So với Chương trình GDPT 2006, Chương trình GDPT 2018 có 10 điểm mới, gồm: Quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDPT; nội dung và thời lượng giáo dục; phương pháp dạy học; vai trò SGK; vai trò của giáo viên; yêu cầu với học sinh; yêu cầu đối với cha mẹ học sinh; vai trò chủ động của cơ sở giáo dục; điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; trách nhiệm của địa phương.

Về nội dung khoa học đối với các môn học, Chương trình GDPT 2018 không có thay đổi quá nhiều so với Chương trình GDPT 2006, vì vậy, với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện tại của các nhà trường, nếu đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2006 thì về cơ bản vẫn đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 (chỉ khác căn bản là phương pháp và cách thức khai thác sử dụng theo yêu cầu mới).

Tuy nhiên, để đáp ứng tốt mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 thì đỏi hỏi phải tiếp tục tăng cường, nhất là các thiết bị dạy học theo yêu cầu mới; các phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn…

Theo đánh giá của các nhà trường và ngành Giáo dục, việc triển khai chương trình, SGK mới là hướng đi đúng đắn, đã đem lại một số kết quả tích cực ban đầu, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập và không ít khó khăn, thách thức.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, Chương trình GDPT 2018 được cụ thể hóa theo từng cấp học, căn cứ vào đó, xây dựng chương trình tổng thể, chương trình môn học. Trong từng chương trình môn học, nội dung đều nhằm vào mục tiêu phát triển năng lực. Muốn đạt mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, học sinh phải được trang bị, được nắm chắc về kiến thức phổ thông và biết sử dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong học tập, cuộc sống cũng như các mối quan hệ khác để phát triển bản thân, cũng như đóng góp cho gia đình, xã hội.

Thực hiện Chương trình GDPT 2018, vai trò của giáo viên sẽ phải thay đổi. Giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà theo yêu cầu của từng nội dung trong chương trình, giáo viên phải là người tổ chức, định hướng, kiểm tra hoạt động của học sinh. Học sinh phải được tự chủ trong quá trình học, tích cực, tự lực, sáng tạo trong quá trình học, qua đó phát triển được năng lực, phẩm chất được quy định trong chương trình.

Ông Thành cũng cho biết, từ năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Năm 2014, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, SGK GDPT. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đổi mới chương trình, SGK GDPT.

Như vậy, từ lúc quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới giáo dục hình thành cho đến khi chính thức thực hiện năm 2020, là 7 năm. Đến nay, dù việc thực hiện chương trình mới đã bước vào năm thứ 4, song theo đánh giá tổng kết, ngành Giáo dục vẫn đang thiếu các nguồn lực quan trọng để triển khai.

Thứ nhất là thiếu giáo viên, theo ông Thành, về vấn đề này, Bộ GDĐT đã có hướng dẫn về tuyển bổ sung giáo viên, nhưng việc thực hiện tại các địa phương lại phụ thuộc vào số lượng học sinh cụ thể, đội ngũ giáo viên hiện có và xây dựng kế hoạch cụ thể để tuyển dụng giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới.

Vấn đề thứ 2 là cơ sở vật chất. Hiện nay, tình trạng lớp học quá tải sĩ số, lớp học xuống cấp, thiếu thiết bị dạy học đang cản trở quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Theo ông Thành, cần phải quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu để đảm bảo thực hiện chương trình GDPT mới tại một số địa phương thuộc vùng khó khăn.

Trong khi tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất đang diễn ra trên quy mô cả nước ở năm 2022, thì Chương trình GDPT 2018 lại tiếp tục gặp thách thức về nội dung khi Quốc hội quyết định thay đổi chương trình, chuyển môn Lịch sử từ học tự chọn thành môn học bắt buộc.

Thực tế cho thấy, trong 2 năm triển khai dạy và học theo chương trình và SGK mới cho thấy vướng mắc lớn nhất là nội dung SGK và giáo viên dạy môn học tích hợp. Nhất là việc tích hợp các môn khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý cấp THCS còn bất cập. Bởi vì các giáo viên trước đây được đào tạo để dạy đơn môn. Việc tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Trong bối cảnh giáo viên chưa được đào tạo bài bản về dạy môn học tích hợp, thì cơ sở vật chất, thiết bị dạy học lại thiếu, nên các trường đang phải thu vén theo nhiều cách khác nhau.

Thêm vào đó, việc xây dựng các tổ hợp môn học tại cấp THPT còn bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu định hướng nghề nghiệp và nhu cầu của học sinh; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến; việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định SGK còn nhiều bất cập…

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, thời gian tới, có thể sẽ có những xem xét, điều chỉnh việc triển khai các môn học tích hợp ở cấp THCS. Cân nhắc để việc điều chỉnh với các môn tích hợp không gây xáo trộn lớn.

Hy vọng rằng, với những thay đổi tới đây sẽ khắc phục được phần nào những bất cập đang diễn ra, để thầy, trò có một năm học đạt kết quả như mong đợi.

Lê Phương