+ Điều gì đã thôi thúc anh viết lên ca khúc "Khát khao quay về"?

- Điều thôi thúc tôi viết về ca khúc này xuất phát từ một số người bạn, người thân của tôi nhiều năm lăn lóc mưu sinh khi sống ở xứ người. Họ kể cho tôi nghe về cuộc sống của những người xa xứ.

Người thì làm việc quần quật, không kể thời gian, không ngơi nghỉ chỉ để kiếm tiền gửi về cho gia đình, vợ con mong một cuộc sống đủ đầy, no ấm và hạnh phúc.

Có người bạn khác của tôi, xa xứ hơn 30 năm rồi chưa một lần trở về quê hương do số phận hẩm hiu kiếm tiền không được, đành “tha phương” ở xứ người. Rồi, có người do hoàn cảnh phải chạy lánh nạn mà bao nhiêu năm chắt chiu, gom góp chưa kịp gửi về gia đình trở nên tay trắng…

Tất cả họ đều có nỗi niềm chung nhớ về quê hương, nhớ gia đình, bạn bè, người thân da diết. Họ nhớ quê hương đến cháy lòng, nhất là mỗi khi Tết đến Xuân về. Họ khao khát được quay về quê hương để đoàn tụ, quây quần với gia đình, người thương, làng xóm láng giềng.

Mỗi thân phận, mỗi hoàn cảnh nêu trên cứ day dứt trong tôi và gieo cảm xúc dâng trào để tôi viết thành công ca khúc này.

+ Với ca khúc "Khát khao quay về", anh muốn nói điều gì về những người xa quê?

- Ca khúc “Khát khao quay về” là câu chuyện kể về cuộc sống của những người mưu sinh xa quê. Họ "lăn lóc" giống như quả bóng, được "đá đi đá lại" trong dòng đời xuôi ngược. Mặc dù cực nhọc mưu sinh, bộn bề lo toan cuộc sống nhưng đâu đó trong tâm trí họ vẫn luôn hướng về quê hương về đất mẹ. Họ đau đáu hướng về quê giữa bộn bề mưu toan cuộc sống.

Nỗi nhớ quê hương của họ đã dồn nén, tích tụ quá lâu chỉ cần có cơ hội “vẳng” một tiếng ru thôi là nỗi nhớ ấy ùa về, bùng cháy dữ dội, nhớ đến cồn cào, da diết.

Họ không thể trở về nên chỉ nhớ về hoài niệm một làng quê lam lũ, nhọc nhằn. Nơi có cha mẹ người thân thắp đèn ăn cơm tối, cấy lúa đêm trăng, vất vả bao đời. Nhớ về công ơn cha mẹ đã chắt chiu nuôi mình khôn lớn bằng bát cơm đầy, trĩu nặng mồ hôi, chắt từ mẹ cha. Cha mẹ không chỉ nuôi bằng cơm gạo, mà nuôi bằng cả tình yêu thương vô hạn, bằng những làn điệu dân ca, dân vũ; bằng giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

+ Trong ca khúc này, tôi rất thích câu "Chỉ về bên mẹ sóng thôi vỗ bờ. Chỉ về quê mẹ ấm áp yêu thương". Anh có thể chia sẻ thêm về hai câu hát này?

- Quy luật muôn đời là sóng vỗ vào bờ, nhưng quy luật đó sẽ bị phá bỏ khi xuất hiện trước mẹ. Chặng đường đời của mỗi con người đều gặp những khó khăn, sóng gió, bão tố. Và, chỉ khi về bên mẹ, về quê hương, về đất mẹ, những đứa con sẽ được bao bọc, che chở, yêu thương, bình yên, ấm áp.

Người mẹ, trong ca khúc rất thánh thiện, bao dung luôn không chỉ bao bọc, che chở cho con mà còn chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai nuôi chúng ta khôn lớn, nên người.

Trong ca khúc này, xuyên suốt là tình yêu quê hương, đất nước, một tình yêu vĩnh cửu trong mỗi chúng ta.

 + Anh có "tứ" gì khi khắc họa lên hình ảnh về làng quê của anh trong đoạn cuối bài hát?

- Không chỉ quê tôi mà làng quê Việt Nam đều có những điểm chung. Dù đi xa bao năm, đi đến đâu, làm gì, sinh sống ra sao thì làng quê mình đã khắc sâu vào trí nhớ không thể phai mờ trong mỗi con người đã từng sinh ra và lớn lên ở đó.

Làng quê Việt Nam rất đẹp, rất đỗi thanh bình, nhất là khi Tết đến, Xuân về. Làng quê Việt Nam đẹp đến nao lòng. Vẻ đẹp đó được tôi "vẽ" bằng ngôn ngữ có đầy đủ màu sắc, âm thanh, để có thể đánh thức tất cả các giác quan của khán giả khi nghe ca khúc này.  

Làng quê Việt Nam khi mùa Xuân về: Khói lam vờn bay, nghiêng xa mái bếp, mùi bánh chưng xanh thơm ngập đường làng, đàn trẻ nô đùa, cười vang, tung tăng, khoe áo mới… đắm mình trong dân vũ, dân ca. Bức tranh về quê hương sống động, dâng trào cảm xúc làm thổn thức bao trái tim người đi xa.

Chính vì vậy, "khát khao quay về" trở thành mệnh lệnh của trái tim, là quyết định mạnh mẽ của lý trí đưa ra để những người xa xứ quay về quê hương.

Hoa Quế