Nhà máy DAP Đình Vũ được vận hành từ năm 2009, với sản lượng phân bón DAP là 330.000 tấn/năm, qua đó phát sinh hàng trăm nghìn tấn bã thải GYPS mỗi năm. Hiện nay, bã thải GYPS được đổ tại bãi thải nhà máy, lượng lớn phế thải này chưa được xử lý dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ phát sinh sự cố môi trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bã thải GYPS tiềm ẩn nguy cơ rất lớn với môi trường do chứa nhiều chất độc hại như axít HF, H2SO4, H3PO4 và các muối kim loại nặng, phóng xạ. Bã thải GYPS sẽ gây hại khi hàm lượng axit dư trong bã thải GYPS rò rỉ ra môi trường và không được xử lí triệt để.

Theo Báo cáo số 430/BC-DAP ngày 6/7/2021 của Công ty Cổ phần DAP Vinachem, từ năm 2009 đến hết 31/12/2020, cho thấy tổng khối lượng phát sinh trong 12 năm là 4,3 triệu tấn. Khối lượng chế biến và tiêu thụ chỉ đạt 800.000 tấn. Lượng còn tồn trữ là 3,5 triệu tấn.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP Vinachem xác nhận, lượng bã thải GYPS tồn trữ tăng thêm 1,2 triệu tấn so với số liệu thống kê năm 2016 là khoảng 2,3 triệu tấn.

Lượng bã thải GYPS phát sinh 6 tháng đầu năm 2021 là 189.000 tấn. Lượng chế biến và tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2021 là 190.000 tấn, trong đó, riêng quý II/2021 tiêu thụ được 123.000 tấn, nhỉnh hơn lượng bã thải thạch cao phát sinh sản xuất hàng ngày của Công ty DAP.

Như vậy, lượng tồn trữ đến 20/6/2021 vẫn là 3,5 triệu tấn. Diện tích đang chứa gồm: Bãi chứa thạch cao tạm thời là 13ha, đang chứa 2 triệu tấn, chiều cao đang chứa là 30m; phần diện tích bãi chứa lâu dài là 12ha, đang chứa 1,5 triệu tấn, chiều cao chứa là 20m.

Để xử lý núi bã thải GYPS, công ty vẫn đang triển khai theo 2 hướng chính là chế biến thạch cao làm thạch cao phụ gia xi măng và chế biến làm vật liệu cốt nền đường giao thông. Tuy nhiên, việc chế biến thành thạch cao phụ gia xi măng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh, nên từ năm 2017 - 2020, chỉ tiêu thụ được khoảng 160.000 - 200.000 tấn/năm. Riêng từ tháng 3/2021 đến nay, do giá thạch cao tăng, nhu cầu sản phẩm thay thế tăng mạnh, nên lượng tiêu thụ có cao hơn. Trong khi đó, việc chế biến làm vật liệu cốt nền đường giao thông vẫn đang trong lộ trình lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

leftcenterrightdel
Ảnh: Hoàng Long 
 

Nhằm phòng ngừa phát sinh sự cố về môi trường, Công ty Cổ phần DAP Vinachem thực hiện các biện pháp gia cố, mở rộng tuyến đê bao giáp các hồ chứa; bọc phủ màng HDPE để tách nước mưa tại khu vực bãi chứa thạch cao lâu dài trong năm 2019, 2020; trồng cây xanh tại các khu vực ô đất trống bên trong nhà xưởng, bậc thang của bãi chứa thạch cao…

Theo thống kê, DAP Đình Vũ từng 4 lần xảy ra sự cố ảnh hưởng đến môi trường. Lần thứ nhất, từ giữa năm 2009, DAP Đình Vũ rò rỉ khoảng 7 tấn axit sunfuric (H2SO4) tại kho chứa. Đầu năm 2011, tại khu vực cầu cảng rò rỉ khí amoniac (NH3). Giữa năm 2013 lại xảy ra vụ nước từ bãi thải tràn qua đê vào hồ điều hòa làm nước trong hồ chứa nước thải nhiễm ra hồ nước sạch của công ty, làm chết cá của các hộ nuôi trồng thủy sản xung quanh. Tháng 9/2015, một lượng lớn bã GYPS từ mỏm cao nhất của bãi thải tràn xuống vùng hồ chứa nước axit bên trong bãi chứa GYPS, làm bùn dung dịch GYPS và nước axit thu gom từ hồ chứa tràn qua đập chắn ra khu vực ngã ba đường giao thông Khu công nghiệp Đình Vũ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Mỗi năm, tại Việt Nam, ước tính có khoảng 20 triệu tấn tro xỉ, 6-7 tấn chất thải từ nhà máy sản xuất đạm, hóa chất, nếu không xử lý tốt sẽ có khả năng xảy ra sự cố môi trường nặng nề.

“Nhà máy DAP là một trong những trọng điểm ô nhiễm, vị trí ô nhiễm nhất chính là bãi thải này. Trong quá trình sản xuất, vận hành gây nên rất nhiều bức xúc trong nhân dân và cử tri thành phố. Bãi thải lại nằm ngay vị trí hết sức nhạy cảm là cửa ngõ đi vào vùng du lịch Cát Hải, Cát Bà, lại đầu nguồn gió, vị trí của bãi lại gần nguồn nước lọc, thủy triều lên dễ gây ô nhiễm và rất nhạy cảm về vấn đề sinh thái. Quá trình vận hành xảy ra nhiều lần sự cố, đặc biệt là thu gom và xử lý nước rỉ từ bãi GYPS, vấn đề nữa là bụi, ô nhiễm môi trường không khí và hơi axit”, ông Phạm Quốc Ka, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng từng phát biểu tại hội nghị khoa học và công nghệ đánh giá chất lượng sản phẩm thạch cao nhân tạo thu được từ quá trình xử lý chất thải GYPS của Nhà máy Phân bón DAP Vinachem Đình Vũ, Hải Phòng, ngày 21/1/2017.  

Hoàng Long