Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo xét tuyển "đặc cách" cô giáo không tay có nghị lực phi thường

Văn Thanh

Thứ sáu, 09/06/2023 - 20:00

(Thanh tra) - Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra chiều ngày 9/6/2023, ông Lê Trọng Thụ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn cho biết, sẽ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí Thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, tiến hành lập danh sách, đấu mối với Sở Nội vụ để tiến hành xét tuyển đặc cách đối với cô giáo Lê Thị Thắm theo đúng quy trình, quy định của Nhà nước.

Cô giáo không tay Lê Thị Thắm phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc". Ảnh: VT

Ngày 9/6/2023, trong Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" (11/6/1948 - 11/6/2023) và tuyên dương các điển hình tiên tiến học tập Bác, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã chỉ đạo tuyển dụng đặc cách cô giáo tự do Lê Thị Thắm vào trường tiểu học hoặc THCS (xã Đông Thịnh hoặc xã Đông Yên, huyện Đông Sơn).

Tại lễ tổng kết, cả hội trường như lặng đi khi nghe bài tham luận của chị Lê Thị Thắm (ngụ xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), hiện là giáo viên tự do, mở lớp dạy học Tiếng Anh tại nhà cho các em nhỏ cấp tiểu học và THCS.

Thắm là một cô gái trẻ không may mắn trong cuộc sống, khi mới sinh ra em đã mất đi đôi tay vĩnh viễn. Với nghị lực phi thường, cô gái "chim cánh cụt" này đã làm nên những điều phi thường khiến ai cũng ngưỡng mộ, thán phục.

Cô giáo không tay Lê Thị Thắm. Ảnh: VT

Thắm xúc động kể: Cháu sinh ra trong một gia đình thuần nông. Từ khi sinh ra cháu đã không được may mắn, hoàn thiện như bạn bè cùng trang lứa. Khi mới chào đời, cháu chỉ nặng hơn 1 kg và không có hai tay. Cháu lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, đặc biệt là sự chăm sóc của mẹ. Vì đảm bảo mưu sinh cho gia đình, nên tất cả gánh trên vai bố cháu, do đó gia đình cháu rất vất vả. Khi cháu được 4 tuổi, mẹ cháu mẹ cho cháu đi mẫu giáo, nhờ cô giáo trông non để mẹ tìm việc làm thêm để mưu sinh.

Sau 6 tháng đến trường mầm non, thấy tất cả các bạn được cô giáo cho tập viết mà cô lại chỉ trừ cháu ra, nên cháu cũng đòi bằng được cô cho mình tập viết. Cô giáo nghĩ cháu không có tay thì viết làm sao nên cũng chỉ đành đưa cho cháu tờ giấy và cây bút chì để vẽ nguệch ngoạc. Thấy các bạn kẹp bút vào tay, cháu cũng lấy bút kẹp vào ngón chân trái của mình để tập viết theo các bạn. Vì chân phải của cháu ngắn hơn chân trái nên việc kẹp bút để viết thành chữ đã khó lại càng khó hơn, những ngón chân của cháu nhiều hôm trầy xước, phồng rộp khiến cháu rất đau và đêm về không thể ngủ được.

Không nản chí, dù ở trên lớp hay ở nhà, cháu đều tập viết rất miệt mài, chăm chỉ. Thấy cháu kiên trì tập viết như vậy nên ở lớp cô giáo cũng rất thương và cô luôn cầm chân của cháu để dạy cháu tập viết. Ở nhà, mẹ cũng mua vở, bút và cũng dạy cháu tập viết…

Quả là ông trời không phụ công sức của cháu, lên 5 tuổi, cháu không chỉ viết thành thạo mà còn đọc được số và chữ cái. Bố mẹ và gia đình rất vui, không nghĩ cháu có thể làm được. Vì vậy, khi cháu lên 6 tuổi, mẹ cho cháu vào lớp 1 trường làng như bao bạn trẻ xung quanh.

Cô giáo không tay dạy học cho các học sinh ở xã Đông Thịnh. Ảnh: VT

Cứ như vậy, với sự trợ giúp của gia đình, công lao của mẹ, của thầy cô, như bao học sinh bình thường khác, cháu đã hoàn thành việc học của 12 năm học và tiếp tục phấn đấu để thực hiện ước mơ của mình - ước mơ được ngồi học ở giảng đường đại học.

Năm 2016, cháu, một thí sinh "đặc biệt" cũng tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Cháu may mắn được thầy Nguyễn Mạnh An - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức - đặc cách vào trường và vào Khoa Sư phạm tiếng Anh, hệ đại học, đúng như ước mơ của cháu. Dù được nhà trường đặc cách nhưng cháu vẫn đăng ký dự thi và đi thi giống tất cả các bạn bình thường khác. Sau đó, cháu đã trúng tuyển vào Trường Đại học Hồng Đức.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cháu về quê mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí, bổ trợ tiếng Anh cho các em gần nhà. Thời gian đầu, cháu mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em trong làng, sau này một số phụ huynh gửi con học thêm, nâng cao kiến thức nên cháu quyết định mở lớp dạy thêm tại nhà, rồi xin bố mẹ mua thêm trang thiết bị để thuận tiện cho việc giảng dạy. Với cháu, đó là một công việc - thay lời cảm ơn của cháu đến bố mẹ, hàng xóm, bạn bè và thầy cô đã đồng hành và giúp đỡ trong suốt những năm qua…

Mặc dù thân hình cháu khiếm khuyết và nhỏ bé nhưng mong muốn, ước mơ, quyết tâm và nỗ lực của bản thân cháu thì rất to lớn. Hiện tại, ước mơ có một lớp học tại nhà của riêng mình đã được hoàn thành nhưng mơ ước lớn nhất của cháu là một ngày được đứng trên bục giảng, quan sát và giảng dạy cho học sinh trên lớp và được cống hiến trong một môi trường giáo dục.

Cháu sẽ luôn hoàn thiện bản thân, luôn cố gắng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, dù bản thân có nhiều hạn chế nhưng cháu tự tin sẽ nỗ lực, sẽ tận tâm tận lực cống hiến nếu được trao cơ hội. Vì cháu nghĩ rằng, "trước khi mặt trời mọc là khoảng thời gian tăm tối nhất. Bạn của tương lai đừng quên mình ở hiện tại. Cứ đi về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn. Bây giờ dù bạn đang đứng ở đâu cũng đừng quên rằng bản thân bạn sẽ luôn tiến về phía trước"".

Cảm động trước hoàn cảnh và nghị lực phấn đấu của cô giáo, tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã chỉ đạo tiến hành tuyển dụng đặc cách Thắm vào trường tiểu học hoặc THCS (xã Đông Thịnh hoặc xã Đông Yên, huyện Đông Sơn).

Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa giao nhiệm vụ cho ông Lê Trọng Thụ, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn, phối hợp với Sở Nội vụ để thực hiện việc tuyển dụng và bố trí công tác cho cô giáo Thắm ngay trong năm học mới (2023-2024).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Chuẩn bị “từ sớm”, “từ xa” các phương án tiếp công dân để phục vụ Đại hội Đảng các cấp

Chuẩn bị “từ sớm”, “từ xa” các phương án tiếp công dân để phục vụ Đại hội Đảng các cấp

(Thanh tra) - Trong thời gian qua, các địa phương tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) phức tạp, kéo dài, không để phát sinh “điểm nóng”; đồng thời, triển khai các kế hoạch tiếp công dân (TCD) nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV.

Thái Hải

08:00 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm