Tham dự Hội thảo khoa học “Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển” dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; TS Vũ Thùy Dương, Trưởng Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có tham luận về nhiệm vụ đào tạo nhân lực ngành Xuất bản. Báo Thanh tra xin giới thiệu cùng bạn đọc!

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, văn hoá ngày càng có vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn lực con người. Văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội; vừa theo cách gián tiếp, vừa theo cách trực tiếp. Trên quan điểm hoạt động, ngành công nghiệp văn hoá, trong đó công nghiệp xuất bản, sản xuất, phân phối, tiêu dùng những sản phẩm văn hoá, đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng lớn của xã hội. 

Trong cơ chế thị trường và sự phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp văn hoá, trong đó có công nghiệp xuất bản đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế quốc dân, thu hút ngày càng nhiều lao động trí tuệ vào sản xuất. Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đều coi trọng phát triển công nghiệp xuất bản vì lẽ đó. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển của nền công nghiệp xuất bản ở Việt Nam hiện nay là vấn đề cấp thiết đặt ra cho các cơ sở đào tạo xuất bản trên cả nước.

1. Vài nét về công nghiệp xuất bản ở Việt Nam

Công nghiệp xuất bản là khái niệm chỉ hoạt động xuất bản trong trình độ khoa học công  nghệ xác định - trình độ sản xuất công nghiệp, xuất hiện gắn liền với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Công nghiệp xuất bản là một bộ phận của công nghiệp văn hoá, vừa là một bộ phận thiết yếu của đời sống văn hoá, mang đầy đủ tính chất của hoạt động văn hoá, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hoá của xã hội.

Trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng các sản phẩm văn hoá, xuất bản trở thành ngành công nghiệp và dịch vụ quan trọng, mặc dù nó mang lại thu nhập cho nền kinh tế quốc dân còn khá bé nhỏ ở các nước chậm phát triển, tỷ lệ GDP thấp. Song, ở đây, “xuất bản vẫn là trung tâm của hệ thống giáo dục, trung tâm tạo lập, phân phối kiến thức và nuôi dưỡng một nền trí tuệ độc lập… Xuất bản nằm ở trung tâm của mạng lưới truyền thông phức tạp, và nó nhất thiết đươc kết nối với toàn bộ thế giới về ý tưởng và kiến trúc”.

Mục tiêu phát triển công nghiệp xuất bản ở nước ta là xây dựng nền xuất bản Việt Nam độc lập, hiện đại, cung cấp đầy đủ xuất bản phẩm và các dịch vụ phục vụ nhu cầu học tập, thông tin và các nhu cầu văn hoá khác của nhân dân nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, phát huy mạnh mẽ nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước theo định hướng XHCN.

Để trở thành ngành kinh tế văn hoá độc lập, xuất bản phải được công nghiệp hoá, được đầu tư phát triển về cơ sở vật chất - kỹ thuật, về khoa học công nghệ như một ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại. Sản phẩm xuất bản phải được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn, với chất lượng cao, hình thức đẹp đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần ngày càng cao của nhân dân ta, trước hết là phục vụ sự nghiệp giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ - nhiệm vụ đang được Đảng và Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu.

Muốn trở thành ngành công nghiệp trong chiến lược chung về phát triển công nghiệp văn hoá của Việt Nam đã được Đảng khẳng định, xuất bản cần phát triển quy mô trên nền tảng ứng dụng công nghệ và khai thác nội dung sách, từ đó nâng cao sản lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế hoạt động xuất bản. Trong ngành công nghiệp nội dung, các đơn vị xuất bản không chỉ đơn thuần làm và kinh doanh sách mà cần đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ nội dung, thực hiện các hoạt động kinh doanh sản phẩm từ sách. Điều này được các nước trên thế giới ứng dụng nhiều, chúng ta cũng đã thực hiện nhưng cần phải phát triển hơn nữa.

2. Bối cảnh của ngành công nghiệp xuất bản tác động đến công tác đào tạo nguồn nhân lực xuất bản

Thứ nhất, xu hướng tác động của đại dịch COVID-19

Năm 2020, Malaysia, quốc gia có nền xuất bản tốp 3 trong khu vực chứng kiến một sự sụt giảm nghiêm trọng với số lượng xuất bản sách in chỉ đạt 65 triệu bản sách (chưa kể sách giáo khoa). Ở Indonesia, quốc gia đứng đầu khu vực chỉ đạt là 262 triệu bản trong đó có 160 triệu bản sách giáo khoa.

Đối với ngành Xuất bản của Việt Nam, sau 2 năm 2020 và 2021 tăng tốc với tốc độ phát triển đạt 2 con số, đưa chỉ số xuất bản phẩm/người đạt xấp xỉ 4,5 bản, tuy vượt chỉ tiêu một năm theo Quyết định 115/QĐ-TTg  ngày 16/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhưng cú sốc COVID-19 đã khiến cho mục tiêu Việt Nam là một trong những nền xuất bản hàng đầu khu vực trở nên khó khăn.

Từ cuối tháng 3/2020, hoạt động xuất bản, đặc biệt là thị trường phát hành sách truyền thống, dựa chủ yếu vào hệ thống cửa hàng bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Doanh thu các đơn vị phát hành sách truyền thống giảm mạnh, nhất là ở 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các đơn vị phát hành sách lớn như FAHASA, Phương Nam, Nhân văn, Tiền phong, Tân Việt, Công ty Đường sách Nguyễn Văn Bình... các công ty sách, nhà sách tham gia liên kết xuất bản như Anfabook, Thái Hà book, Nhã Nam, Đinh Tị, Đông A... doanh thu giảm khoảng 30-40%.

Năm 2021, có 10 đơn vị có tổng doanh thu giảm từ 10% đến cao nhất là 39,16%. Một vài đơn vị có doanh thu giảm không đáng kể (1,12%) và có các đơn vị doanh thu tăng từ 9,53% đến 58,33%. Các đơn vị có doanh thu tăng từ 30% trở lên hầu như đều tập trung đẩy mạnh cho kênh phân phối trực tuyến như First News, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, Sài Gòn Books, Quán Sách Mùa Thu. 

Mặt khác, việc Trung Quốc, châu Âu, Mỹ đối phó với đại dịch, buộc nhiều công ty phải đóng cửa, hủy hợp đồng đã tác động không nhỏ đến thị trường mua bán bản quyền của nhiều đơn vị trong nước, ảnh hưởng nguồn cung cấp bản thảo. Các hoạt động liên quan nhập khẩu nguyên liệu in xuất bản phẩm gặp khó khăn. Chi phí thuê lao động, thuê mặt bằng của các đơn vị phát hành, công ty sách trở thành gánh nặng lớn...

Tuy nhiên, do COVID-19, việc nhiều bạn đọc tìm lựa chọn mua sách qua mạng giúp kênh phát hành sách online tăng trưởng đột biến. Theo Waka (đơn vị duy nhất trong khối phát hành sách được cấp phép phát hành sách điện tử), trong tháng 2-2020, doanh thu tăng khoảng 20-30%.

Cuối tháng 2/2020, lượng truy cập vượt trên 15.000, trong đó đối tượng bạn đọc VIP tăng đáng kể. Số thư viện mua account tăng. Việc huy động kinh phí để tổ chức xuất bản sách in truyền thống sau khi xuất bản phiên bản điện tử và thí điểm bán lưu niệm, các vật phẩm văn hóa khác qua fan club có nhiều thuận lợi, mở ra nguồn doanh thu mới.

Mặc dù ngành Xuất bản vẫn có những cơ hội nhất định song về cơ bản, trong thời gian tới, toàn ngành sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Ảnh hưởng trước mắt là thị trường bán sách truyền thống bị thu hẹp, về lâu dài sức mua giảm sâu do tăng trưởng kinh tế thấp, hệ lụy từ việc mất việc làm của một bộ phận người lao động sẽ làm doanh nghiệp phát hành, nhà sách có nguy cơ dừng hoạt động. Sự tăng trưởng mạnh của thị trường phát hành sách online chưa đủ bù đắp được sự tụt giảm sâu của thị trường phát hành sách truyền thống do phát hành sách truyền thống vẫn chiếm trên 50% thị phần ở hầu hết các doanh nghiệp.

Thứ hai, xu hướng giữ vị trí quan trọng của xuất bản điện tử

Xuất bản điện tử sẽ giữ vị trí chủ đạo của ngành công nghiệp xuất bản thế giới, ebook được xuất bản hằng năm tại Mỹ tăng gấp đôi và sách truyền thống thì suy giảm đáng kể. Tại Việt Nam, xu thế này cũng bắt đầu tác động mạnh mẽ, nhiều đơn vị xuất bản đã nhận thức được việc cần tham gia vào thị trường xuất bản điện tử. Tuy nhiên, mặc dù một số NXB đã cố gắng chủ động tích lũy, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin nhưng với nguồn lực hạn hẹp, rất khó có đủ điều kiện để phát triển theo hướng hiện đại và chuyên môn hoá.

Thực tế, năm 2021, số lượng NXB tham gia xuất bản phẩm điện tử tăng nhưng số đầu xuất bản phẩm chưa tăng tương xứng. So sánh với xu thế thế giới và tốc độ phát triển của một số nước trong khu vực, như: Indonesia, Thái Lan, cho thấy Việt Nam còn chậm trong phát triển thị trường sách điện tử khi số NXB tham gia tăng nhưng số sách điện tử không tăng tương ứng, hiện chỉ đạt 5,6 - 5,7%. Trong khi đó, Báo cáo Thường niên 2019 của Hiệp hội các NXB Hoa Kỳ (The Association of American Publishers), doanh số bán sách điện tử trong năm 2019  đạt 1,94 tỷ đô la. 

Sách nói kỹ thuật số vẫn là phân khúc phát triển nhanh nhất trong ngành Xuất bản. Tại Mỹ, doanh số sách nói tải xuống tăng 15,6% vào năm 2021, đạt 659 triệu USD, chiếm 10,8% doanh thu sách cho người lớn tại các NXB. Trước đó, vào năm 2020, doanh số sách nói của xuất bản Mỹ cũng đạt tăng trưởng với mức 10,4%. Trong khi đó, sách điện tử (ebook) giảm tới 17,1%.

Tương tự, thị trường Italy chứng kiến sự tăng trưởng của sách nói và giảm sút của sách điện tử. Thị trường sách nói tính theo lượt đăng ký của Italy đạt mức tăng trưởng 37% (đạt 26,9 triệu USD). Tại Anh, trong sáu tháng đầu năm 2021, doanh số sách nói tăng 71% so với sáu tháng đầu năm 2019 - năm trước sự xuất hiện của đại dịch Covid-19. Doanh số sách nói trong năm 2019 đạt 132,3 triệu USD, sáu tháng đầu năm 2020 đạt 76,4 triệu USD. Hiệp hội các NXB Anh gọi đó là bước nhảy vọt.

Các công ty kinh doanh dịch vụ âm thanh kỹ thuật số không ngừng đầu tư vào mảng sách nói và đạt tăng trưởng mạnh. Storytel (một trong những công ty sách nói lớn trên thế giới) có doanh thu năm 2021 đạt 247,7 triệu USD, tăng 20% so với năm 2020. Đến cuối năm ngoái, lượng đăng ký trả phí của Storytel đạt 1,81 triệu người, tăng 22%.

Từ những số liệu trên cho thấy quy trình xuất bản mới sẽ không triệt tiêu quy trình vốn có mà sẽ tồn tại song song trong một NXB. Điều này đòi hỏi mỗi NXB muốn tiếp tục phát triển, cần phải có một đội ngũ nhân sự có khả năng nắm bắt và triển khai được cả những nghiệp vụ mới và cũ phù hợp với sự dịch chuyển này.

Thứ ba, xu hướng ứng dụng công nghệ trong các hoạt động nghiệp vụ xuất bản

Xu hướng này có nghĩa là biên tập viên tham gia vào mạng lưới thông tin toàn cầu, tiếp cận nguồn thông tin đa dạng, không bị hạn chế bởi không gian, thời gian, tốc độ và sự lan tỏa, ứng dụng quy trình rút gọn trong in ấn. Nhờ vậy biên tập viên có khả năng tổng hợp thông tin về cùng một chủ đề trên toàn thế giới, tăng thêm chất lượng và tốc độ kiểm định bản thảo tránh tình trạng đạo văn, ăn cắp ý tưởng… Biên tập viên tiến hành thẩm định bản thảo trực tiếp trên máy tính trên cơ sở sử dụng các loại sách tra cứu, từ điển trực tuyến; ứng dụng các phần mềm hỗ trợ dịch, biên tập, thiết kế, bán hàng.

leftcenterrightdel
 TS Vũ Thùy Dương trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh:CTV

3. Một số giải pháp về đổi mới đào tạo nhân lực ngành Xuất bản

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đối với một trường đại học là một nhiệm vụ then chốt. Là một trong những khoa đào tạo nghiệp vụ cơ bản của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Xuất bản có chức năng tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện, phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngành Xuất bản; triển khai thực hiện hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học truyền thông - xuất bản ở trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Đây cũng là cơ sở duy nhất đào tạo cán bộ biên tập xuất bản ở 03 nước Đông Dương bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia.

Trong nhiều năm qua, Khoa Xuất bản luôn coi công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên duy trì mô hình đào tạo gắn với thực tế, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị xuất bản. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở các doanh nghiệp xuất bản trong và ngoài nước, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xuất bản, đặc biệt là xuất bản điện tử càng trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thứ nhất, xây dựng chương trình đào tạo theo mô hình CDIO

CDIO là một mô hình cải tiến chương trình đào tạo, thu hẹp khoảng cách giữa cơ sở đào tạo và thị trường lao động, đề xướng các cải cách giáo dục để người học có được sự phát triển toàn diện các kiến thức, kỹ năng cá nhân, nghề nghiệp và nhanh chóng thích ứng môi trường làm việc chuyên nghiệp luôn luôn thay đổi. Theo cách tiếp cận CDIO, khi xây dựng và nâng cấp các chương trình đào tạo phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ, từ khâu xây dựng chuẩn đầu ra (CĐR), thiết kế khung chương trình, chuyển tải khung chương trình vào thực tiễn và đánh giá kết quả học tập của sinh viên cũng như toàn bộ Chương trình. Mô hình đào tạo CDIO nhằm đào tạo sinh viên biết bao quát việc hình thành ý tưởng (Conceive), thiết kế (Design), triển khai (Implement) và vận hành (Operate) các sản phẩm và hệ thống có tính phức tạp, có giá trị gia tăng, trong môi trường hiện đại, làm việc theo nhóm. 

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể có những vị trí, việc làm thích hợp trong ngành Xuất bản theo khả năng như nhân viên kinh doanh xuất bản, nhân viên truyền thông xuất bản chứ không nhất thiết chỉ làm biên tập viên.  

Khoa Xuất bản đã và đang định hướng đổi mới chương trình đào tạo cử nhân ngành Xuất bản theo cách tiếp cận CDIO. Theo đó, Khoa đã thực hiện các hoạt động: khảo sát các bên có liên quan, tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để xây dựng chuẩn đầu ra chi tiết và chương trình đào tạo tích hợp đáp ứng các chuẩn đầu ra.  Khi xây dựng chương trình đào tạo ngành Xuất bản, cần phải chú ý thực hiện những vấn đề sau:

-  Xác định mục tiêu đào tạo, khảo sát nhu cầu của xã hội, những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất mà người học cần phải có sau khi ra trường; tìm hiểu đặc điểm thiết bị, công nghệ, quy trình làm việc, loại hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của các NXB… để xây dựng nội dung chương trình cho phù hợp.

-  Xây dựng nội dung chương trình: số lượng môn học, cơ cấu môn học lý thuyết, môn thực hành, môn đại cương với môn chuyên ngành, sao cho nội dung giữa các học phần khoa học, cập nhật, phù hợp với yêu cầu thực tế, không bị chồng chéo, tăng cường cho viên đi thực tế, thực tập.

-  Hội đồng khoa học xây dựng chương trình cùng với những giảng viên có kinh nghiệm, lấy ý kiến của những người có liên quan như: những nhà quản lý giáo dục, những chuyên viên kỹ thuật, chuyên gia trực tiếp liên quan đến nghề đào tạo, nhà tuyển dụng (NXB, công ty sách…). Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, ban biên soạn tổ chức chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung chương trình cho phù hợp.

leftcenterrightdel
 TS Vũ Thùy Dương, Trưởng Khoa cùng các sinh viên Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chụp ảnh lưu niệm nhân dịp tham dự hội thảo. Ảnh: FOP

Chương trình đào tạo ở Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hiện nay về cơ bản đã đảm bảo các yêu cầu sau đây:

- Cơ bản, hiện đại và gắn với thực tiễn

- Tăng khối lượng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, giảm khối lượng kiến thức giáo dục đại cương so với trước.

- Khống chế tỷ lệ giữa giảng lý thuyết và thực hành, cụ thể là phải dành ít nhất 50 % tổng quỹ thời gian mỗi môn học cho thực hành (xêmima, thảo luận, chữa bài tập trên lớp, tham quan, nghe báo cáo...).

Thứ hai, đổi mới nội dung chương trình đào tạo

Thực hiện chủ trương đổi mới nội dung chương trình, phương thức đào tạo, đến nay, Khoa Xuất bản đã liên tục có sự điều chỉnh, bổ sung chương trình bậc đại học và cao học cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn của ngành. Cụ thể, tăng cường số giờ học thực hành kỹ năng nghiệp vụ như biên tập bản thảo các loại sách chuyên ngành, kỹ năng trình bày minh họa sách và các xuất bản phẩm, các kỹ năng khai thác tổ chức bản thảo…

Một số môn học mới được đưa vào chương trình như: Quan hệ công chúng trong hoạt động xuất bản, Xã hội hóa và thương mại hóa trong hoạt động xuất bản, Quyền tác giả quyền liên quantrong xuất bản, Quản trị doanh nghiệp xuất bản, Đồ hoạ xuất bản, Truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông xuất bản, Xuất bản sách nói, Xuất bản sách điện tử, Thư viện số, Xuất bản tạp chí điện tử…

Hiện tại, Khoa có một phòng thực hành biên tập với các trang thiết bị máy móc hiện đại.

Khoa Xuất bản cũng xác định rõ mối quan hệ về mục tiêu, nhiệm vụ giữa đào tạo biên tập - in - phát hành để tạo tính đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau trong quy trình đào tạo chung.

Tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung chương trình đào tạo, từ năm học 2018-2019, Khoa Xuất bản đã xây dựng lại chương trình đào tạo theo hướng tích hợp, liên thông. Trong tất cả các khối kiến thức (kiến thức đại cương, kiến thức ngành, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành) đều được thiết kế những học phần bắt buộc và tự chọn.

Đặc biệt, từ phần kiến thức cơ sở ngành các môn học tự chọn được thiết kế thành các modul để sinh viên có thể lựa chọn học các học phần theo ý muốn và khả năng học tập, từ đó hướng đầu ra cho sinh viên sẽ rộng hơn. Các học phần bắt buộc cung cấp những tri thức và nghiệp vụ cơ bản của biên tập viên; các học phần tự chọn thiết kế thành các modul theo 3 hướng: Biên tập, kinh doanh xuất bản, truyền thông. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể có những vị trí, việc làm thích hợp trong ngành Xuất bản theo khả năng như nhân viên kinh doanh xuất bản, nhân viên truyền thông xuất bản chứ không nhất thiết chỉ làm biên tập viên. Hơn nữa, với cách thiết kế chương trình linh hoạt như vậy, sinh viên có thể dễ dàng đăng ký học song bằng trong cùng nhóm ngành Báo chí - Truyền thông.

Hiện nay, các ngành trong nhóm ngành Báo chí - Truyền thông ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền bao gồm: Báo chí, Xuất bản, Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Truyền thông quốc tế.

Thứ ba, xây dựng, bổ sung, điều chỉnh hệ thống giáo trình theo xu hướng kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Theo đó, ngoài việc cung cấp cho sinh viên những kỹ năng mềm thông qua các môn học lý thuyết cơ sở có nội dung thuộc về bản chất và nguyên lý, thì rất cần thông qua quá trình liên kết, phối hợp đào tạo với các đơn vị xuất bản sẽ tạo dựng cho sinh viên kỹ năng nghề thông qua học thực tế, thực nghiệm, hướng tới tự chủ và độc lập trong công việc. Đây là một mô hình mới, quá trình học có nội dung trải nghiệm liên tục, từ quá trình tiếp thu đến tự học, đến học nhóm, thực hành tại các đơn vị xuất bản và sau cùng là thực tế ứng với các mong muốn vị trí làm việc sau này của sinh viên. Chẳng hạn, trong chương trình đào tạo chuyên ngành Xuất bản điện tử, sinh viên sau khi học môn Xuất bản sách điện tử, Xuất bản sách nói đã được Khoa tổ chức đi kiến tập nghề nghiệp tại Công ty Waka - doanh nghiệp xuất bản, phân phối sách điện tử có bản quyền hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Sinh viên được trải nghiệm thực tế, tìm hiểu quy trình làm sách nói, sách điện tử; được trực tiếp tham gia các khâu làm sách nói như dựng kịch bản, thu âm, biên tập âm thanh.

Đối với làm sách điện tử định dạng Epub, vì đã được học lý thuyết và kỹ thuật làm sách cơ bản ở trường, nên sinh viên bắt nhịp rất nhanh với công việc ở Công ty Waka. Bên cạnh đó, sinh viên được công ty hướng dẫn sử dụng phần mềm biên tập sách điện tử, cách tra và sửa các mã code sách điện tử sai. Quá trình xây dựng đề cương chi tiết môn học, biên soạn giáo trình chuyên ngành Xuất bản điện tử, Khoa Xuất bản mời các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín cùng tham gia. Trong giáo trình  vừa mang tính chất hệ thống khái quát lý thuyết, vừa mang tính chất cầm tay chỉ việc đối với những nội dung mang tính chất kỹ năng. Mục tiêu của Khoa tiến tới năm 2030 có 50% giáo trình chuyên ngành Xuất bản điện tử được biên soạn, xuất bản bằng hình thức sách điện tử.

Thứ tư, đổi mới và cập nhật quy trình đào tạo tiên tiến theo hướng hiện đại, sát thực tế, phù hợp với yêu cầu của các cơ sở sử dụng đội ngũ sinh viên sau khi ra trường; từng bước nâng cao chất lượng giáo trình và tài liệu tham khảo phục vụ công tác đào tạo và bồi dưỡng, tuyển chọn và biên dịch những tài liệu của nước ngoài để phục vụ cán bộ giảng dạy và sinh viên học tập, mời nhà tuyển dụng tham gia trực tiếp vào việc thiết kế khung chương trình, hướng tới xây dựng một bộ giáo trình chuẩn và liên thông đào tạo các loại hình thuộc khối xuất bản, biên tập in và phát hành xuất bản phẩm.

 Xu hướng của xuất bản hiện đại ngày nay sẽ tập trung vào sản xuất nội dung. Như vậy, những gì cần truyền thông, cần tiếp cận đến công chúng đều phải qua xuất bản. Hiểu theo cách đó, trong chương trình đào tạo của Khoa cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Nghĩa là, cần thay đổi mục tiêu đào tạo cán bộ biên tập truyền thông chứ không bó hẹp trong phạm vi lĩnh vực xuất bản.

Trên thực tế, đầu ra của sinh viên Xuất bản rất đa dạng, rộng mở. Có nhiều sinh viên khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền sau khi tốt nghiệp ra trường làm biên tập viên ở các báo, tạp chí hoặc các công ty sách, công ty truyền thông. Do vậy, những học phần liên quan đến biên tập truyền thông sẽ được thiết kế, tính toán cân nhắc đưa vào chương trình để đảm bảo tính khoa học, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ngoài ra, muốn nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ biên tập, các cơ sở đào tạo Xuất bản nên chú trọng mở những lớp bồi dưỡng chuyên đề ngắn hạn (1- 2 ngày) theo nhu cầu của các đơn vị xuất bản. Sự cạnh tranh thị trường mạnh mẽ giữa các NXB và các đơn vị làm sách tư nhân hiện nay cho thấy có những kiến thức xuất bản cần phải cập nhật thường xuyên cho biên tập viên để họ có thể ứng dụng vào trong công việc chuyên môn của mình.

Việc kết hợp cộng tác và liên kết đào tạo, bồi dưỡng giữa Khoa Xuất bản với ngành, với các NXB là nhân tố cơ bản bảo đảm sự thành công và hiệu quả cao của sự nghiệp đào tạo cán bộ. Sự phối hợp thường xuyên giữa nhà trường và các đơn vị xuất bản không chỉ trong lĩnh vực hỗ trợ đội ngũ giảng dạy, kinh phí đào tạo, mà còn cả ở việc thực hiện nội dung chương trình đào tạo, tiếp nhận và sử dụng cán bộ được đào tạo…

Hiện tại, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã ký kết hợp tác với NXB Chính trị quốc gia Sự thật, NXB Lý luận chính trị, Công ty Cổ phần Sách Alpha books trong các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, xuất bản, nghiên cứu khoa học.

-----------------------

Tài liệu tham khảo

1. Kỷ yếu hội thảo khoa học cấp khoa về đào tạo cán bộ xuất bản, phát hành trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Khoa Xuất bản phát hành, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

2. Nguyễn Nguyên: Xuất bản với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/xuat-ban-voi-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-115236

3. Đào Duy Nghĩa: Thực trạng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản ở nước ta hiện nay và những vấn đề đang đặt ra trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” do NXB Chính trị quốc gia và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức tháng 10/2018

4. https://cand.com.vn/van-hoa/Nganh-xuat-ban-that-thu-vi-COVID-19-i561313/

5.https://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/Nganh-xuat-ban-no-luc-tim-co-hoi-trong-dai-dich-COVID-19-i622191/

6. https://zingnews.vn/tin-hieu-tich-cuc-tu-xuat-ban-the-gioi-post1294069.html

7. https://tdmu.edu.vn/cdio/tong-quan-cdio-1/tong-quan-ve-cdio

 

TS Vũ Thùy Dương, Trưởng Khoa Xuất bản