Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Các làng nghề tại Hà Nội được phân theo 8 loại hình sản xuất: Chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc và các loại hình khác.

Qua tìm hiểu của phóng viên tại huyện Hoài Đức, huyện Thanh Trì và quận Bắc Từ Liêm đã có 16 làng nghề được UBND TP công nhận: Huyện Hoài Đức có 12 làng nghề, huyện Thanh Trì có 3 làng nghề, huyện Bắc Từ Liêm có 1 làng nghề.

Các địa phương mới thành lập được 1 cụm sản xuất làng nghề tập trung tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, đồng thời xây dựng và vận hành 1 nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức. Ngoài ra, UBND TP đang tiếp tục triển khai 2 dự án xử lý nước thải làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Đức, trong đó nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại xã Sơn Đồng với công suất 4.000m3/ngày đêm.

Hiện nay, 16 làng nghề được công nhận chỉ có 1 cụm sản xuất tập trung cho nên việc sản xuất tại các làng nghề còn lại vẫn phân tán, xen lẫn với sinh hoạt tại nơi cư trú của các hộ gia đình. Thực trạng trên dẫn đến việc cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ môi trường.

Mới đây, Thanh tra TP Hà Nội đã thanh tra, phát hiện hầu hết các làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định mà được xả thẳng vào môi trường dẫn đến các điểm đen về ô nhiễm môi trường.

Một số làng nghề bị “điểm mặt” trong danh sách điểm đen về ô nhiễm như làng nghề xã Tân Triều, huyện Thanh Trì và làng nghề chế biến nông sản Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế và làng nghề dệt kim, bánh kẹo tại xã La Phù tại huyện Hoài Đức.

Tại cụm sản xuất tập trung của làng nghề xã Tân Triều, quy mô sản xuất cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của làng nghề, cho nên phần lớn các hộ vẫn sản xuất tại nơi cư trú là các khu dân cư nông thôn.

Thậm chí, tại một số cụm sản xuất đã được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tuy nhiên nhà máy không hoạt động, dẫn đến nước thải từ hoạt động sản xuất vẫn trực tiếp xả thẳng vào môi trường.

Qua phản ánh của người dân, phóng viên trực tiếp ghi nhận môi trường tại một số làng nghề trên địa bàn Hà Nội, qua đó mục sở thị cảnh ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, rác thải, nước thải… diễn ra hết sức phổ biến.

Tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, nơi tập trung phát triển nghề dệt may, tơ sợi, thu gom tái chế phế liệu… tình trạng nước thải đổ trực tiếp ra mương hồ. Chất thải, rác thải chất đống dọc các tuyến đường, khu đất trống là điều thường xuyên. Phần lớn các cơ sở sản xuất đều nhỏ lẻ, mạnh ai nấy là nên không đủ vốn đầu tư cho công nghệ xử lý nước thải, rác thải. Môi trường tại làng nghệ bụi bặm, nước thải đặc quánh, bốc mùi tại các con mương đang bủa vây làng nghề.

Tại huyện Hoài Đức, tình trạng ô nhiễm đang là nỗi bức bách, đe dọa môi trường sống, sức khỏe của người dân, nhất là tại 4 làng chế biến nông sản là Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai, Sơn Đồng. Do việc chế biến tinh bột, nên lượng nước thải thải ra môi trường tương đối lớn. Điều đáng chú ý là qua chế biến toàn bộ khối lượng nước thải được xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý.

Một người dân xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức chia sẻ, môi trường ở đây kinh khủng khiếp lắm. Vào những ngày nắng to hoặc mưa thì bốc mùi hôi thối, nước thải từ cống rãnh làng nghề xả trực tiếp ra ngoài. Trước hết là người dân cũng chỉ biết đến vấn đề kinh tế, chưa chú ý đến môi trường, vấn đề nữa là chính quyền cũng chưa sát sao trong vấn đề này.

Hoàng Long