Đề thi lắt léo?

Như Báo Thanh tra phản ánh, tuyển sinh đầu vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025, tỉnh Đắk Lắk có phương thức mới. Theo đó, 12 trường THPT tổ chức thi tuyển (trong đó bao gồm cả 3 trường chuyên biệt đã tổ chức hình thức thi tuyển từ nhiều năm trước gồm: THPT Chuyên Nguyễn Du, THPT Dân tộc Nội trú N'Trang Lơng và THPT Dân tộc Nội trú Đam San). Các trường THPT công lập còn lại tổ chức xét tuyển học bạ. Riêng những em tham gia thi tuyển, có thêm nguyện vọng 2 là nộp hồ sơ xét tuyển vào trường THPT công lập khác trên cùng địa bàn, tuyển sinh bằng cách xét học bạ.

Cứ tưởng, phương thức tuyển sinh mới của tỉnh Đắk Lắk năm nay sẽ giải quyết cơ bản triệt để những bất cập trong công tác tuyển sinh của năm học 2023-2024 (gần đến ngày đi học, hàng nghìn em vẫn chưa có trường học khiến UBND tỉnh phải mở cuộc họp tháo gỡ).

leftcenterrightdel
 Ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đứng trước những thách thức về việc "nơi thiếu, nơi thừa" chỉ tiêu vào lớp 10. Ảnh: AM

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025, diễn ra từ ngày 6/6 đến ngày 8/6/2024, toàn tỉnh Đắk Lắk có gần 8.000 thí sinh dự thi, với 3 môn thi: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Riêng học sinh đăng ký dự tuyển vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Du thi thêm các môn chuyên tương ứng với lớp chuyên đăng ký xét tuyển.

Kỳ thi diễn ra khá suôn sẻ và thành công, tuy nhiên lại gây bất ngờ lớn khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đắk Lắk chuẩn y điểm chuẩn và số lượng học sinh trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập.

Theo đó, điểm chuẩn của 9 trường THPT công lập rất thấp. Chỉ có 2 trường (THPT Buôn Ma Thuột, THPT Lê Quý Đôn), có điểm chuẩn đầu vào 15,75 điểm. Các trường còn lại, điểm chuẩn chỉ từ 5-6 điểm cho 3 môn thi (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ). Như vậy, trung bình mỗi môn chỉ cần hơn 1 điểm (không bị điểm liệt, điểm liệt là 1 điểm), đã đậu vào trường THPT công lập.

Thế nhưng, dù điểm chuẩn thấp nhưng nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Theo đó, tổng chỉ tiêu Sở GD&ĐT giao cho 9 trường trên là 4.572 em nhưng thực tế chỉ tuyển được 3.893 em, thiếu 679 em so với chỉ tiêu.

Nguyên nhân tuyển không đủ chỉ tiêu vì có gần 2.000 học sinh bị điểm liệt (dưới 1 điểm) trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Cụ thể, số lượng điểm liệt của 3 môn thi gồm: Toán (1.799 điểm liệt), Ngoại ngữ (14 điểm liệt), Ngữ văn (74 điểm liệt).

Một lãnh đạo phòng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, đề Toán năm nay hơi lắt léo, cộng thêm việc học sinh còn bỡ ngỡ bởi đây là năm đầu tiên thi đầu vào lớp 10. Chưa kể, kế hoạch tổ chức thi tuyển được ban hành vào tháng 4/2024 nên dù ngành Giáo dục tích cực, chủ động chuẩn bị cho kỳ thi, song vẫn có phần còn cập rập.

“Năm học trước cũng nghe sẽ tổ chức thi tuyển nhưng sau đó không thi. Năm nay tới tháng 4 mới ban hành kế hoạch thi tuyển sinh vào lớp 10 nên các em cũng còn bỡ ngỡ”, một lãnh đạo ngành GD&ĐT nói.

leftcenterrightdel
Tổng 3 môn thi 5 điểm đã trúng tuyển vào Trường THPT Krông Ana. Ảnh: AM

Thành tích ảo?

Theo một lãnh đạo trong ngành Giáo dục Đắk Lắk, kết quả kỳ thi này đã phần nào phản ánh chất lượng giáo dục. Vị này cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận sản phẩm giáo dục của mình và không nên đổ lỗi cho ai. Thậm chí mỗi nhà trường, thầy cô, lãnh đạo ngành Giáo dục cũng cần tự nhìn nhận trách nhiệm của mình đối với sản phẩm đã tạo ra.

Chỉ khi dám đối diện với chính sản phẩm của mình thì mới có phương pháp, mới “bốc đúng thuốc” để thay đổi, làm cho sản phẩm tốt hơn, hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, khi mổ xẻ nguyên nhân, cũng cần nhìn tổng quan bao gồm các yếu tố khác mang tính chất vùng miền, vùng sâu, vùng xa, thành phần dân tộc… để có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, việc ra đề thi lớp 10 đã tuân thủ theo nguyên tắc của Ma trận đề thi gồm: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Ngoài ra còn có phản biện đề thi. Do đó, đề thi đảm bảo phân hoá từng đối tượng học sinh.

Theo ông Khoa, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, những năm qua, Sở đã chỉ đạo và bộ phận chuyên môn đã làm được việc đó là xây dựng phổ điểm, đối sánh giữa kết quả thi với điểm trong học bạ. Cách làm này để xem công tác kiểm tra, đánh giá có sát với năng lực thực tế của người học. Từ đó, Sở đánh giá được độ vênh giữa điểm trong học bạ và thực học.

Còn đối với kỳ thi chuyển cấp lên lớp 10, do đây là năm đầu tiên tổ chức thi nên chưa làm được việc đối sánh. Từ kết quả này, Sở sẽ giao đơn vị chuyên môn, các trường đối chiếu kết quả thi và bảng điểm trong sổ học bạ qua từng năm học để xem chênh lệch như thế nào. Cách đối sánh này sẽ giúp sở, nhà trường biết được chất lượng giáo dục, chất lượng kiểm tra, đánh giá học sinh của từng thầy cô, nhà trường… từ đó có giải pháp nâng cao chất lượng.

Anh Minh