Theo Trung tâm KTTV Quốc gia, trạng thái La Nina hiện tại còn duy trì trong các tháng 2 và 3, sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương (khu vực NINO3.4) có xu hướng tăng dần và có khả năng chuyển dần sang trạng thái trung tính trong khoảng thời kỳ từ tháng 4 - 5 với xác suất khoảng 75 - 85%; sau đó xu hướng nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 tiếp tục có xu hướng tăng trong những tháng mùa hè năm 2023.

Đối với không khí lạnh, trong nửa cuối tháng 2 và tháng 3, không khí lạnh hoạt động với tần suất và cường độ giảm dần, tuy nhiên vẫn còn khả năng gây ra rét đậm tại các tỉnh vùng núi và trung du Bắc bộ.

Nắng nóng có thể xuất hiện ở Tây Bắc Bắc bộ và Nam bộ trong tháng 3, sau đó gia tăng về cường độ và lan dần sang Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ vào tháng 4 - 5.

Nhiệt độ trung bình tháng 3 đến tháng 5 ở Bắc bộ phổ biến cao hơn 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Trong đó, tháng 3, nhiệt độ ở Bắc bộ cao hơn từ 0,5 - 1 độ C, Trung bộ nhiệt độ trung bình cao hơn 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm.

Cao điểm nắng nóng xuất hiện từ tháng 6 - 8, chủ yếu ở Bắc bộ và Trung bộ, cường độ nắng nóng có thể gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022. Trong các tháng này, nhiệt độ trên phạm vi cả nước phổ biến ở mức cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Từ nay đến tháng 5, bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông nhưng nhiễu động nhiệt đới vẫn còn hoạt động trên khu vực phía Nam Biển Đông.

Tuy nhiên, từ tháng 6 - 8, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng tương đương với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (khoảng 4 - 5 cơn bão/áp thấp nhiệt đới) và có thể xuất hiện từ nửa cuối tháng 6.

Cũng theo Trung tâm KTTV Quốc gia, tháng 3 - 5, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc bộ phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng tháng 3 tại khu vùng núi phía Đông Bắc bộ tổng lượng mưa thiết hụt từ 15 - 30% so với trung bình nhiều năm.

Tổng lượng mưa tại khu vực Trung bộ có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 5 - 10%, phía Nam có nơi cao hơn; riêng khu vực Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế trong tháng 5 tổng lượng mưa có xu hướng thấp hơn từ 5 - 15%.

Tại khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, tháng 3 vẫn có khả năng xuất hiện mưa dông trái mùa cục bộ, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 30 - 60% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ có khả năng bắt đầu sớm hơn so với trung bình hàng năm và trong tháng 4 - 5 tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10 - 25% so với trung bình nhiều năm.

Thái Hải