2 vấn đề nổi cộm

Ngành Giáo dục đã bước sang học kỳ II, năm học 2022 - 2023. Tại Hà Nội, qua kiểm tra, triển khai chương trình GDPT 2018 cho thấy, các nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt. Đội ngũ giáo viên thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá để phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

TP đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các địa phương mở rộng mạng lưới trường lớp; bổ sung phòng học và các phòng chức năng để tổ chức tốt việc dạy học 2 buổi/ngày.

Để triển khai chương trình mới hiệu quả, các nhà trường đã lựa chọn đội ngũ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn, chuyên môn vững vàng, có nhiều năm kinh nghiệm. Đặc biệt, các quận, huyện đã cử giáo viên dạy học môn Khoa học tự nhiên đi học thêm để có chứng chỉ đào tạo dạy được môn tích hợp theo yêu cầu của chương trình 2018.

Dù đã chuẩn bị kỹ càng, nhưng ngành Giáo dục Thủ đô đang đứng trước không ít khó khăn khi triển khai chương trình mới, trong đó có 2 vấn đề nổi cộm là cơ sở vật chất hạn chế và thiếu giáo viên.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến cho biết, nhiều khu đô thị không có trường học nên nhiều trường chịu áp lực tuyển sinh vì dân số cơ học tăng nhanh; diện tích đất quy hoạch tại nhiều trường trong các quận trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Một số trường học, sĩ số học sinh/lớp còn cao; một số cơ sở giáo dục tại các huyện ngoại thành nguồn lực tài chính hạn hẹp nên việc đầu tư cho mua sắm thiết bị dạy học, phòng chức năng còn hạn chế, khó đáp ứng yêu cầu...

Là quận trung tâm của TP Hà Nội, theo Trưởng phòng GD&ĐT Đống Đa, quận đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị một số trường còn thiếu, chưa đồng bộ hoặc đang xuống cấp, chưa có đủ phòng học chức năng theo yêu cầu; một số nơi sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định…

Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, khi triển khai chương trình 2018, TP gặp bất cập về đội ngũ giáo viên. Tại Hà Nội, tổng số giáo viên còn thiếu khoảng hơn 10.000 người, rải rác ở nhiều địa bàn. Trong đó, quận Hà Đông thiếu hơn 700 giáo viên; các quận, huyện: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì, Đông Anh thiếu nhiều giáo viên mầm non do trên địa bàn có thêm nhiều khu nhà ở cao tầng, việc tuyển dụng giáo viên sau dịch bệnh khó khăn...

Còn tình trạng thừa thiếu cục bộ. Một số giáo viên đơn môn cấp THCS thừa, trong khi giáo viên môn Nghệ thuật ở THPT thiếu trầm trọng. Chương trình GDPT 2018 có nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm nhưng biên chế phân bổ chưa tính đến đội ngũ dạy những môn này, nên phải tận dụng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn kiêm nhiệm…

Nhiều đề xuất, kiến nghị

Để thực hiện có hiệu quả chương trình GDPT mới, các trường trên địa bàn TP đã có nhiều cách làm sáng tạo, từng bước khắc phục khó khăn.

Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) Đào Thị Hồng Hạnh chia sẻ: Thiết bị dạy học tại trường còn thiếu, nhà trường đã khắc phục bằng việc sử dụng trang thiết bị còn phù hợp của chương trình GDPT cũ.

Đồng thời, phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học, sử dụng kho học liệu điện tử bài giảng, khai thác nguồn tài nguyên trên các trang của Bộ GD&ĐT...

Còn tại Trường Tiểu học Trung Thành (huyện Gia Lâm), bà Ngô Thị Hường - Hiệu trưởng - cho biết: Trang thiết bị dạy học của trường chưa đầy đủ. Nhà trường vẫn cố gắng sử dụng trang thiết bị cũ của chương trình cũ và phát huy sáng tạo của giáo viên để tự làm đồ dùng dạy học trong tổ, khối, nhà trường…

Từ thực tế đó, các trường mong muốn TP Hà Nội và Bộ GD&ĐT sớm có giải pháp hỗ trợ trang thiết bị dạy học.

Để giải bài toán cơ sở vật chất, TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục bố trí nguồn lực để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021-2025.

Về tình trạng thiếu giáo viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục giao cho các ngành chức năng nghiên cứu cơ chế, chính sách để đáp ứng đủ số giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy và học.

TP đề xuất Chính phủ quan tâm đến chế độ, chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức tại các cơ quan quản lý giáo dục. Đồng thời, cải cách chế độ tiền lương đối với viên chức ngành Giáo dục để đảm bảo đời sống và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng. 

Để có đội ngũ giáo viên chất lượng giảng dạy chương trình 2018, Hà Nội cũng đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường chỉ đạo tập huấn bồi dưỡng thực hiện chương trình GDPT, tập trung vào các nội dung như: Phương pháp dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học, kiểm tra đánh giá…

Chỉ đạo các trường đại học sư phạm có kế hoạch đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo yêu cầu của chương trình 2018; ban hành cơ cấu định mức giáo viên theo bộ môn để các địa phương xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức cũng như kế hoạch cử đi đào tạo bồi dưỡng hàng năm…

Theo lộ trình, năm học 2023-2024, chương trình GDPT 2018 sẽ tiếp tục được triển khai ở khối lớp 4, 8 và 11 tại các địa phương trên cả nước. Hi vọng, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai sẽ sớm được tháo gỡ để chương trình được thực hiện hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục.

Hải Hà