Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk rất quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo trên địa bàn. Điều này phần nào được phản chiếu qua tổng chi thường xuyên ngân sách cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, theo hướng năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, ngân sách dành cho năm 2021 trên 5.600 tỷ đồng; năm 2022 tăng lên hơn 6.000 tỷ; năm 2023 trên 6.692 tỷ đồng.

Dù được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm với nhiều kỳ vọng phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian qua ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã để lại những câu chuyện đáng buồn và tốn nhiều "giấy, mực" khi báo chí liên tục phản ánh về những bất cập trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 và đặc biệt là chất lượng giáo dục của tỉnh này đang ở mức đáng "báo động", khi liên tục đứng trong top cuối những địa phương có điểm thi tốt nghiệp THPT trung bình thấp nhất cả nước.

Như Báo Thanh tra đã phản ánh, thời gian qua, câu chuyện tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 của tỉnh gây xôn xao dư luận. Ngành Giáo dục phải 2 lần quyết định hạ điểm chuẩn để tuyển cho đủ chỉ tiêu học sinh.

leftcenterrightdel
 Hàng trăm phụ huynh đến Trường THPT Phú Xuân rút hồ sơ cho con em mình khi Sở GD&ĐT thông báo hạ điểm trúng chuẩn. Ảnh: CN

Công tác tuyển sinh vào lớp 10 ở Đắk Lắk đang bị "rối như tơ vò". Phụ huynh, học sinh và cả các trường học bị ngành Giáo dục tỉnh này “xoay như chong chóng”.

Đây là năm học đầu tiên tỉnh này tổ chức tuyển sinh lớp 10 theo hình thức thi tuyển, xét tuyển. Trong 53 trường THPT công lập, tỉnh chỉ tổ chức thi 12 trường (trong đó có 3 trường chuyên biệt đã tổ chức thi từ nhiều năm trước, 9 trường tổ chức thi lần đầu), còn lại là xét tuyển.

Hình thức tuyển sinh trên được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, tồn tại trong các năm học trước (chỉ xét tuyển, nhưng lại phân tuyến khiến học sinh không có cơ hội chọn trường, nhiều trường hợp học lực khá, giỏi nhưng không vào được trường công lập THPT).

Thế nhưng, kỳ vọng bao nhiêu lại thất vọng bấy nhiêu khi kết quả thi tuyển quá thấp. Trong 9 trường THPT lần đầu tổ chức thi, có tới 7 trường điểm chuẩn chỉ từ 5 - 6 điểm cho 3 môn thi (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ). Như vậy, trung bình mỗi môn chỉ cần hơn 1 điểm (không bị điểm liệt, điểm liệt là 1 điểm), đã đậu vào trường THPT công lập.

Dù điểm chuẩn rất thấp nhưng nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Lý do, trong kỳ thi tuyển sinh, có gần 2.000 học sinh bị điểm liệt. Cụ thể, số lượng điểm liệt của 3 môn thi gồm: Toán (1.799 điểm liệt), Ngoại ngữ (14 điểm liệt), Ngữ văn (74 điểm liệt).

Không thể hạ điểm liệt, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk quyết định hạ điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 cho 2 trường thi tuyển ở TP Buôn Ma Thuột và 31 trường THPT tổ chức xét tuyển trên toàn tỉnh. Hành động trên nhằm giải quyết trường học cho một lượng lớn học sinh đã tốt nghiệp THCS. Thế nhưng, sự thay đổi liên tục kế hoạch tuyển sinh khiến cả phụ huynh, học sinh và các trường học bị động, lúng túng, chạy theo vòng xoáy “nộp-rút, rút-nộp”.

leftcenterrightdel
 Dư luận hoài nghi về tầm nhìn, năng lực của lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk khi để xảy ra những bất cập trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 và đặc biệt là chất lượng giáo dục của tỉnh này đang ở mức đáng "báo động". Ảnh: AM

Chị Hoàng Thị Tú, một phụ huynh ở TP Buôn Ma Thuột cho hay, đã phải xin nghỉ vài buổi làm, hối hả đi lại nhiều lần xin rút hồ sơ cho con từ một trường tư thục để kịp nộp về trường công lập. Theo chị Tú, sở dĩ phải vất vả như vậy, vì kết quả tuyển sinh năm nay có nhiều xáo trộn: “Con tôi ngay từ đầu đã có nguyện vọng vào Trường THPT Lê Quý Đôn nhưng trước đó cứ hồi hộp không biết trường có thi không, mãi sau mới có thông báo thi. Khi thi thì chỉ đạt 14 điểm, không đậu, gia đình lo lắng nộp hồ sơ vào trường tư thục rồi, nhưng giờ có thông báo hạ điểm chuẩn nên cháu đủ điểm, mấy ngay nay bỏ hết việc chạy tới chạy lui rút hồ sơ, nộp lại vào trường cho kịp”.

Việc điểm chuẩn vào lớp 10 của tỉnh quá thấp, kèm với bất cập trong phân luồng giáo dục sau tốt nghiệp THCS đã làm “nóng” kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2016, diễn ra vào ngày 11/7 vừa qua.

Nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng cho chất lượng giáo dục tỉnh nhà cũng như công tác phân luồng giáo dục. Rất nhiều học sinh, nhất là vùng sâu vùng xa gặp khó khăn khi không đậu THPT. Con đường vừa học THPT vừa học nghề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng, trung cấp… theo đề án phân luồng sau tốt nghiệp THCS chưa thật sự đáp ứng nhu cầu, điều kiện của học sinh.

Ông Bùi Duy Thích, đại biểu huyện Krông Bông cho biết, cử tri rất lo lắng về chất lượng giáo dục ở tỉnh. “Vừa rồi công bố điểm liệt, đề nghị sở giáo dục cũng công bố rõ trong kỳ họp này để cử tri biết. Chứ như báo cáo các đại biểu đã nói, ở vùng sâu, vùng xa, con em đồng bào dân tộc thiểu số mà lên tới TP Buôn Ma Thuột học nghề thì vấn đề này rất khó. Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần có tham mưu cho UBND tỉnh có nhiều quyết sách sớm hơn chuẩn bị vào năm học mới rồi”.

Khi những xôn xao về tuyển sinh lớp 10 chưa kịp lắng xuống, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT lại khiến câu chuyện chất lượng giáo dục trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Đây là năm thứ 3, Đắk Lắk đứng trong top cuối những địa phương có điểm thi tốt nghiệp THPT trung bình thấp nhất cả nước. Cụ thể, năm 2022, Đắk Lắk đứng thứ 62/63 tỉnh, thành về điểm trung bình tốt nghiệp. Năm 2023, điểm trung bình tốt nghiệp của tỉnh này tiếp tục “dậm chân tại chỗ” với vị trí 62/63 tỉnh, thành. Năm 2024, vị trí của tỉnh tăng lên… được một bậc và đứng vị trí 61/63. Giáo dục Đắk Lắk lại một lần nữa tiếp tục luẩn quẩn nằm ở top 3 tỉnh, thành có vị trí điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT thấp nhất cả nước.

Trong điều kiện còn khó khăn, việc dành nguồn lực khá lớn cho công tác giáo dục, cho thấy tỉnh Đắk Lắk rất quan tâm và kỳ vọng vào giáo dục. Thế nhưng chất lượng giáo dục được thể hiện thông qua kết quả tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp THPT…

Không những vậy, việc tổ chức một kỳ tuyển sinh vào lớp 10 “không giống ai” khi ngành Giáo dục tỉnh “xoay” phụ huynh và học sinh, cũng như các trường như chong chóng đã khiến dư luận hoài nghi về tầm nhìn, năng lực của lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh này.

Anh Minh