Nhận thức chưa đầy đủ việc bảo vệ khoáng sản

Bộ TN&MT cho biết, trong thời gian qua mặc dù Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện nhưng nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền quản lý, sử dụng đất, rừng hợp pháp của mình để khai thác khoáng sản trái phép. Điển hình là hoạt động khai thác than trong vườn nhà của người dân ở các khu vực mỏ than tỉnh Quảng Ninh; khai thác quặng sắt, quặng cao lanh, đá cảnh khai thác nước khoáng trong diện tích đất được giao sử dụng tại một số tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Ninh Bình; khai thác vàng tỉnh Quảng Nam, Lai Châu, Điện Biên, Kon Tum và khai thác vật liệu xây dựng thông thường (san lấp) diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Phúc...

Đặc biệt, người dân địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và vùng đồng bào DTTS, thậm chí cán bộ cấp xã chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của địa phương và người dân trong việc bảo vệ khoáng sản. Có một bộ phận người dân ở một số địa phương đời sống hết sức khó khăn, không có nghề ổn định cho cuộc sống nên đã coi hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát sỏi sông suối, sét gạch ngói, đá ong, đá chẻ) hay khai thác vàng, thiếc, đá cảnh như là một nghề để mưu sinh.

Phần lớn khoáng sản bị khai thác trái phép có giá trị cao như khoáng sản quí hiếm, có giá trị kinh tế cao thường phân bố ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, hạ tầng kỹ thuật thấp kém; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, dân trí thấp. Trong khi đó lực lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại các địa phương rất mỏng, trung bình chỉ có từ 3 - 5 người ở cấp tỉnh, và 1 người (kiêm nhiệm) ở cấp huyện nên không thể kiểm soát, phát hiện kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép để xử lý.

Mặt khác, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của UBND các cấp, nhất là UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Chưa có chế tài xử lý mạnh mẽ đối với người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để diễn ra hoạt động khai thác trái phép, tái diễn hoặc diễn ra công khai, lâu dài mà không xử lý dứt điểm.

Ngoài ra, tình trạng xuất khẩu lậu khoáng sản dạng nguyên liệu thô qua biên giới bằng nhiều đường khác nhau (đường bộ, đường biển) tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả cũng là nguyên nhân kích thích hoạt động khai thác khoáng sản trái phép…

Bảo vệ quyền lợi người dân nơi có khoáng sản khai thác

Để khắc phục những hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đó, Bộ TN&MT đã phối hợp với UBND các cấp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản; chỉ đạo triển khai, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn cả nước. Trong đó, công tác đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cho người dân nông thôn và đồng bào các DTTS được đẩy mạnh, đặc biệt chú trọng đến việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn bảo vệ tài nguyên khoáng sản, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên khoáng sản phù hợp với tiềm năng, thế mạnh phát triển và phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, miền. Đảm bảo người dân nông thôn, đồng bào các DTTS miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của các bộ, ngành và các cấp về lĩnh vực tài nguyên và môi trường; khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.... phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn.

Bộ cũng đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Đề án “Tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng pháp luật về tài nguyên môi trường". Các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể đều tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó tổ chức hội thảo, tập huấn tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… Nội dung các cuộc tập huấn, hội thảo đều chú trọng những nội dung quy định mới và chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, Bộ TN&MT còn chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phối hợp với một số sở TN&MT có hoạt động khoáng sản sôi động tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, lãnh đạo các địa phương; trả lời các tổ chức, cá nhân về chính sách, pháp luật về khoáng sản, quản lý và cấp phép hoạt động khoáng sản.

Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Ninh Thuận tổ chức hội thảo Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật triển khai một số văn bản mới ban hành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản. Đồng thời tổ chức giao ban vùng, làm việc, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm với một số địa phương để cùng tháo gỡ những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản.

Huy động nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị - xã hội tham gia vào công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân nông thôn và đồng bào các DTTS miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo về tài nguyên khoáng sản.

Mặt khác, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi người dân nơi có khoáng sản khai thác, bảo đảm, thực thi quyền lợi của địa phương, người dân nơi có khoáng sản khai thác; hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về khoáng sản một cách đồng bộ, thống nhất để đảm bảo quyền lợi người dân nơi có khoáng sản khai thác được thực thi.

Có thể thấy, trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên. Đến nay, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên khoáng sản cho người dân vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo đã giúp bà con nhân dân các dân tộc nâng cao hiểu biết pháp luật, tự mình bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình về tài nguyên khoáng sản.

Thái Hải