đóng cửa mỏ.

Theo UBND tỉnh Yên Bái, hiện nay, việc xử lý vi phạm về lĩnh vực BVMT gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, vì một số doanh nghiệp do ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19, không thể tiếp tục tổ chức hoạt động sản xuất, phần lớn các doanh nghiệp phụ thuộc vào các đơn hàng với các nước đều bị đình trệ hoặc tạm dừng. Khả năng tài chính của bản thân các doanh nghiệp vốn đã không cao, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao, thời hạn cho vay ngắn, nên doanh nghiệp khó quay vòng vốn để trả lãi ngân hàng, trả lương cho người lao động; nguy cơ hoạt động của doanh nghiệp bị đình chỉ; ảnh hưởng đến uy tín và doanh thu của doanh nghiệp; thậm chí dẫn đến khả năng phá sản doanh nghiệp…

Khó khăn khi thu hồi số tiền nợ

Đối với yêu cầu của Thanh tra Chính phủ về việc doanh nghiệp khai thác khoáng sản chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về BVMT trong khai thác khoáng sản, trong đó có việc nộp tiền phí BVMT, tiền ký quỹ phục hồi môi trường (PHMT), xác nhận hoàn thành công trình BVMT, Cục Thuế tỉnh Yên Bái đã ban hành Văn bản số 2502 ngày 17/7/2020 gửi các đơn vị trong toàn ngành thuế, yêu cầu chủ động phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện tốt việc kê khai, quyết toán và thu nộp đầy đủ, đúng quy định.

Tại Kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ chỉ ra 73 điểm mỏ nợ, chậm nộp tiền ký quỹ PHMT với số tiền 45,24 tỷ đồng. Tính đến ngày 24/9/2020, tổng số tiền các đơn vị đã nộp khắc phục là 9,23 tỷ đồng. Ngoài ra, sau khi rà soát đến năm 2020 thì 7 đơn vị đã được đóng cửa mỏ, hoặc tạm dừng khai thác từ lâu nên được xóa nợ, giảm số tiền nợ với tổng số tiền là 1,1 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền doanh nghiệp đã nộp khắc phục, được xóa nợ hoặc giảm nợ là 10,3 tỷ đồng.

Bể chứa bùn thải tại nhà máy chế biến quặng sắt Làng Mỵ. Ảnh: TTX

Đối với 8 cơ sở được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Kết luận số 856, UBND tỉnh Yên Bái đã xem xét, xử lý những tồn tại về BVMT. Trong đó, có 4 cơ sở đã lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT, gồm: Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Chân Thiện Mỹ, 2 cơ sở của Công ty Cổ phần Thịnh Đạt, Công ty Cổ phần Khoáng sản Đại Phát. UBND tỉnh đã xử lý vi phạm đối với 2 cơ sở của Công ty Cổ phần Thịnh Đạt về hành vi “không có giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT”.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, làm việc và tham mưu xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp không có giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm hết sức khó khăn.

Vi phạm không đến mức phải kỷ luật

Việc cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, nhưng có công trình không đầy đủ về hạng mục hoặc kích thước chưa đạt yêu cầu theo báo cáo đánh giá tác động môi trường: UBND tỉnh nhận thấy Sở Tài nguyên và Môi trường có tồn tại trong việc chưa yêu cầu Công ty Cổ phần Khoáng sản Viglacera làm thủ tục điều chỉnh, bổ sung công trình BVMT; Nhà máy chế biến đá của Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam để đảm bảo chặt chẽ trước khi cấp giấy xác nhận. Tuy nhiên, việc này không gây hậu quả cho môi trường, vì thực tế doanh nghiệp có biện pháp khác tương ứng, thậm chí có bổ sung thêm hạng mục BVMT.

Hiện nay, theo quy định tại khoản 6, Điều 4, Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định chi tiết thi hành một số điều Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, thì việc điều chỉnh này do doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, Công ty Cổ phần Khoáng sản Viglacera, Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam không phải làm thủ tục điều chỉnh hạng mục BVMT.

Ngoài ra, đối với trường hợp công trình bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa kịp thời khắc phục, hoặc quá trình hoạt động doanh nghiệp làm thay đổi kết cấu, kích thước của công trình, thì thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái san lấp một phần diện tích hồ lắng mỏ đá vôi Mông Sơn; Công ty Cổ phần Khoáng sản Viglacera đã tháo đường ống thu gom bụi nhà máy chế biến quặng Felpast; Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam chưa kịp thời khắc phục hư hỏng, bồi lấp hệ thống rãnh thu gom nước thải mỏ đá Cốc Há II…

Khai thác đá tại Lục Yên. Ảnh: TTX

Hiện nay, việc điều chỉnh công trình, biện pháp BVMT so với báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo cơ chế doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 6, Điều 4, Thông tư số 25. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang thực hiện việc kiểm tra, hướng dẫn gắn với quá trình kiểm tra phục vụ việc cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT.

Về nội dung kiểm tra, rà soát, xử lý theo quy định đối với các dự án hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản nhưng không thực hiện việc PHMT, không hoàn thiện hồ sơ đóng cửa mỏ: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các doanh nghiệp có giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn nhưng không thực hiện việc cải tạo, PHMT, không hoàn thiện hồ sơ đóng cửa mỏ, phải lập hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định. Bước đầu, UBND tỉnh Yên Bái đã xử lý vi phạm đối với 1 doanh nghiệp về hành vi “không lập đề án đóng cửa mỏ”.

Việc rà soát, xử lý đối với các dự án được cấp phép nhiều năm nhưng chậm đưa mỏ vào hoạt động: Ngày 31/7/2020, UBND tỉnh có Văn bản số 2230 về việc đôn đốc, xử lý các tồn tại, hạn chế đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tại văn bản này, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đôn đốc các mỏ chậm tiến độ khẩn trương khắc phục tồn tại để đưa mỏ vào khai thác trong năm 2020. Sau thời hạn năm 2020, nếu không thực hiện, UBND tỉnh sẽ xem xét xử lý, thu hồi theo quy định.

UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra các tồn tại, khuyết điểm, sai phạm về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. UBND tỉnh cũng cho rằng những tồn tại, thiếu sót của các tổ chức, cá nhân liên quan nêu trên chưa đến mức phải xử lý kỷ luật, nhưng mỗi tập thể, cá nhân đã rút ra những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, mỗi tập thể, cá nhân nhận thấy phải rút kinh nghiệm sâu sắc, không để tái diễn tồn tại, vi phạm và có kế hoạch cụ thể để khắc phục triệt để tồn tại, vi phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra.

UBND tỉnh Yên Bái kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Yên Bái: Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn doanh nghiệp chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phải hoàn thiện và được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT trong năm 2021. Vận dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính để áp dụng mức phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả với mức tối thiểu của khung phạt của các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Áp dụng mức phạt tiền với mức tối thiểu của khung phạt tiền và không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở.

Đối với các doanh nghiệp vi phạm về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, cho phép tạm thời chưa áp dụng xử phạt đối với hành vi chậm nộp, không nộp tiền ký quỹ, cải tạo PHMT. Sau năm 2021, các doanh nghiệp không thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kiểm điểm trách nhiệm nhiều sở cho phép Công ty STO tiếp tục triển khai dự án

Kiểm điểm trách nhiệm nhiều sở cho phép Công ty STO tiếp tục triển khai dự án

(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng vừa ký Công văn số 9479 về việc tổ chức thực hiện một số nội dung tại kết luận của Chánh Thanh tra tỉnh về thanh tra toàn diện Dự án (DA) Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), do Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư nông nhiệp, nông thôn và Dịch vụ thể thao, du lịch STO (Công ty STO) làm chủ đầu tư.

Ngọc Phó

18:00 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm