Thanh tra UBND tỉnh Hòa Bình trong công tác quản lý Nhà nước ngành Xây dựng, tại Kết luận Thanh tra số 105/KL-TTr ngày 24/12/2020 của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ rõ nhiều bất cập, hạn chế trong công tác cấp phép; sai phạm, buông lỏng quản lý hoạt động sản xuất gạch nung trên địa bàn.

Cấp phép vượt quy hoạch

Giai đoạn 2015-2019, tỉnh Hòa Bình đã quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án sản xuất gạch nung với tổng công suất 609trv/năm; trong đó, 3 dự án đã đi vào sản xuất, 2 dự án đang đầu tư, 6 dự án còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Qua thanh tra cho thấy, quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh Hòa Bình tại 10/11 dự án không nằm trong quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) của tỉnh đã được phê duyệt, không gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, vi phạm khoản 3, Điều 1 Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung các quyết định chủ trương đầu tư không có mục công nghệ áp dụng, vi phạm quy định khoản 8, Điều 33 Luật Đầu tư 2014.

Không thực hiện mục tiêu giảm dần sản xuất gạch nung theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng, cấp phép đầu tư vượt so với quy hoạch được duyệt. Với tổng công suất đã cấp phép giai đoạn 2015-2019 đối với 11 dự án sản xuất gạch nung là 609trv/năm, đã gấp 7,7 lần so với quy hoạch giai đoạn 2016-2020.

Tổng công suất thiết kế thực tế đã cấp phép đầu tư đến tháng 7/2020 đối với 24 DN sản xuất gạch tuynel là 1.061trv/năm, đã vượt quy hoạch tương ứng với 26,3%.

Buông lỏng quản lý

Cũng qua thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Gạch tuynel Phong Phú, công suất 0,9trv/năm không đảm bảo công suất tối thiểu quy định là 10trv/năm; mặt khác, DN đầu tư công nghệ lò vòng không đúng với quyết định chủ trương đầu tư là lò tuynel, nhưng Sở Xây dựng và chính quyền địa phương không xử lý theo quy định.

Việc quản lý trật tự xây dựng tại một số huyện của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã có dấu hiệu buông lỏng quản lý dẫn đến một số DN tự ý đầu tư xây dựng dự án sản xuất gạch tuynel không nằm trong quy hoạch, không có chủ trương đầu tư, không có giấy phép xây dựng, xây dựng không đúng nội dung giấy phép xây dựng nhưng không phát hiện, xử lý kịp thời, không báo cáo UBND tỉnh. Cụ thể:

Tại huyện Kim Bôi: Xây dựng không có chủ trương đầu tư, không có giấy phép xây dựng 2 nhà máy gạch tuynel công suất 50trv/năm/DN tại xã Đú Sáng và xã Kim Bôi.

Tại huyện Lương Sơn: Công ty Sản xuất VLXD Thuận Hòa Phát xây dựng xong các hạng mục của dự án, mặc dù không có giấy phép xây dựng.

Tại huyện Lạc Thủy: Công ty CP Gốm mỹ HB tại xã Yên Bồng xây dựng hạng mục nhà chế biến nhiên liệu xây dựng tăng thêm diện tích 684m2 so với giấy phép.

Chủ trương đầu tư 8 dự án không đúng chỉ đạo của Chính phủ

Tại Văn bản số 669/UBND-NNNT ngày 11/4/2018 của UBND tỉnh Hòa Bình gửi Thủ tướng đề nghị tạo điều kiện cho 8/11 dự án nhà máy gạch tuynel đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư (từ 28/12/2016 đến 7/2/2018) được tiếp tục triển khai, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 7408/VPCP-CN ngày 3/8/2018, trong đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 9/1/2018 có nội dung “UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung”.

Mặt khác, theo quy định tại điểm 2, Văn bản 8616/VPCP-CN ngày 10/9/2018 của Văn phòng Chính phủ quy định “… Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, chấp thuận các dự án cải tạo, chuyển đổi công nghệ tiên tiến đối với gạch đất sét nung đảm bảo (lò tuynel sản xuất theo công nghệ tiên tiến)…”.

Như vậy, 8 dự án nhà máy gạch nung đã được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư không đúng theo yêu cầu tại Văn bản 8616/VPCP-CN ngày 10/9/2018 của Văn phòng Chính phủ do đây là các dự án đầu tư mới, không phải là dự án cải tạo, chuyển đổi công nghệ.

Việc triển khai 8 dự án gạch nung là không phù hợp với mục tiêu cụ thể “phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 30-40% vào năm 2020”, theo quy định tại khoản 2, Điều 1 Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; không thực hiện việc hạn chế sản xuất gạch đất sét nung theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/12/2012 của Thủ tướng về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế, sử dụng gạch đất sét nung.

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, trách nhiệm triển khai 8 dự án gạch nung nêu trên thuộc UBND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan tham mưu có liên quan. UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc xem xét 8 dự án sản xuất gạch nung đã nêu sau ngày 1/1/2021, nếu đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến 2050 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nguyên nhân vấn nạn “đất tặc”?

Qua thanh tra cho thấy, trong 24 DN sản xuất gạch tuynel trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thì chỉ có 2 DN được cấp phép khai thác vùng nguyên liệu, như vậy số DN còn lại để duy trì hoạt động phải đi thu mua đất không có nguồn gốc hợp pháp làm nguyên liệu.

Việc không được cấp giấy phép khai thác vùng nguyên liệu cho các nhà máy gạch tuynel dẫn đến các DN sản xuất gạch nung không chủ động được nguồn nguyên liệu, phải đi thu mua nguyên liệu trôi nổi, không có nguồn gốc hợp pháp, tiềm ẩn nguy cơ khai thác đất trái phép.

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng về sản lượng gạch tương ứng với khối lượng nguyên liệu được cấp phép khai thác trong giai đoạn 2015-2019, thì khối lượng đất các DN phải thu mua trôi nổi làm nguyên liệu lên đến hơn 1 triệu mét khối. Liệu đây có phải là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn “đất tặc” hết sức nhức nhối tại Hòa Bình thời gian qua mà báo chí phản ánh.

Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát toàn bộ khối lượng đất đã sử dụng để tránh thất thu NSNN.

Kết luận thanh tra cũng nêu, trách nhiệm không cấp giấy phép cho các DN sản xuất gạch tuynel thuộc UBND tỉnh và các cơ quan tham mưu có liên quan.

Trần Kiên